Giáo dục - Nhìn thẳng, nói thật

Đã tròn 10 năm (2013-2023) ngành giáo dục triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Vượt qua giai đoạn cam go nhất với những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bước sang năm 2023, ngành giáo dục có thêm nhiều thành tựu tích cực. Song bên cạnh đó, còn không ít bất cập cần sớm được khắc phục, nhìn thẳng và nói rõ sự thật.
0:00 / 0:00
0:00
Sớm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền là yêu cầu cấp bách đặt ra cho ngành giáo dục. Trong ảnh: Học sinh tại Trường tiểu học Bản Díu, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Trần Hải
Sớm thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền là yêu cầu cấp bách đặt ra cho ngành giáo dục. Trong ảnh: Học sinh tại Trường tiểu học Bản Díu, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Trần Hải

NÓI về giáo dục của Việt Nam, mới đây tờ báo The Telegraph (Anh) đã có bài viết với dòng tít "Hệ thống giáo dục của Việt Nam có hiệu quả rõ rệt - các quốc gia đang phát triển khác có thể học được điều gì?". Những ý kiến đánh giá khách quan từ quốc tế, lại từ một nền giáo dục uy tín như Anh quốc đó, đã mang đến niềm vui, hy vọng và cả động lực tiếp thêm cho công cuộc đổi mới của ngành giáo dục.

PGS, TS Abhijeet Singh, Trường Kinh tế Stockholm, một chuyên gia nghiên cứu về hệ thống trường học tại các quốc gia đang phát triển, nhận xét: "Điều cực kỳ rõ ràng ở Việt Nam là với nguồn lực hạn chế, họ vẫn có thể đạt được những kỹ năng về ngôn ngữ và tính toán cần thiết, sánh ngang các quốc gia phát triển". Đặt trong bối cảnh một đất nước còn thiếu hụt nguồn lực đội ngũ giáo viên, tiến sĩ Singh đã đưa ra nhận xét: "Tôi không nghĩ có bất kỳ cuốn cẩm nang nào về cách dạy học, nếu bạn muốn có kết quả như Việt Nam". Và ông còn nhấn mạnh thêm: "Việt Nam nên được xem là một thí dụ tạo động lực, để chứng minh rằng một nền giáo dục chất lượng cao là có thể thực hiện được, mặc dù mức thu nhập quốc dân thấp".

Những nhận định tích cực trên đều được minh chứng bằng các số liệu thực tiễn, nhất là trong những tháng cuối năm 2023. Ngày 27/9, tạp chí Times Higher Education (THE) của Anh đã công bố bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024. Theo đó, Việt Nam tiếp tục có sáu đại diện được xếp hạng, gồm: hai Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Huế, Trường đại học Duy Tân và Trường đại học Tôn Đức Thắng.

Đến ngày 8/11, Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS) công bố bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2024 với 857 trường. Việt Nam tiếp tục có 15 đại diện, trong đó bốn trường lần đầu góp mặt là Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học Giao thông vận tải và Trường đại học Văn Lang.

Rõ ràng những nhận định trên là có cơ sở thực tiễn. Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) mới đây tổ chức Hội thảo khoa học "Nhận diện những nhân tố mới trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Việt Nam". GS, TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ, nêu quan điểm: Việt Nam vẫn tự hào có hệ thống giáo dục phổ thông tốt, thành tích xóa mù chữ rất cao so những nước có mức thu nhập tương đương. Tuy vậy, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, việc quan trọng nhất của các trường đại học và cả hệ thống giáo dục là công tác bảo đảm chất lượng.

"Bảo đảm chất lượng không những là yếu tố sống còn của mỗi cơ sở giáo dục đại học, mà còn là sự sống còn của cả hệ thống giáo dục Việt Nam. Bảo đảm chất lượng, cuối cùng, phải là bảo đảm chất lượng đầu ra về kiến thức, kỹ năng, kỷ luật, đạo đức của người học tốt nghiệp", GS Trình cũng cảnh báo: "Hiện nay, có không ít người phải nghỉ hưu từ tuổi 35 vì đến thời điểm đó, kiến thức của họ đã già cỗi. Họ không thể cạnh tranh với những người trẻ ở tuổi 20... Đây là một hệ lụy rất lớn, và trách nhiệm thuộc về các cơ sở giáo dục đại học".

Đồng quan điểm, GS, TSKH Nguyễn Đình Đức đề xuất: "Chúng ta cần phải có sự đổi mới từ đầu vào (chương trình đào tạo) và đầu ra (kiểm tra đánh giá), đồng thời hướng tới xây dựng đại học số để đáp ứng các tiêu chí như khả năng tự động thích ứng, khả năng tự học, khả năng dự báo, khả năng tự vận hành".

Cũng đề cập vấn đề này, nhất là khả năng thích ứng linh hoạt, sinh viên chủ động tạo việc làm cho chính mình, ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo chia sẻ mong muốn sinh viên quan tâm đến khởi nghiệp, tại lễ công bố chương trình nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam, sáng 20/12 tại Hà Nội. Theo Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, đất nước đang trong quá trình phát triển, các công ty, doanh nghiệp từ nhiều quốc gia đến Việt Nam nhiều, tạo ra nhiều cơ hội việc làm. Điều này cũng mang đến cơ hội rất lớn cho những ý tưởng khởi nghiệp được thành hình. Do đó, thanh niên, sinh viên cần phải nắm bắt cơ hội để lập nghiệp.

Một điểm sáng nữa của ngành giáo dục-đào tạo trong năm 2023 là đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng cơ sở dữ liệu. Theo TS Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phân tích, những kết quả chuyển đổi số của ngành giáo dục tác động đến các trụ cột chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số và Xã hội số. Cụ thể, tính đến tháng 10/2023, cơ sở dữ liệu về mầm non, phổ thông đã thu thập thông tin của gần 53.000 trường học,... góp phần làm giàu cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư hơn 20 triệu công dân.

Theo kế hoạch năm học 2024-2025, các lớp cuối cấp phổ thông sẽ hoàn thành Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới. Thời gian không còn nhiều. Cùng với chủ trương đầu tư, phát triển, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, ngành giáo dục cần tích cực phối hợp các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương để triển khai chương trình mới được hiệu quả và đồng bộ.

Nhìn lại cả một chặng đổi mới, bên cạnh những thành tựu đạt được, xã hội vẫn không khỏi bất an với tình trạng bạo lực học đường, an toàn thi cử, chất lượng sách giáo khoa, vấn đề liêm chính học thuật,... Ngành giáo dục cần sớm rút kinh nghiệm, khắc phục, phòng tránh các sự cố đáng tiếc, lấp đầy những "lỗ hổng" trên hành trình đổi mới căn bản và toàn diện, nhất là những nhiệm vụ đặt ra ngay trong năm mới 2024 đang đến.

Theo khảo sát độc lập của Ngân hàng Thế giới (WB), tại Việt Nam, chỉ có 76% số thanh thiếu niên theo học các trường trung học ở khu vực nông thôn, so 90% ở khu vực thành thị. Hay, ở tuổi 19, chỉ một phần năm số học sinh thuộc nhóm 20% gia đình nghèo nhất xã hội tiếp tục đi học, so với 80% số học sinh thuộc nhóm 20% gia đình khá giả.