Đưa bảo vật quốc gia gần hơn với đời sống

Không còn im lìm, bất động trong những không gian trưng bày bảo tàng tĩnh lặng, vài năm gần đây, những bảo vật quốc gia đã được thể hiện lại bằng những hình thức hiện đại, sống động và hấp dẫn hơn. Từ đó, những vỉa tầng lịch sử, văn hóa, nghệ thuật vô giá mà kho báu này tích tụ được bắc những nhịp cầu nối đầy sáng tạo để đến với đông đảo công chúng và giúp họ thêm hiểu, thêm yêu những di sản được bao đời gìn giữ, trao truyền.
0:00 / 0:00
0:00
Tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng được tôn vinh trong cuốn sách “Chín bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” vừa ra mắt mới đây.
Tác phẩm “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng được tôn vinh trong cuốn sách “Chín bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” vừa ra mắt mới đây.

Khoác áo mới cho những bảo vật xưa cũ

Đầu năm 2023 này, trọn bộ sưu tập “Bảo vật quốc gia” đã hiện diện trên một bộ lịch bloc với gam màu xuyên suốt vàng-đỏ đun đậm màu vương giả, hoài cổ. Ngay lập tức, bộ lịch đã trở thành vật phẩm văn hóa hàm chứa giá trị đặc biệt, một món quà quý dành tặng người thân dịp Tết đến Xuân về. Trên 365 tờ lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã gói ghém nguồn tư liệu dày dặn về những sự kiện, nhân vật lịch sử, triều đại phong kiến cùng những dấu mốc phát triển của nền kinh tế, của đời sống văn hóa tinh thần-tín ngưỡng tôn giáo, thậm chí là cả những sinh hoạt đời thường của cư dân Việt.

Có thể nói, đó là 365 mảnh ghép giúp tạo nên một bức tranh toàn cảnh về bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của cả dân tộc. Mỗi trang lịch có thể xem như một bức tranh, với những hoa văn, họa tiết được các họa sĩ công phu vẽ lại bằng tay, trên nền ý tưởng của chính bảo vật được giới thiệu. Ý tưởng này không phải lần đầu xuất hiện, bởi Bảo tàng Lịch sử quốc gia từng đưa một số bảo vật, Trung tâm Lưu giữ quốc gia I từng đưa bút tích ngự phê trên châu bản của các vị vua triều Nguyễn lên lịch treo tường nhưng ở quy mô đầy đủ thế này thì mới là lần đầu.

Dưới góc nhìn của nhà sử học Dương Trung Quốc - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đây là cuốn bách khoa tổng hợp về các bảo vật quốc gia và người sở hữu có thể giữ lại từng tờ lịch để đưa vào bộ sưu tập theo chủ đề, nhờ vậy chúng không còn là “xác của thời gian” mà sẽ tiếp tục một đời sống khác.

Ngay sau Tết âm lịch, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt ấn phẩm song ngữ Việt-Anh mang tựa đề “Chín bảo vật quốc gia ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”. Qua 115 trang sách, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nghệ thuật của những tác phẩm hội họa nổi tiếng như Em Thúy (Trần Văn Cẩn), Hai thiếu nữ và em bé (Tô Ngọc Vân), Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ (Nguyễn Sáng) hay những viên ngọc của mỹ thuật dân gian như bộ cánh cửa chạm rồng ở chùa Keo, tượng Phật Bà Quan Âm chùa Hội Hạ... đã đến với công chúng yêu cái đẹp cả trong và ngoài nước, theo một cách thức đầy đủ và hấp dẫn nhất. Hiện ấn phẩm này được bày bán tại bảo tàng và trở thành sản phẩm được du khách trong và ngoài nước quan tâm.

Đưa bảo vật quốc gia gần hơn với đời sống ảnh 1

Tôn vinh những bảo vật quốc gia tiêu biểu thuộc nhóm đồ đồng là nội dung của bộ tem phát hành năm 2021.

Trước đó, hai bộ tem Bảo vật quốc gia được Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành. Những Ấn Sắc mệnh chi bảo, Ấn vàng “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo”, Hộp vàng “Ngọa Vân - Yên Tử”, Hộp đựng xá lỵ Tháp Nhạn trong bộ tem “đồ vàng” và Bộ khóa đai lưng bằng đồng, Thạp đồng Hợp Minh, Kiếm ngắn Núi Nưa, Cây đèn đồng hình người quỳ trong bộ tem “đồ đồng” - những viên ngọc quý của kho tàng dân tộc đã trở thành đối tượng được cộng đồng chơi tem tìm kiếm, sưu tập.

Để bảo vật phát huy giá trị trong đời sống thường nhật

Bảo vật quốc gia là những hiện vật đại diện cho các thời đại lịch sử, phần nào phản ánh diện mạo về đời sống, văn hóa trong từng thời kỳ của dân tộc Việt Nam, được Nhà nước Việt Nam bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc công nhận danh hiệu Bảo vật quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Hội đồng Văn hóa Di sản quốc gia.

