Sự phản cảm mang tên quyền năng
Có thể nói, khó có ngành nghề nào chủ thể chính nhận được sự thần tượng, vinh danh và lấp lánh hào quang nhiều như nghệ sĩ. Không dừng lại ở công chúng, nhiều thương hiệu lớn cũng đã dành cho họ sự ưu ái, đãi ngộ… Từ những đặc ân đó, nhiều người mang danh nghệ sĩ đã cho rằng, mình thật sự đủ sức hút, quyền năng, dẫn đến hàng loạt phát ngôn, hành động thiếu chuẩn mực.
Theo nghĩa thông thường, danh xưng nghệ sĩ thường để chỉ những người hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực nghệ thuật. Chính bởi tính chuyên nghiệp nên đòi hỏi người hoạt động cần có năng lực, được đào tạo cơ bản và có đủ tư cách khiến hoạt động của họ tác động tích cực vào đời sống văn hóa, tinh thần của công chúng. Danh xưng nghệ sĩ vốn không thay đổi theo thời gian, nhưng nội hàm của nó có thể thay đổi để phù hợp thời đại.
Theo đánh giá từ giới làm nghề, danh xưng nghệ sĩ cũng như nhiều danh xưng khác đã và đang bị “tầm thường hóa”, bị gán ghép tùy tiện cho các cá thể trong xã hội. Kiểu như người làm được vài bài thơ “con cóc” lập tức được gọi là nhà thơ; người viết được mấy ca khúc theo kiểu tự hát ra rồi nhờ người khác ký xướng âm, qua biểu diễn của ca sĩ, được một số người thích, lập tức trở thành nhạc sĩ. Rồi thì các tên gọi “ông hoàng”, “bà chúa”, “vua”, “nữ hoàng”, “di-va”...
Có lẽ, chưa bao giờ sự ảo tưởng quyền năng xuất hiện nhiều ở đời sống văn hóa nghệ thuật, giải trí như hiện nay. Háo danh, ảo tưởng… là những cụm từ công chúng nhắc tới nhiều trong thời gian qua nhằm đề cập đến thực trạng nhiều người mang danh nghệ sĩ đã đặt mình ở vị trí cao hơn tất cả. Những sự việc nhỏ lẻ nổi cộm lên chỉ như những “giọt nước tràn ly”, không phải điển hình hay “của hiếm”. Gameshow, truyền hình thực tế, các cuộc thi tài năng, mạng xã hội… đang trở thành nơi chốn để nhiều người có hoạt động biểu diễn, thậm chí còn chưa “sạch nước cản” được ưu ái khoác cho danh xưng “nghệ sĩ” cùng hai chữ “quyền lực”.
Đặc biệt, hiện tượng này càng bùng nổ ở không gian mạng xã hội phát triển, khi mỗi người đều có trang cá nhân, các kênh quảng bá riêng. Thông thường, một cá nhân được gọi là “người của công chúng” thì trang cá nhân có thể thu hút hàng triệu, chục triệu người theo dõi. Với số lượng đông đảo đó, mỗi bài đăng của họ, dù tích cực hay tiêu cực cũng nhận hàng chục nghìn bình luận, hàng triệu lượt “like” và chia sẻ. Tình trạng trên khiến không ít người tự cho rằng, bản thân đã là một giá trị đầy sức nặng, là một kênh truyền thông khiến khán giả phải theo dõi, khen ngợi, tung hô. Đôi khi, sự ảo tưởng cũng bắt nguồn từ chính tình cảm, lòng mến mộ chân thành của công chúng.
Không phải ngẫu nhiên niềm tin của công chúng bị xói mòn. Đáng tiếc hơn cả những sự cố không chỉ đến từ những người mới chập chững vào nghề, mà nhiều khi lại ở những tên tuổi tưởng chừng đã đủ trải nghiệm. Thái độ kiêu ngạo, thách thức đồng nghiệp, khán giả, truyền thông ngay trên sân khấu và các tình huống thường nhật liên tục xảy ra. Tệ hơn, khi bị lên án, không ít người lại cho rằng đời tư đang bị “xâm phạm”, hoặc biện bạch: nghệ sĩ là người, đâu phải thần thánh!
Có nghệ sĩ gạo gội đã thở dài: “Một người làm nghề biểu diễn mà bản thân không “trọng nghệ” thì chẳng thể đổ thừa cho ai được!”. Theo dòng hồi tưởng, chúng ta nhớ tới nhiều nghệ sĩ thế hệ trước mỗi khi lên sân khấu chuẩn bị biểu diễn hay trình bày điều gì đó với khán giả đều bắt đầu bằng những chữ “xin”, “thưa”… Nhiều tên tuổi được mệnh danh là “danh ca” giờ đã 70 - 80 tuổi, mỗi lần trả lời phỏng vấn các phóng viên đáng tuổi cháu mình đều bắt đầu bằng chữ “thưa bạn” hoặc “xin thưa”; đi trao quà từ thiện, không chỉ với các cụ già mà trao cho trẻ nhỏ cũng đều trao bằng hai tay và cúi đầu, trìu mến nói lời cảm ơn dành cho người nhận.
