Giá trị của âm nhạc “hàng hiệu”?

Nếu như chúng ta không có thời gian để dừng lại và lắng nghe một nghệ sĩ hàng đầu thế giới chơi loại âm nhạc đỉnh cao, liệu đã có bao nhiêu điều quý giá khác nữa mà chúng ta đã từng bỏ lỡ trong cuộc sống này?

Joshua Bell.
Joshua Bell.

Cây vĩ cầm Stradivarius có tạo nên sự khác biệt?

Vật phẩm nào cũng đều có “hàng hiệu” với mức giá “trên trời”, bên cạnh những đồ “bình dân” với giá niêm yết khiêm tốn. Với cây đàn violin, loại bình thường nhất cũng đã là cả một gia tài, với mức giá khoảng 50.000 đô-la. Nhưng “dân trong giới” luôn truyền tụng và ao ước được biểu diễn trên những cây đàn huyền thoại, được làm cách đây tới ba thế kỷ bởi các bậc thầy như Stradivari hay Guarneri del Gesù, có giá khoảng vài triệu đô-la.

Giới khoa học thì luôn coi trọng con số, chứng cứ nên đã thực hiện một nghiên cứu nhằm so sánh hai cây đàn có điều gì khác biệt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các tay chơi vĩ cầm cự phách trên thế giới vẫn không phân biệt được tiếng đàn mới và cũ trong những cuộc thử nghiệm yêu cầu phải bịt mắt. Trớ trêu hơn nữa, nhiều người còn yêu thích âm thanh của cây đàn “bình dân”, khi phải đưa ra lựa chọn của mình.

“Người ta đồn rằng, âm thanh của cây violin mới quá lớn và chói tai. Nghiên cứu này cho thấy, chẳng có tí sự thật nào trong lời đồn thổi này” - Claudia Fritz, một nhà nghiên cứu âm nhạc thuộc Đại học Pierre & Marie Curie ở Paris nhận định. “Người ta nói, tại sao lại muốn hủy hoại thanh danh của cây Strad? Không phải như vậy, tôi nghĩ rằng đó vẫn là một nhạc cụ tuyệt vời. Tôi chỉ muốn rằng các soloist trẻ tuổi vẫn có thể tạo nên sự nghiệp mà không cần có một cây đàn cũ đắt tiền”.

Cuộc nghiên cứu khởi đầu vào năm 2010, bằng việc yêu cầu 21 nhạc công tại một cuộc thi quốc tế ở bang Indiana (Mỹ) bịt mắt và thử chơi ba cây đàn mới và ba cây đàn cũ. Có 13 người chọn đàn mới là cây đàn yêu thích của họ, ít được chọn nhất trong sáu nhạc cụ tham gia thử nghiệm lại chính là cây Stradivarius huyền thoại. Kết quả này gây nhiều tranh cãi và các tay chơi violin đã than phiền rằng, điều kiện thử nghiệm không hề phù hợp.

Thế nên cuộc nghiên cứu được thực hiện lại với nhiều cải tiến. Có 12 nhạc cụ, sáu mới và sáu cũ, trong đó đàn mới được “phù phép” để nhìn cũ kỹ hơn. Mười soloist chuyên nghiệp, với nhiều thời gian thử nghiệm hơn (75 phút trong phòng tập và 75 phút trong đại sảnh chuyên chơi nhạc cổ điển có sức chứa 300 người, đều ở Paris) đã sử dụng cây vĩ của riêng mình, so sánh những cây violin thử nghiệm với đàn của họ, có thể chọn thính giả để lắng nghe phản hồi hoặc cũng có thể được đệm bởi piano hoặc dàn nhạc giao hưởng.

Giá trị của âm nhạc “hàng hiệu”? ảnh 1

Kết quả, sáu người đã chọn cây vĩ cầm mới, trong đó đặc biệt một cây với tiếng lớn, sắc đã được tới bốn người lựa. Có lẽ bởi là một soloist, họ nghĩ rằng tiếng đó sẽ vượt lên trên nền của dàn nhạc - các nhà nghiên cứu phân tích. Các nghệ sĩ tham gia đều đã đánh giá cây violin mới cao hơn về khả năng biểu diễn lẫn sự chính xác.

Tuy nhiên, tất cả đều cho rằng, nếu chỉ như vậy mà kết luận cả hai cây đàn ngang bằng thì quá đơn giản. Yi-Jia Susanne Hou, nghệ sĩ đến từ Canada đã chọn đàn mới trong hầu hết các lần thử nhưng vẫn nói rằng, cô thích đàn cũ hơn bởi chúng “cộng hưởng với âm thanh của mỗi người chơi” trong suốt hàng trăm năm qua. Elmar Oliveira cũng chọn một cây đàn mới và nhầm đó là cây Stradivarius. Dù đánh giá cao các nghệ nhân làm đàn hiện tại và thường biểu diễn với cây đàn giá 10.000 đô-la, anh vẫn nhận xét “điều mà bạn không thể so sánh với cây đàn mới là nhạc cụ hàng hiệu đó đã được biểu diễn 300 năm, chúng đã thay đổi và phát triển”.

