Đổi mới để đồng hành

Nhiều năm qua, những ngày kỷ niệm lịch sử thường gắn liền với kỳ nghỉ lễ, Tết. Hòa cùng không khí tưởng niệm, tôn vinh chiến công, tri ân lớp người đi trước, là hàng loạt hoạt động du lịch, các tour, tuyến, chương trình tham quan, nghỉ dưỡng.
0:00 / 0:00
0:00
Một nhóm bạn trẻ đến từ Hà Nội đã chọn Dinh Độc Lập làm điểm tham quan dịp nghỉ lễ 30/4.
Một nhóm bạn trẻ đến từ Hà Nội đã chọn Dinh Độc Lập làm điểm tham quan dịp nghỉ lễ 30/4.

Trong vô vàn các hình thức du lịch nở rộ gần đây, rất ý nghĩa và đáng suy ngẫm về hình thức du lịch lịch sử, tham quan các di tích, địa danh cách mạng ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng, và đi cùng với đó, là sự gia tăng sức hấp dẫn ở nhiều điểm đến thuộc loại hình này.

Mấy năm qua, du khách lên thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn trầm trồ trước bức tranh tường hoành tráng tái hiện diễn biến chiến dịch "56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt". Choáng ngợp, tự hào trước chiến công được kể bằng nghệ thuật tạo hình, du khách còn trầm trồ, khâm phục sức lao động của cả tập thể đông đảo các họa sĩ, người thể hiện. Tác phẩm tranh tường đó đã trở nên một sản phẩm du lịch lịch sử - văn hóa trong không gian lịch sử Điện Biên Phủ.

Trước đó, nhiều người lên với bảo tàng này cũng đã hứng thú với sự thay đổi trong kiến trúc bảo tàng, cách bài trí, trưng bày hiện vật và nội dung truyền tải sinh động, mới mẻ, nhiều câu chuyện cảm động. Cũng trong xu thế "mới hóa" này, phải nhắc đến "hiện tượng Hỏa Lò" thời gian qua. Nhiều người đã quen với hình ảnh du khách nước ngoài, công chúng trẻ xếp hàng dài vào di tích lịch sử nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) để xem các chuyên đề, tìm hiểu đời sống sinh hoạt và đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng, được thể hiện qua cách phối hợp ăn ý của kỹ thuật ánh sáng, âm thanh, các hiện vật rất ấn tượng, cùng với khu tưởng niệm được tạo dựng bằng nghệ thuật điêu khắc đặc sắc. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hay di tích Dinh Độc Lập tại TP Hồ Chí Minh lâu nay cũng là điểm đến của đông đảo công chúng, đặc biệt trong các dịp kỷ niệm. Ngoài ý nghĩa đặc biệt của không gian lịch sử và giá trị của các hiện vật nơi đây, không thể không đề cao những nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong trưng bày, thuyết minh, tổ chức truyền thông.

Đó là một số điểm nhấn nổi bật, tuy nhiên phải nói rằng chưa nhiều, chưa phổ biến trong hàng trăm không gian lịch sử, hàng nghìn di tích, điểm đến gắn với lịch sử chiến tranh cách mạng, với những chiến công hiển hách và sự hy sinh vĩ đại của cha ông. Trong nhiều thập niên qua, ngành văn hóa, các lực lượng quân đội, công an… đã rất nỗ lực giữ gìn, tuyên truyền về truyền thống hào hùng của đất nước qua hệ thống di tích, bảo tàng…

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới của hội nhập, của xu thế phát triển du lịch, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn nhiều du khách nước ngoài, mỗi vùng, miền cũng đón rất đông du khách nội địa, đồng bào trong cả nước. Đó là câu hỏi, cũng là gợi mở trong việc đổi mới, sáng tạo cách truyền tải các nội dung lịch sử. Bằng nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, sắp đặt, ca, múa, nhạc; bằng sự phối hợp đã và đang chứng minh hiệu quả của công nghệ số, kỹ thuật ánh sáng, âm thanh hiện đại; bằng tư duy mới trong việc xây dựng các chương trình tham quan tăng tính tương tác, trải nghiệm cho du khách…, mong rằng, các điểm đến lịch sử sẽ được "mới hóa, lạ hóa", ngày càng cuốn hút du khách và công chúng.

Và như vậy, các giá trị lịch sử cao đẹp của đất nước, dân tộc sẽ tiếp tục được phát huy. Ý nghĩa giáo dục, văn hóa, và cả giá trị kinh tế cũng sẽ được đề cao, thúc đẩy, đồng hành cùng cuộc sống đương đại.