Gia cố "hệ miễn dịch số" cho trẻ em

Nhiều nghiên cứu, khảo sát thực tế đã chỉ ra, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể trở thành mối ẩn họa tiềm tàng, đe dọa đến sự an toàn của trẻ em, vượt ra khỏi không gian ảo.
0:00 / 0:00
0:00
Một cuốn cẩm nang hữu ích cho trẻ em.
Một cuốn cẩm nang hữu ích cho trẻ em.

Thí nghiệm thực tế

Mới đây, trên nền tảng TikTok, một số video thử nghiệm tình huống trong thực tế đã khiến không ít người lớn lo lắng. Cụ thể, trong video, một thành viên nhóm sản xuất nội dung đóng giả thành bạn của phụ huynh, đến trường đón một học sinh tiểu học. Ban đầu, em bé cẩn thận hỏi lại người phụ nữ là ai và cho biết em không quen cô. Nhưng sau đó, người phụ nữ này đã mở cuộc gọi video (face-time), với hình ảnh hiển thị trên màn hình điện thoại thật sự là gương mặt của người thân, cùng giọng gần như giống hoàn toàn: "Cô ấy là đồng nghiệp của bố, bố bận nên cô ấy đón con về chỗ bố nhé!".

Cuối cùng em đã đi theo người phụ nữ này. Thấy thử nghiệm đã thành công, thành viên trong nhóm sản xuất mới cho cô bé biết đây chỉ là chương trình thực tế, nhưng kết quả em bị lừa là thật!

Ở đoạn cuối video, nhóm TikToker này công khai cách mà họ đã làm để lừa được cô bé-chỉ cần dùng một bộ lọc hình ảnh trên điện thoại, nạp sẵn dữ liệu là hình cá nhân của bố cô bé, sau đó AI sẽ làm phần việc còn lại - thay đổi giao diện hình ảnh người dùng thành bất cứ ai. Tuy đây là thử nghiệm ở nước ngoài, nhưng đã khiến không ít phụ huynh người Việt giật mình.

Ông Rebecca Portnoff, Giám đốc khoa học dữ liệu tại Thorn, tổ chức xã hội phi lợi nhuận về ứng dụng công nghệ trong bảo vệ trẻ em, cho biết: Hàng nghìn hình ảnh khiêu dâm trẻ em do AI tạo ra đang được đăng tải và rao bán trên web đen… mỗi ngày. Ông khuyến cáo: "Các cơ quan thực thi pháp luật khó có thể xác định nạn nhân, giống như mò kim đáy bể. Trong khi, những công cụ như AI lại đang được sử dụng hết sức dễ dàng và thuận tiện cho kẻ xấu lợi dụng!".

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ nói chung, AI nói riêng, công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng trở nên cam go hơn. Vậy nên, so với việc cố gắng đuổi theo sự thay đổi nhanh chóng của tội phạm mạng, thì trang bị tốt một màng lọc, một "hệ miễn dịch số" cho trẻ, cho phụ huynh, người chăm sóc trẻ rõ ràng là cách thức hiệu quả hơn.

Ðồng hành cùng trang bị kỹ năng

Những năm gần đây, nhiều hành động bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp. Nổi bật nhất là hai chương trình: Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Chương trình Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Dựa trên hai chương trình này, nhiều kênh, liên minh mới hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng được thành lập. Có thể kể đến, như: Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP) gồm 24 thành viên (các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp công nghệ, tổ chức phi chính phủ); hay gần đây nhất, ngày 15/8/2023, Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng gồm 11 thành viên thuộc Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) được thành lập.

Tại trường học, các buổi sinh hoạt dưới cờ, hay các tiết học giáo dục công dân đều được lồng ghép nhiều nội dung về các kỹ năng sử dụng mạng xã hội, internet an toàn. Trong gia đình, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cũng hiểu và quan tâm hơn đến cuộc sống online của trẻ. Nhiều học liệu, tài liệu cả online và offline về kỹ năng số được phát hành miễn phí cho trẻ ở các độ tuổi khác nhau.

Mới đây, ngày 28/10/2023, nhóm tác giả từ Trung tâm Sức khỏe Gia đình và Phát triển cộng đồng (CFC), cùng Nhà xuất bản Kim Đồng, công bố ra mắt cuốn Cẩm nang sử dụng internet an toàn và hiệu quả, nằm trong bộ sách 15 Bí kíp giúp tớ an toàn. Sách đề cập đến những bí kíp nho nhỏ, gợi ý cho trẻ phát huy những lợi thế của internet, sử dụng internet an toàn, đồng thời hướng dẫn trẻ đối phó với những lừa đảo, tiêu cực trên mạng xã hội và internet. Sau đó, đặt ra nhiều thử thách giúp trẻ hệ thống hóa những kiến thức đã đọc được, như cách bảo vệ thông tin cá nhân, đặt mật khẩu…

Điều đáng nói, cuốn sách không chỉ hướng đến đối tượng bạn đọc là trẻ em, ngay cả phụ huynh cũng có thể tham khảo, nâng cao kỹ năng của mình cùng với con.

Trên thực tế, kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa trên không gian mạng của người lớn cũng cần được củng cố. Ông Hoàng Anh Tú, diễn giả tham gia buổi ra mắt sách chia sẻ: "Chúng ta chỉ hơn các con tuổi đời, còn về "tuổi online" có lẽ cũng không hơn được bao nhiêu, thậm chí cũng chỉ bằng mà thôi. Chính chúng ta cũng vẫn bị lừa đảo qua mạng xã hội. Do đó, thay vì cấm đoán, giám sát mọi hoạt động của con trên mạng, chúng ta có thể thông qua những học liệu có sẵn để cùng con bổ sung thêm kiến thức mới!".

Cũng nhân dịp này, diễn giả Như Hoa giới thiệu đến phụ huynh các tài liệu và khóa học online miễn phí trên trang web của VN-COP: "Học liệu được chia thành nhiều phần cụ thể, dành cho trẻ em, phụ huynh, giáo viên để mọi người có thể chủ động tham khảo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có riêng một mục được đánh dấu nổi bật - Báo cáo xâm hại, nếu phụ huynh nhận thấy trang mạng hay đường dẫn nào có nội dung xấu, độc hại có thể báo cáo lên đó, chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý nhanh nhất có thể!"