Tính tới thời điểm hiện tại, sau 12 đợt công bố được tổ chức thường niên từ cuối năm 2012, Việt Nam đã có tổng cộng 264 bảo vật quốc gia. Giá trị rất lớn của bảo vật, mức độ quý giá ở tầm mức quốc gia mà chúng sở hữu là không phải bàn cãi. Nhưng ngắm nhìn trực tiếp cả kho tàng ấy là điều không tưởng với bất cứ ai, bởi chúng được lưu giữ rải rác tại nhiều bảo tàng, cơ sở thờ tự, bộ sưu tập cá nhân cùng nhiều trung tâm bảo tồn, lưu trữ trên cả nước. Và dù được tiếp cận bằng mắt những hiện vật nằm im lìm trong tủ kính ấy, một mảnh giấy in vài thông tin sơ lược hay đôi ba câu thuyết minh ngắn ngủi của nhân viên bảo tàng không đủ thỏa mãn yêu cầu của người yêu vốn cổ.

Chính vì thế, tìm tòi và sáng tạo những hình thức mới để bảo vật quốc gia đến gần nhất với đông đảo công chúng là yêu cầu cấp thiết. In lịch, làm sách, phát hành tem, trưng bày 3D trong hành trình khám phá ảo, ứng dụng hoa văn, chi tiết vào sản phẩm công nghiệp; tạo các bản sao làm đồ lưu niệm hoặc phục vụ hoạt động ngoại giao văn hóa; khai thác những công cụ đa phương tiện hiện đại nhất trong hoạt động tham quan, trải nghiệm tại bảo tàng... là những phương thức hữu hiệu được các đơn vị lưu giữ bảo vật ưu tiên trên lộ trình triển khai chuyển đổi số.

Có thể kể tới một vài thí dụ, như gia tài 20 bảo vật mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đang nắm giữ đã hiện diện trong một trưng bày chuyên đề số đầy ấn tượng. Trống đồng Ngọc Lũ, thay vì hình ảnh đen xám hai chiều đơn điệu quen thuộc có thể hiện lên sắc nét, quay tròn, dịch chuyển lên xuống. Nhấp chuột vào những chi tiết quan trọng trên mặt trống được đánh số, người xem có thể ngắm nhìn tỉ mỉ từng chi tiết nhỏ nhất kèm thông tin kỹ lưỡng.

Đưa bảo vật quốc gia gần hơn với đời sống ảnh 2

Bảo vật tượng Phật Bà Quan Âm (chùa Hội Hạ) đã có phiên bản nhỏ hơn
dành cho nhiều đối tượng khách hàng.

Kho dữ liệu khổng lồ về hiện vật, từ hình ảnh, video clip đến nghiên cứu, tài liệu, sách được tổng hợp và cung cấp vô cùng chi tiết, đầy đủ. Tương tác hiện vật 3D cùng phần trò chơi 10 câu hỏi sau quá trình tìm hiểu trống đồng giúp hệ thống kiến thức cho người xem, theo cách thức thú vị nhất. Đây cũng là cách thức truyền thông hữu hiệu, khi khoe được vị thế sở hữu nhiều bảo vật nhất của đơn vị này. Từ đây, du khách sẽ có thêm động lực để tìm đến thưởng lãm trực tiếp, vẹn cả đôi đường.

Một phiên bản cao 70cm của pho tượng Phật Bà Quan Âm chùa Hội Hạ (cao 3 mét) đã từng được KTS Đinh Việt Phương thực hiện bằng kỹ thuật in 3D rồi chấm sửa thủ công. Tâm huyết và gắn bó nhiều năm với số hóa 3D các di sản, ông luôn trăn trở tìm tòi một kết quả trực quan nhất mà chuyển đổi số 3D có thể đem lại cho hôm nay.

Sau khi scan đa chiều, KTS in 3D theo kích thước định sẵn rồi phủ bề mặt bằng phương pháp sơn thếp truyền thống rồi làm cũ theo cách thức thủ công để có màu thời gian. Trước Đinh Việt Phương, những phiên bản nhỏ của tượng Phật A Di Đà thời Lý (chùa Phật Tích) với nhiều chất liệu đã được sử dụng làm quà tặng trong nhiều sự kiện ngoại giao. Theo ông Phương, việc sản xuất và khai thác theo nhiều hướng hàng loạt các phiên bản đa kích cỡ của bảo vật quốc gia là rất khả thi. Từ đưa ra những bản tinh xảo, số lượng hạn chế để trang trí, sưu tầm với giá cao đến bản phổ thông - dành cho đối tượng khách du lịch.

Sự hiện hữu sống động qua những hình hài mới mẻ, hấp dẫn sẽ giúp người dân thêm hiểu, thêm yêu những di sản ông cha để lại. Từ đó, bảo vật có thể sống động bước vào đời thực, biểu đạt và phát huy giá trị của riêng mình. Đó cũng là điều mà những cá nhân, tổ chức dành trọn tâm sức trên hành trình “thổi hồn” cho bảo vật quốc gia luôn mong mỏi.