Đổi mới công tác thông tin đối ngoại ở địa phương

Công tác truyền thông, quảng bá ở các địa phương đang đứng trước yêu cầu cần được đổi mới theo hướng lồng ghép hoạt động thông tin đối ngoại, hoạt động ngoại giao văn hóa, văn hóa đối ngoại trong triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, làm cơ sở để triển khai hiệu quả quảng bá hình ảnh địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung ra thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Gắn thông tin đối ngoại với phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 7/8, tại Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại và nhân quyền năm 2024 do Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Nhân quyền của Chính phủ phối hợp Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 369/QĐ-BTTTT ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ phương hướng phát triển cho các ngành, lĩnh vực có lợi thế của vùng.

Theo ông Đinh Tiến Dũng, để thực hiện Quy hoạch gắn với đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, các địa phương trong vùng cần đổi mới tư duy, cách làm thông tin đối ngoại nhằm thực hiện những nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, trong đó gắn thông tin đối ngoại với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy tăng thứ hạng quốc gia trên mọi lĩnh vực, góp phần tăng thứ hạng hình ảnh Việt Nam trên toàn cầu. Nhiệm vụ về thông tin đối ngoại của địa phương cần được thực hiện trên cả không gian thực và không gian mạng, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số để đổi mới cách làm thông tin đối ngoại.

Những chính sách phát triển thông tin đối ngoại cần phù hợp đặc điểm, lợi thế của địa phương, khắc phục điểm hạn chế của vùng, hướng tới mục tiêu quảng bá hình ảnh Việt Nam ra toàn cầu một cách hiệu quả. Phó Cục trưởng Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Một chiến lược quảng bá hình ảnh địa phương thành công có tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp quảng bá văn hóa, con người, hình ảnh của địa phương, từ đó kích thích hoạt động thu hút đầu tư, thúc đẩy các ngành nghề cùng phát triển, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, thúc đẩy việc giữ gìn và phát huy tiềm năng của tài nguyên du lịch, tăng cường hiểu biết giữa các dân tộc khác nhau trên thế giới”.

Đặc biệt, cần ưu tiên sử dụng công cụ truyền thông mới, truyền thông hiện đại để quảng bá, lan tỏa hình ảnh địa phương đến cộng đồng quốc tế; tập trung nắm bắt thông tin, thị hiếu, nhu cầu của người nước ngoài nhằm xây dựng nội dung quảng bá hình ảnh địa phương phù hợp, tạo ra các “câu chuyện truyền thông” về địa phương.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy đề nghị 14 địa phương khu vực trung du và miền núi phía bắc tập trung thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ về bề dày lịch sử, di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số, về truyền thống cách mạng vẻ vang của vùng, trong đó tập trung vào những nỗ lực, thành tựu của các địa phương trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy quyền con người nói chung và quyền bình đẳng của đồng bào dân tộc thiểu số.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh việc đổi mới phương thức, sáng tạo trong nội dung thông tin trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Huy động mọi nguồn lực trên cả ba phương diện nhân lực, vật lực và tài lực, cả trong nước và nước ngoài để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ thông tin đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển vùng, phát triển đất nước mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Đổi mới công tác thông tin đối ngoại ở địa phương ảnh 1

Các đại biểu trao đổi ý kiến bên lề hội nghị.

Nguồn sức mạnh to lớn

Tại địa phương đặc thù là cửa ngõ phía bắc như tỉnh Hòa Bình, theo ông Bùi Đức Hinh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tỉnh Hòa Bình - trong những năm qua, bảo đảm phương châm “chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả”, các hoạt động thông tin đối ngoại của tỉnh luôn bám sát định hướng chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đồng thời bám sát chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Các hoạt động thông tin đối ngoại tập trung phản ánh hoạt động ngoại giao văn hóa, ngoại giao kinh tế gắn với quảng bá hình ảnh đất nước và của địa phương; giới thiệu tiềm năng hợp tác và phát triển của tỉnh; đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu sai trái của các thế lực cơ hội, thù địch, góp phần tích cực trong thu hút đầu tư, vận động tài trợ, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; giữ gìn ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội của tỉnh và của đất nước trong tình hình mới.

Theo ông Hinh, việc triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại đã tạo nguồn sức mạnh to lớn, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, tỉnh Hòa Bình có tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 62%, thu nhập bình quân đầu người đạt 77,59 triệu đồng/năm, tỷ lệ đô thị hóa đạt 34,8%. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa, tham mưu ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.