Tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài

Cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vị thế của tiếng Việt ngày càng được đánh giá cao ở các nước. Điều này một phần có được là nhờ sự đóng góp thầm lặng và bền bỉ của cộng đồng và cả những người nước ngoài yêu tiếng Việt trong việc duy trì, phát triển ngôn ngữ chính thức của Việt Nam trong môi trường quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Vinh danh các Sứ giả tiếng Việt.
Vinh danh các Sứ giả tiếng Việt.

Những “sứ giả” thầm lặng

Sinh ra tại một vùng quê nghèo ở khu vực phía bắc Lào, không có nhiều điều kiện tiếp xúc với người Việt Nam cũng như tiếng Việt nhưng chị Lanny Phetnion lại có một niềm yêu thích mãnh liệt với tiếng Việt. Năm lớp 12, khi được tặng học bổng của Trường đại học Quốc gia Lào vì đã đạt giải cao trong một cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, chị quyết định đăng ký theo học chuyên ngành tiếng Việt, dù nhiều người can ngăn.

“Nhiều người hỏi tôi học tiếng Việt làm gì, học xong liệu có sử dụng đến hay không? Tuy nhiên, vì tình yêu với tiếng Việt nên tôi vẫn quyết định đi học ngoại ngữ này”, chị Lanny cho biết, khi sang Việt Nam dự lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala “Tiếng Việt thân thương”, do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức hôm 8/9 vừa qua, nhân Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.

Sau 5 năm học, tiếng Việt đã trở nên thân thuộc như ngôn ngữ mẹ đẻ của Lanny. Hiện nay, chị là giảng viên tại khoa tiếng Việt, Trường đại học Quốc gia Lào. Ngoài ra, chị mở một trung tâm dạy tiếng Việt, làm người dẫn chương trình Thời sự tiếng Việt tại Đài Truyền hình Quốc gia Lào, hỗ trợ phiên dịch cho nhiều đoàn công tác Việt Nam sang thăm và làm việc tại Lào, dẫn chương trình tiếng Lào - Việt cho các sự kiện. Chị còn lập các kênh dạy tiếng Việt trên các mạng xã hội, biên soạn sách học tiếng Việt cho không chỉ người Lào mà còn cả người nước ngoài ở Lào có chung niềm yêu thích. Tích cực lan tỏa những nét đẹp trong sinh hoạt, phong tục, tập quán của Việt Nam cho những người chung quanh, Lanny nói rằng, đây cũng là cách để chị góp phần vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt giữa Lào và Việt Nam.

Trong khi đó, sự gắn bó đối với việc dạy và học tiếng Việt ở môi trường nước ngoài của Tiến sĩ Nguyễn Thế Dương xuất phát từ quá trình làm nghiên cứu sinh tại Australia, khi anh nhận thấy rằng nhiều bậc cha mẹ là người Việt Nam ở Australia mong muốn con em mình giữ được tiếng Việt. “Giữ được tiếng Việt chính là giữ được sợi dây gắn bó của các con với cội nguồn”, anh Dương nói về lý do tổ chức các lớp dạy tiếng Việt miễn phí cho trẻ em là người Việt ở gần nhà.

Nhận thấy việc dạy tiếng Việt cho trẻ em NVNONN vẫn còn thiếu giáo trình và phương pháp dạy, từ cuối năm 2016, Tiến sĩ Nguyễn Thế Dương đã cùng hai đồng nghiệp biên soạn bộ sách có tên “Tiếng Việt của em”. Năm 2019, bộ sách được phát hành và đến năm 2021 đã được trao giải Nhì, là giải cao nhất trong cuộc thi Biên soạn sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt cho NVNONN do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Tôn vinh tiếng Việt ở nước ngoài ảnh 1

Lễ Tôn vinh tiếng Việt và khai trương Tủ sách tiếng Việt tại Pháp tháng 7/2024.

