Đừng quên lãng... Hán Nôm

NDO - Trải qua hàng nghìn năm do sự tác động của lịch sử và văn hóa Hán Nôm là một cây cầu quan trọng nối quá khứ với hiện tại và tương lai. Chúng ta sao không day dứt khi chỉ có mấy mươi năm mà nhiều con cháu của các ông đồ, ông Tú, ông Cử, cụ Trạng... nay nhìn vào hệ thống văn bản của tiền bối mà chẳng hiểu gì (!) Nhu cầu chính từ cuộc sống đang đặt ra cho nhiều ngành chức năng và những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy Hán Nôm là sớm tìm giải pháp cùng nhau khơi nguồn nâng cao vị thế chữ Hán Nôm trong xã hội đương đại.
Thư pháp.
Thư pháp.

Nhiều năm gần đây, nhất là vào dịp đầu xuân ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), một số công viên ở TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả đất nước rộ lên phong trào xin - cho thư pháp Hán.

Năm ngoái tôi vào thăm Văn Miếu, ngắm “chợ Văn” đỏ rực cả dãy phố kề Văn Miếu, tấp nập những ông đồ, bà đồ áo the, khăn đóng và nhiều tầng lớp, lứa tuổi hớn hở đi xin chữ mà trong lòng buồn vui pha trộn. Tôi chợt nhớ bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên: “Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già. Bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua. Bao nhiêu người thuê viết, tấm tắc ngợi khen tài... Nhưng mỗi năm mỗi vắng. Người thuê viết nay đâu? Giấy đỏ buồn không thắm. Mực đọng trong nghiên sầu...”.

Nỗi buồn hoài niệm trong thơ của Vũ Đình Liên được giải tỏa ít nhiều khi “chợ Văn” mỗi năm một đông vui, náo nhiệt. Mạch ngầm văn hóa từ bao đời cha ông tích lũy nay lại nảy những mầm xanh mới. Hỏi một thanh niên có vẻ từ tỉnh khác đến, anh bạn đó vui vẻ trả lời: “Năm nay em xin chữ thi đỗ, em người Quế Võ Bắc Ninh anh ạ!”. Tôi xem bức thư pháp thấy chữ Hán là “ đăng khoa”. Anh bạn đi xin chữ hạ giọng “Em có biết chữ nghĩa gì đâu, thày giảng như thế. Chữ thánh hiền nên thiêng lắm. Năm kia em xin chữ “quý tử” về treo, thế là vợ em sinh cậu con trai, cả họ ăn mừng. Nay em xin chữ trên để lấy vía, mong cu cậu lớn lên thi đỗ đại học”. Tôi hỏi: “Sao lại lấy vía?”. Anh bạn nói ngay: “Thế bác không biết à! Nơi đây là đại học của các cụ ta ngày xưa đấy. Em xin chữ để treo khi cháu còn bé như vậy sẽ “nghiệm” lắm! Anh nhìn xem học sinh đang lũ lượt sờ đầu rùa ở bia Tiến sĩ để mong kỳ thi tới thành đạt đấy...”.

Tôi chợt nghĩ: Ông cha ta xây dựng Văn Miếu đâu có phải để con cháu sau này đến sờ đầu rùa cầu thi đỗ? Vì sao một di tích có tầm văn hóa đặc biệt như vậy lại bị một số đông lớp trẻ hiểu sai ý nghĩa và biến thành một địa chỉ mang sắc thái tâm linh cầu lợi (!). Câu chuyện xin chữ, xin ấn cùng “phong trào” hướng về văn hóa cội nguồn có liên quan đến chữ Hán Nôm phát triển mạnh với nhiều đình chùa được phục dựng hoành tráng, bao câu đối chữ Hán, văn bia, biển gỗ... khiến nhiều người có chút hiểu biết về chữ Hán Nôm vừa vui lại vừa buồn...

