Quảng bá văn hóa Việt
Chia sẻ tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao tổ chức tại Hà Nội từ ngày 21-23/8 vừa qua, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết, năm 2023, Lễ hội Việt Nam “Xin chào Saitama” do Hiệp hội người Việt Nam tại tỉnh Saitama (Nhật Bản) tổ chức, đã tái hiện Tết Trung thu trong không gian kiến trúc tiêu biểu các vùng miền Việt Nam, những trò chơi dân gian, ẩm thực Việt Nam. Đây cũng là một thí dụ sinh động cho thấy sự đóng góp của các cộng đồng người Việt ở nước ngoài vào phát huy sự sáng tạo, tổ chức hoạt động quảng bá văn hóa ở địa phương, trở thành “cầu nối” giữa nhân dân hai nước. Đại sứ Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh: “Cộng đồng là chủ thể tổ chức những hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội ở địa phương, được đánh giá cao về sự lan tỏa văn hóa Việt Nam đến với Nhật Bản”.
Theo ông Hiệu, Tết trông trăng ở Saitama đã mang đến không khí ấm cúng, bình an cho những người con Việt Nam ở sở tại, cũng như người dân Nhật Bản khi hòa mình vào không gian ẩm thực và thưởng thức nghệ thuật truyền thống như dân ca quan họ Bắc Ninh, giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam… Đó chỉ là một trong số những hoạt động đa dạng, phong phú, giúp “bắc cầu” hữu nghị của cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản.
Là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản, hiện có hơn 600 nghìn người Việt Nam sinh sống, làm việc, hiện diện trên tất cả 47 địa phương của Nhật Bản và là lực lượng lao động nước ngoài lớn nhất tại đây. Đại sứ Phạm Quang Hiệu cho biết thêm, những lễ hội văn hóa – du lịch Việt Nam với sự chung tay của cộng đồng, đã được tổ chức hằng năm tại Nhật Bản từ năm 2010 đến nay, với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, thu hút đông đảo khán giả tham dự và tạo thành “thương hiệu” đặc biệt của văn hóa Việt Nam với người dân nước ngoài.
Đánh giá cao những hoạt động quảng bá văn hóa, ông Trần Nhất Hoàng, Phó Cục trưởng Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT&DL) nhận định, trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật không ngừng được đẩy mạnh, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới, đồng thời tạo sự gắn kết giữa bạn bè quốc tế cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, đất nước. Các hoạt động đối ngoại đã gắn kết chặt chẽ giữa giao lưu văn hóa và xúc tiến du lịch trong nước.
Ảnh: ĐSQ VIỆT NAM TẠI NHẬT BẢN |
Thế hệ trẻ tham gia đóng góp
Được chọn là một trong số những người về nước tham gia Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài vừa qua, Nguyễn Thị Trâm Anh, Chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, mang theo những dự định, ấp ủ về các dự án giúp gắn kết, giúp đỡ thanh niên, sinh viên Việt Nam ở Nhật Bản, cũng như quảng bá hình ảnh Việt Nam đất nước, con người tới bạn bè quốc tế. Trâm Anh sinh ra tại Đà Lạt, một vùng đất cao nguyên thơ mộng, nên khi tới học tập và sinh sống ở Tokyo cách đây gần 4 năm, cô từng rất bỡ ngỡ với nhịp sống đô thị lớn sôi động, gấp gáp nơi đây.
“Có nhiều điểm khác biệt song từ đó tôi cũng học hỏi được những kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc chuyên nghiệp của người Nhật Bản. Tôi đã tham gia những hoạt động hội đoàn, câu lạc bộ, sự kiện giao lưu văn hóa tại trường. Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam hằng năm có nhiều hoạt động hỗ trợ học tập, như tìm hiểu trường đại học, kết nối với các công ty Nhật Bản để tìm việc, giao lưu văn hóa, thể thao kết nối bạn bè nước bạn, cũng như hoạt động thiện nguyện hướng về quê hương, đất nước. Những hoạt động này đã giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong thời gian qua”, Trâm Anh chia sẻ. Đang theo học ngành Kinh doanh số và Đổi mới, hệ Kinh tế ở Trường đại học Tokyo, cô sinh viên cho biết rất mong muốn thực tập ở các công ty lớn và sau này về nước khởi nghiệp hoặc làm việc khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm.
Với truyền thống quý báu của dân tộc, người Việt Nam đi đến đâu cũng phát huy tinh thần “đoàn kết là sức mạnh”, tương thân, tương ái, tương trợ lẫn nhau. Việc phát huy sức mạnh cộng đồng, củng cố đoàn kết thông qua các hội đoàn của người Việt Nam tại Nhật Bản, đã góp phần xây dựng tình hữu nghị, giao lưu, hợp tác với sở tại và hướng về phát triển quê hương đất nước. Từ số ít hội người Việt đầu tiên ở Nhật Bản như Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản thành lập hơn 20 năm, Hội người Việt Nam tại Nhật Bản lập năm 2009…, đến nay tại Nhật Bản đã phát triển hơn 40 hội đoàn với vai trò kết nối các hội người Việt ở các địa phương và hội nghề nghiệp trên toàn "đất nước mặt trời mọc".
Đại sứ Phạm Quang Hiệu chia sẻ: “Đặc điểm lớn nhất của cộng đồng Việt Nam tại Nhật Bản là những người trẻ và đó cũng là một cộng đồng hết sức năng động, sáng tạo”. Ông cũng đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản đã có sự phát triển mạnh về cả chất lượng và số lượng, có thể đóng góp xây dựng đất nước bằng cả trí và lực. Số liệu chính thức của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, hiện có khoảng 150 nhà nghiên cứu Việt Nam được nước này xếp loại là Nhà nghiên cứu nước ngoài có trình độ cao, trong đó có nhiều người là Giáo sư, Phó Giáo sư tại các trường đại học Nhật Bản. Theo Đại sứ Hiệu, với vị thế và vị trí hiện nay, đội ngũ chuyên gia, trí thức Việt Nam có điều kiện đóng góp tích cực cho sở tại và hướng về quê hương đất nước.
Cùng đội ngũ chuyên gia, trí thức và thế hệ đi trước, thế hệ trẻ kiều bào ở "xứ hoa anh đào" với sự nỗ lực, đóng góp bền bỉ mỗi ngày đang góp phần truyền cảm hứng về tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc cho các thanh, thiếu niên kiều bào. Nhiều người trong số đó đã dần trưởng thành, tham gia tích cực và trở thành hạt nhân trong cộng đồng, đóng góp quan trọng cho sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như vào quá trình xây dựng đất nước.