Dịch giả Nguyễn Bình:

Đưa sử thi “Aeneis” tới gần độc giả Việt Nam

Sau khi giành giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2021 với bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Anh khi chưa đầy 20 tuổi, dịch giả trẻ Nguyễn Bình thử sức với “Aeneis”, sử thi bằng tiếng Latin cổ điển của tác giả Publius Vergilius Maro, còn có tên là “Vergil”. Nguyễn Bình chia sẻ với Thời Nay và người quan tâm về những điểm thú vị của công trình này.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm “Aeneis” đã nhiều lần lên sân khấu.
Tác phẩm “Aeneis” đã nhiều lần lên sân khấu.
Đưa sử thi “Aeneis” tới gần độc giả Việt Nam ảnh 1

Phóng viên (PV): Là một tác phẩm cổ điển và khó dịch viết bằng tiếng Latin, lý do gì khiến anh chọn “Aeneis”?

Dịch giả Nguyễn Bình: “Aeneis” là tác phẩm khiến cho tôi có sự đồng cảm với nhân vật. Sử thi này viết vào khoảng năm 29-19 TCN, sau sử thi “Iliad” và “Odyssey” khoảng 700-800 năm. “Aeneis” là câu chuyện của bên thua trong cuộc chiến thành Troy, kể về hành trình tha hương của những người dân thành Troy dưới sự dẫn dắt của người anh hùng Aeneis tới những miền đất mới và sau này họ trở thành tổ tiên, cội nguồn hình thành của đế quốc La Mã trên mảnh đất ngày nay là Italia.

Do bộ sử thi này được viết dưới sự bảo trợ của Hoàng đế La Mã đầu tiên Augustus, nên một số người không thích và cho rằng nó mang tính tuyên truyền cho đế quốc La Mã. Nhưng theo tôi, một vài yếu tố đó không làm giảm đi giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Ý nghĩa quan trọng nhất của tác phẩm là sự đối mặt giữa con người và số phận của mình, nhất là nhân vật chính Aeneis. Đây là kiểu người anh hùng vừa đấu tranh chống lại số phận bản thân, vừa cùng số phận định sẵn đấu tranh trước thế lực thù địch khác vì lợi ích cộng đồng. Do đó, nhân vật này có sự đa diện, mang tầm quan trọng lớn với văn học phương Tây. Nó còn truyền cảm hứng cho nhiều thi sĩ sau này như John Milton và Dante Alighieri. Hiện tại tôi mới dịch được hai trong số 12 quyển của bộ sử thi.

PV: Cuốn thứ hai của bộ sử thi dành tới 800 dòng chỉ để nói về ngày sụp đổ của thành Troy dưới góc nhìn của nhân vật Aeneis. Từ thảm họa đối với người bình dân cho tới cuộc thảm sát trong cung điện đều được mô tả vừa chi tiết, vừa toàn cảnh thông qua con mắt của Aeneis. Xin anh chia sẻ về việc Vergil xây dựng biện pháp nghệ thuật cho nhân vật này?

Dịch giả Nguyễn Bình: Cách để cho nhân vật ngồi kể lại câu chuyện như vậy do Vergil lấy cảm hứng từ sử thi “Odyssey”. Ngoài ra, lựa chọn của tác giả cho nhân vật chính kể như vậy khiến cho câu chuyện về ngày sụp đổ thành Troy có sức nặng hơn so việc kể bằng ngôi thứ ba khách quan. Tôi muốn hiểu nhân vật Aeneis kể chuyện giống như người đại diện cho tất cả người dân thành Troy kể về câu chuyện sụp đổ của dân tộc mình.

PV: Tại sao anh lại chọn thể thơ song thất lục bát để dịch bộ sử thi Aeneis?