Cha ông ta đã để lại khối tư liệu đồ sộ bằng chữ Hán, chữ Nôm kinh và chữ Nôm của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Dao... trên nhiều chất liệu và bằng nhiều hình thức như: sách in, chép trên giấy dó, khắc trên đồng...với nhiều nội dung quan trọng như: lịch sử, văn học, địa chí, giáo dục khoa cử, đạo đức, quan chế, thiết chế nhà nước, triết học, y dược, khoa học kỹ thuật, toán học, quân sự, ngoại giao, Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, tâm linh... Kế đó là hệ thống bia đá, chuông, khánh, biển gỗ ở nhiều di tích đình, chùa, đền, miếu, đạo quán, nhà thờ họ, nhà tư, hang động, sườn núi; rồi các văn bản thần phả, sắc phong, gia phả, bằng cấp, sách cúng, khoán ước, hương ước, tục lệ, hoành phi, câu đối... tại nhiều đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ, nhà tư ở trải rộng khắp nơi trên đất nước ta.

Biết bao ngành cần chữ Hán, chữ Nôm như: sử học, khảo cổ học, nghiên cứu giảng dạy văn học cổ trung đại Việt Nam, lịch sử quân sự, ngoại giao, y dược cổ truyền, lịch sử tư tưởng, triết học, tôn giáo, bảo tàng và bảo vệ di tích danh thắng...

Nguy cơ con cháu không hiểu và tiếp thu đầy đủ tinh hoa văn hóa đúc kết trong hàng ngàn năm của cha ông đang là hiện trạng đáng báo động. Ở các địa phương, người ta tổ chức hành lễ với nhiều nghi thức trang trọng mà không biết nơi ấy thờ vị thần có công tích, lai lịch thế nào? Thần phả, sắc phong, gia phả tuy được giữ như báu vật thiêng liêng nhưng ít người đọc và hiểu được. Nhiều di tích khi tu sửa và làm mới nay viết sai chữ, treo trái vế câu đối...

Năm 2008 Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tập hợp 64 bài viết của 50 tác giả là những nhà khoa học nghiên cứu, giảng dạy Hán Nôm để xuất bản thành cuốn Hán Nôm học trong nhà trường. Các bài viết này chỉ rõ nguy cơ có sự đứt đoạn giữa văn hóa quá khứ với văn hóa hiện đại; biểu hiện trong xã hội là không hiểu và sử dụng sai từ gốc Hán tại nhiều cuộc hành lễ quan trọng và tại nhiều điểm di tích lịch sử văn hóa. Có thể thấy phần lớn học sinh bậc trung học nay không mấy em biết Truyện Kiều do Nguyễn Du sáng tác bằng chữ Nôm.

Một Viện Hán Nôm với 80 cán bộ dù có cố gắng đến đâu cũng khó đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Ở phía bắc, nay mới chỉ có một địa chỉ đào tạo cử nhân Hán Nôm duy nhất đó là Tổ bộ môn Hán Nôm Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Mỗi khóa đào tạo chừng 30 sinh viên. Nghịch lý là xã hội đang cần nhiều người học Hán Nôm, nhưng ra trường gần như không mấy ai theo ngành và làm đúng chuyên môn vì thu nhập thấp (!).

Sao ta lãng quên một cây cầu nối với quá khứ: Hán Nôm? “Ôn cố, tri tân” tri thức của con người là quá trình tích lũy và kế thừa. Một danh nhân phương Đông từng nói. Nếu chúng ta không mở được cánh cửa vào quá khứ thì làm sao có thể bước tới tương lai.

* Nguy cơ con cháu không hiểu và tiếp thu đầy đủ tinh hoa văn hóa đúc kết trong hàng ngàn năm của cha ông đang là hiện trạng đáng báo động. Ở các địa phương, người ta tổ chức hành lễ với nhiều nghi thức trang trọng mà không biết nơi ấy thờ vị thần có công tích, lai lịch thế nào? Thần phả, sắc phong, gia phả tuy được giữ như báu vật thiêng liêng nhưng ít người đọc và hiểu được. Nhiều di tích khi tu sửa và làm mới nay viết sai chữ, treo trái vế câu đối...