Nghệ sĩ lớn biểu diễn ở không gian bình dân

Tại các ga tàu điện ngầm, thường có những nghệ sĩ đường phố sử dụng tài năng của mình để kiếm tiền từ bá tánh. Một buổi sáng lạnh lẽo ở Washington, có một người đàn ông đội nón, mặc áo phông dài tay, quần jeans trình diễn violin trong khung giờ đông đúc nhất, khi mọi người đang đổ xô đi làm. Trong 45 phút, anh chơi sáu bản nhạc của J.S.Bach, mở đầu là “Chaconne”, một trong những tác phẩm khó nhất cho đàn violin.

Sau ba phút đầu tiên, 63 người lướt qua không ngoảnh mặt, chỉ có một người đàn ông trung niên đi chậm lại, dừng vài giây rồi tiếp tục hối hả bước. Nửa phút sau đó, anh nhận được đồng tiền đầu tiên. Một phụ nữ thả tiền vào hộp và vẫn bước tiếp, không hề dừng lại. Vài phút nữa, một người đứng dựa tường nghe anh chơi nhạc chút xíu rồi nhìn đồng hồ và tiếp tục đi. Nhân vật duy nhất chú ý đến người chơi đàn là một cậu bé ba tuổi được mẹ dẫn theo. Dù bà mẹ thúc giục, cậu bé vẫn dừng lại, ngay cả khi bị kéo đi, cậu vẫn ngoái lại nhìn đầy tò mò. Hành động này được lặp lại sau đó với nhiều đứa trẻ khác, cho dù các bậc phụ huynh, không hề có ngoại lệ, đều ép chúng đi tiếp. Trong vòng 45 phút, có bảy người dừng lại và đứng nghe nhạc ít nhất một phút, 20 người cho tiền nhưng vẫn tiếp tục bước đi. Cuối buổi, thù lao mà anh nhận được là 32 đô-la 17 xu (bởi có những người đã bỏ vào hộp cả những đồng xu lẻ), sau 1.070 lượt người lướt qua.

Người chơi violin buổi sáng hôm đó là Joshua Bell, một trong những tên tuổi xuất sắc nhất của làng nhạc cổ điển hiện nay. Trước khi chơi nhạc tại ga tàu điện ngầm hai ngày, anh biểu diễn tại một nhà hát ở Boston, vé bán hết sạch với giá trung bình 100 đô-la/chỗ. Cây đàn mà anh sử dụng trong cuộc thử nghiệm có tên là Gibson ex Huberman, được chế tác năm 1713 bởi Antonio Stradivari trong giai đoạn hoàng kim của bậc thầy người Ý này, trị giá tới 3,5 triệu đô-la.

Lần thử nghiệm này tờ Washington Post thực hiện. Các nhạc phẩm được chơi không phải là những giai điệu cổ điển quen thuộc với công chúng vì quá dễ gây chú ý mà là các kiệt tác đã được chứng minh hàng thế kỷ qua, được tấu lên đầy trọng thị trong các nhà thờ hay đại sảnh hòa nhạc. Trước khi thử nghiệm, Washington Post đã khảo sát ý kiến của Leonard Slatkin - Giám đốc âm nhạc của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Mỹ. “Người ta sẽ không nhận ra anh ấy và xem như đó chỉ là một nhạc công đường phố. Nhưng nếu như anh ta thật giỏi, người ta sẽ để ý. Trong 1.000 người, tôi nghĩ sẽ có 35 - 40 khán giả nhận ra chất lượng thứ nhạc mà anh ta đang trình tấu, 75-100 người có thể sẽ dừng lại và đứng nghe”. “Đồng nghĩa sẽ có một đám đông tụ tập?” “Đúng vậy”. “Anh ấy sẽ kiếm được bao nhiêu?”. “Chừng 150 đô-la”.

Thực tế, chỉ một người duy nhất nhận ra Joshua, trò chuyện và đã “bo” 20 đô-la. Số này không được tính bởi người đó đã bị tên tuổi của Joshua Bell gây ảnh hưởng, trước khi móc ví. Bình thường, với tài năng của Joshua, anh kiếm được 1.000 đô-la/phút cho các buổi diễn của mình.

Frank Almond - Nhạc trưởng của dàn nhạc Milwaukee Symphony Orchestra, người từng bị đánh cắp cây đàn Stradivarius trị giá năm triệu đô đã cho rằng nghiên cứu này không thể so được với khoảng thời gian nhiều tháng để nghệ sĩ và cây đàn có thể hiểu được nhau. “Rõ ràng là những nhạc cụ hiện đại có chất lượng rất cao. Nhưng kinh nghiệm của tôi là nếu như những soloist tiếng tăm này có khoảng hai tháng để so sánh giữa đàn mới và cây Strad hay del Gesù dưới nhiều điều kiện khác nhau thì tôi không tin sẽ có gì phải tranh cãi”.

Một nghệ sĩ nổi tiếng, nếu không giới thiệu tên tuổi và trình diễn ở phòng trà nhỏ xíu liệu có được ánh hào quang như thường lệ?