Dịch giả Nguyễn Bình: Khi lựa chọn dịch sử thi không vần sang thể thơ có vần là do tôi muốn lựa chọn hướng đi mới. Tôi chọn thể song thất lục bát bởi nó có nhịp điệu chứa đựng sự uyển chuyển, vận dụng được cả thanh bằng lẫn thanh trắc. Nhịp điệu song thất lục bát hoàn toàn có thể biến đổi linh hoạt theo cách người đọc muốn.

Lý do tiếp theo, tiếng Latin ưa chuộng sự ngắn gọn súc tích, và tôi cảm giác thể thơ song thất lục bát cũng có tính chắt lọc, cô đọng ngôn ngữ cao, như trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn hay “Văn tế thập loại chúng sinh” của Nguyễn Du. Cuối cùng, song thất lục bát trong bản dịch tôi dùng không dùng điển tích, lối nói cổ như “Chinh phụ ngâm” mà có sự uyển chuyển học tập từ “Truyện Kiều”.

PV: Tiếng Latin là một tử ngữ, vậy khi dịch văn bản này anh có gặp khó khăn gì trong việc tra cứu, dịch thuật?

Dịch giả Nguyễn Bình: Trong quá trình dịch, tôi ít dùng từ điển bởi đây là một sử thi rất cổ, nên đã có rất nhiều chuyên gia đi trước bình giảng kỹ lưỡng. Hầu hết các văn bản đó đã được số hóa, và tôi có thể tra cứu tài liệu rõ ràng. Đó là thuận lợi của kỷ nguyên số hóa.

Còn khó khăn đầu tiên là tiếng Latin hoạt động theo phương thức rất khác tiếng Việt, thí dụ như về trật tự từ ngữ đảo lộn vì mục đích nghệ thuật. Ngoài ra, có một xu hướng trong sử thi này, khi được kể từ lời dẫn truyện thì ngôn từ đầy tính nghệ thuật, văn chương hoa mỹ. Nhưng lời thoại của nhân vật trong đó lại là thứ tiếng Latin gần gũi đời sống và phong phú. Bởi vậy, với kinh nghiệm học hỏi từ dịch “Truyện Kiều”, tôi sẽ cố gắng để truyền tải sự đa dạng ngôn ngữ đó.

PV: Các dịch giả truyền thống có đặc thù công việc khá “cô đơn”, ít tiếp xúc với độc giả bên ngoài. Nhưng anh có một trang fanpage để chia sẻ và cập nhật những bản dịch này. Không biết không khí trao đổi giữa độc giả và dịch giả như vậy có giúp ích cho công việc dịch thuật không?

Dịch giả Nguyễn Bình: Tôi hiểu công việc của dịch giả trước đây rất “cô đơn” và tôi chấp nhận việc dịch sử thi này tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, tôi có suy nghĩ khác về dịch thuật, trước hết đến từ việc tôi có cảm hứng lớn khi nhìn cách người Italia thích sử thi này. Thí dụ như lời thơ của “Aeneis” còn được khắc lên tường nhà ở các thành phố như Pompeii, hay có những cửa hàng lấy tên là câu đầu của sử thi này... Nhưng ở Việt Nam, hiện tại ít người biết đến sử thi “Aeneis”, do đó tôi phải tìm nhiều kênh để có thêm nhiều người biết đến tác phẩm này hơn, trong đó fanpage là một thí dụ.

Tiếp theo, tiếng Việt sử dụng trong thể thơ song thất lục bát của bản dịch một số chỗ có nguồn gốc hiện đại. Nguyên nhân bởi thế giới văn học La Mã và người đọc Việt Nam có nhiều sự xa cách về địa lý, thời gian… Bởi vậy, việc tôi dùng ngôn ngữ hơi hướng hiện đại giúp tạo nên sự tương giao giữa người dịch với người đọc, đồng thời giữa người đọc gần gũi với tác phẩm. Đây là điều kiện cần thiết để bản dịch “sống” được giữa thời hiện đại.

PV: Xin cảm ơn anh! Mong bản dịch sớm ra mắt độc giả Việt Nam!