Có lần, chia sẻ về câu chuyện này, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh bày tỏ: “Tôi ngày xưa, được giao mấy phim, được làm đạo diễn đã thấy thích lắm rồi và trong lòng sớm có sự kiêu hãnh. Nhưng rồi tôi sớm tỉnh ngộ, xác định được cái đích và kiên trì với nó, tự viết kịch bản cho phim của mình, không lung lay. Tôi rất lấy làm tiếc khi nhiều bạn đã trượt dài và lúc muốn quay trở lại đã không thể tiếp tục làm nghề được”.
Cần những cảnh báo kịp thời…
Cùng với tinh thần dân chủ hóa trong đời sống và xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động, chuẩn đánh giá các đối tượng đã phong phú hơn, đa dạng hơn, xuất hiện nhiều đỉnh cao hoặc đồng đỉnh cao, chứ không bó hẹp. Đó là một phần lý do dẫn đến câu chuyện những danh xưng như nghệ sĩ tiêu biểu, giải thưởng bình chọn... xuất hiện và được một bộ phận xã hội thừa nhận. Dù vậy, danh xưng, danh hiệu chỉ mang tính chất bộ phận, còn để bảo đảm “hàm lượng” chất nghệ sĩ trong một người hoạt động nghệ thuật, người làm nghề buộc phải thực tài, có phẩm chất tốt, có ý thức đem nghệ thuật đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của đời sống tinh thần trong xã hội.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, thời gian qua, kỳ vọng của công chúng với văn nghệ sĩ không được đáp ứng khi có những nghệ sĩ để lại tiếng xấu, hình ảnh không phù hợp cả trong lời nói hay chia sẻ trên mạng xã hội. Những sự lệch chuẩn có thể ảnh hưởng tới công chúng, môi trường văn hóa, đặc biệt là giới trẻ. Theo đó, cần có quy định về luật pháp, chế tài nghiêm khắc để răn đe, xử lý mang tính làm gương để nghệ sĩ không có những chia sẻ hoặc có hành động thiếu chuẩn mực. Bởi văn nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn đối với công chúng, vì vậy họ cần là tấm gương tốt, truyền cảm hứng chứ không phải tạo nên sự phản cảm.
Thời gian qua, ngành văn hóa có xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử chung dành cho các nghệ sĩ, thu hút sự quan tâm của giới làm nghề và dư luận. Theo Phó Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương, việc này không áp đặt mà mang tính cảnh báo, định hướng, góp phần nâng cao ý thức, hành vi của nghệ sĩ trong quá trình làm nghề và ứng xử cuộc sống. Nhìn rộng ra, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia có nền văn hóa nghệ thuật phát triển cũng đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử không mang tính chế tài, như “đèn vàng” cảnh báo, giúp nhắc nhở, đánh giá hành vi của mỗi người, từ đó xác lập uy tín nghề nghiệp, thương hiệu cá nhân nghệ sĩ.
Khách quan nhìn nhận, hầu hết nghệ sĩ tài năng thường có cách ứng xử phù hợp, chuẩn mực, không để công chúng thất vọng. Tuy nhiên, không vì thế mà không cần đến những quy tắc nào hoặc không quan tâm tới tác động của nghệ sĩ tới đời sống văn hóa. Xây dựng quy tắc ứng xử là một mục đích mang tính định hướng, cảnh báo một cách nhân văn, giúp nghệ sĩ thêm cơ sở để làm nghề, ứng xử hoàn thiện hơn; các đơn vị nghề nghiệp thêm căn cứ xây dựng thêm những quy định cụ thể... chứ không mang tính áp đặt, cản trở quá trình hoạt động nghề nghiệp, sáng tạo nghệ thuật.
Dù chưa có khảo sát cụ thể, nhưng lối ứng xử của nghệ sĩ trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội dường như đã ở mức báo động. Về chế tài, pháp luật đã có quy định cụ thể và trên thực tế đã có nhiều nghệ sĩ chịu phạt vì hành vi thiếu chuẩn mực. Song, xét cho cùng, mọi hình thức xử phạt như: hành chính, hình sự... có nặng nề đến mấy cũng không so sánh được với việc nghệ sĩ không còn khán giả, tự mình đánh mất niềm tin và uy tín nghề nghiệp. Bởi nghệ thuật là lĩnh vực đặc thù, hướng con người và xã hội đến các giá trị chân - thiện - mỹ. Nếu không làm tốt sứ mệnh đó, nghệ sĩ có thể bị… quay lưng!
PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: “Cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, cần cù, nhân ái, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung… Cần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp đạo đức, lối sống; xây dựng văn hóa trong kinh tế”.