Anh Dương cho biết: “Đây là bộ giáo trình đầu tiên dạy tiếng Việt với tư cách là một ngôn ngữ thứ hai, chứ không phải là ngôn ngữ thứ nhất. Bởi, các bạn nhỏ được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nên thứ tiếng đầu tiên là tiếng mà các bạn ấy nói là tiếng sử dụng ở nước đó. Với cách tiếp cận như thế, chúng tôi biên soạn bộ sách theo hướng dễ học. Nhờ đó mà bộ sách được sử dụng rất phổ biến không chỉ ở Australia mà còn ở các nước khác, được các bạn học sinh, giáo viên, phụ huynh đón nhận rất tích cực”.

Sau khi “Tiếng Việt của em” được ra mắt, anh Nguyễn Thế Dương đã đem bộ sách sang Australia và cùng một đồng nghiệp mở trường "Yêu tiếng Việt", chuyên dạy tiếng Việt cho trẻ em NVNONN theo hình thức học trực tuyến. Đến nay, ngôi trường đã thu hút hàng nghìn học sinh từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản đến những nơi có rất ít người Việt sinh sống như Guinea, Cameroon, Saudi Arabia đăng ký theo học. Trong số này, có cả những người nước ngoài có niềm yêu thích và mong muốn học tiếng Việt.

Lanny Phetnion và Tiến sĩ Nguyễn Thế Dương là 2 trong số 5 người nhận danh hiệu "Sứ giả tiếng Việt" trong Cuộc thi tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN năm 2024.

Ngày 11/6/2024, Hội đồng Giám sát thành phố và quận hạt San Francisco, bang California (Mỹ) đã thông qua nghị quyết quyết định tiếng Việt được sử dụng như một trong những ngôn ngữ chính thức của thành phố này, bên cạnh tiếng Anh, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Philippines. Đây là tiền đề cho việc công nhận tiếng Việt là ngôn ngữ hành chính chính thức ở những nơi khác có đông người Việt Nam sinh sống.

Lan tỏa tiếng Việt ra khắp năm châu

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023 - 2030. Đây được coi là bước đột phá trong công tác duy trì, phát triển tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu thiết thực của cộng đồng.

Theo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, qua 2 năm thực hiện, Đề án đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là sự hưởng ứng của kiều bào. Trong đó, cộng đồng người Việt ở nhiều nước đã phối hợp tích cực với cơ quan đại diện tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Tôn vinh tiếng Việt như thành lập các Ban tiếng Việt chuyên trách trong hội đoàn; mở mới hoặc mở rộng quy mô các trường, lớp dạy và học tiếng Việt… Đặc biệt là chuỗi hoạt động Ngày Tôn vinh tiếng Việt và Cuộc thi tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN. Sau 2 năm tổ chức, cuộc thi đã lựa chọn và vinh danh 10 sứ giả tiếng Việt ở các địa bàn, độ tuổi khác nhau.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng, sự tồn tại và phát triển của một cộng đồng bền vững phụ thuộc vào việc duy trì ngôn ngữ và văn hóa gốc. Vì vậy, các “sứ giả tiếng Việt” chính là đội ngũ các giáo viên, bao gồm cả những người không chuyên, tình nguyện dạy tiếng Việt ở những nơi có người Việt sinh sống, đã góp phần xây dựng nền tảng cho cộng đồng NVNONN thông qua việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt. Điều này không chỉ giúp thế hệ trẻ có thể giữ liên kết với cội nguồn, mà còn tạo điều kiện cho sự gắn kết mạnh mẽ hơn giữa các thành viên trong cộng đồng.

Những kết quả đạt được trong việc triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN giai đoạn 2023 - 2030 thời gian qua khẳng định rằng, chủ trương đúng đắn của Nhà nước, sự đồng lòng, chung tay của xã hội, đặc biệt là cộng đồng NVNONN sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa các giá trị cao đẹp của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, không chỉ trong cộng đồng NVNONN mà còn tới bạn bè quốc tế, góp phần tạo nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam.