Hướng về quê hương
TS Lê Viết Quốc, hiện là nhà nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo (AI) tại Tập đoàn Google (Mỹ), có mặt trong số những đại biểu kiều bào được mời về nước tham dự Hội nghị và Diễn đàn năm nay. TS Quốc không khỏi bồi hồi, bởi từ những ngày mới chân ướt, chân ráo đi du học, anh đã luôn mong mỏi đóng góp về xây dựng quê hương. “Theo tôi, dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, nguồn lực quan trọng nhất là con người. Hành trình của tôi với AI bắt đầu từ năm 2004, nhưng niềm đam mê khoa học thì sớm hơn. Từ nhỏ khi còn ở Việt Nam, tôi đã sớm nhận thấy những tiềm năng của nghiên cứu khoa học”, TS Quốc chia sẻ.
Đã có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đang “nóng” trên toàn cầu này, chuyên gia của Google cho hay: “Trong thập kỷ tới, AI là thách thức khi nhiều công việc truyền thống sẽ bị tự động hóa. Tuy nhiên, đó cũng là cơ hội cho Việt Nam. Với những kinh nghiệm của mình, tôi đề xuất Việt Nam xây dựng trường đại học ngang tầm thế giới về AI, nên đào tạo các chương trình chuyên sâu ngay từ những năm đầu về AI. Khi đầu tư vào con người, cần tìm cách tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và giữ họ ở lại Việt Nam”.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền trung - xứ “Huế thương” theo cách anh gọi, 19 tuổi đi học ở nước ngoài, đến nay thời gian TS Lê Viết Quốc ở nước ngoài đã dài hơn ở Việt Nam. Song, anh vẫn một lòng mong mỏi hướng về Tổ quốc, nhớ món ăn quê hương, hương vị Việt Nam trên mọi nẻo đường đã qua. Khoảng cách địa lý không ngăn trở được nỗi đau đáu hướng về quê cha, đất Tổ. Đó cũng là suy nghĩ, cảm xúc chung của hơn 400 kiều bào, cũng như cộng đồng NVNONN ngày càng lớn mạnh.
Chia sẻ với Thời Nay, kiều bào Phạm Thị Thái, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Thái - Việt tỉnh ChiangMai (Thailand) cho biết, cộng đồng Việt kiều ở địa phương luôn sẵn sàng hướng về quê hương, đất nước. “Chúng tôi thường xuyên về nước, có công việc gì là hội đều bảo nhau đóng góp làm từ thiện, tặng quà cho các quỹ học bổng, chia sẻ giúp đỡ bà con gặp khó khăn khi thiên tai, mất mùa. Đó là tấm lòng đoàn kết, sẻ chia, tương thân tương ái của mọi người Việt Nam dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới”, bà Thái nói.
Kiều bào quan tâm tìm hiểu tủ sách Tiếng Việt. |
Hiến kế xây dựng đất nước
Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức - Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao phối hợp các địa phương, bộ, ban, ngành tổ chức năm nay với chủ đề “Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”. Tại phiên khai mạc, phiên Diễn đàn và 4 phiên chuyên đề, các đại biểu đã trình bày tham luận và thảo luận toàn diện, sâu sắc về các vấn đề liên quan phát triển đất nước và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo ý kiến của một số chuyên gia kiều bào, hợp tác quốc tế về khoa học của Việt Nam vẫn ở mức độ thấp so những nước phát triển. GS Nguyễn Thị Kim Thanh, chuyên gia Hóa học - Vật liệu nano tại Trường đại học UCL (Anh) nhận định, trí thức kiều bào khi hợp tác trong nước về lĩnh vực khoa học - công nghệ (KH&CN) còn có rào cản trong văn hóa, môi trường nghiên cứu khoa học vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quốc tế. “Chính sách nghiệm thu, đánh giá và quá trình thẩm định nghiệm thu phức tạp, cứng nhắc… Những quy định về thời gian như đăng bài gấp rút để nghiệm thu đề tài khi kết quả khoa học chưa chín muồi đã hạn chế sự sáng tạo và có thể dẫn tới tình trạng nghiên cứu theo hình thức, không có đề tài từ 5 tới 7 năm...”, GS Kim Thanh nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nghiệp, tổ chức của kiều bào đã ký 10 biên bản ghi nhớ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước ở các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, truyền thông…
Theo Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt, với nhiều nhiệm vụ quan trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) thời gian tới, Bộ KH&CN mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia NVNONN sẽ tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động ở trong nước, chẳng hạn như tham gia đề xuất giải pháp thiết thực để Việt Nam có thể thực hiện chuyển đổi nhanh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, tiến bộ khoa học; cung cấp kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia phát triển để cùng thúc đẩy ứng dụng và truyền bá tri thức trong đời sống xã hội; thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài cho KH&CN và ĐMST….
Hội nghị NVNONN toàn thế giới đã được tổ chức ba lần vào các năm 2009, 2012, 2016 với sự tham dự của các kiều bào tiêu biểu từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cùng đại diện lãnh đạo của nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các hội nghị đã mở ra những diễn đàn trao đổi chuyên sâu giữa kiều bào với trong nước về những vấn đề như thu hút đầu tư, xây dựng chính sách liên quan cộng đồng NVNONN, quảng bá văn hóa, lan tỏa tiếng Việt...