Doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực vượt khó

Nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn đang gặp khó khăn khi tình trạng thiếu đơn hàng vẫn tiếp diễn. Doanh nghiệp Việt phải xoay đủ đường vượt khó.
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu hàng dệt may có dấu hiệu giảm. Ảnh: SONG ANH
Xuất khẩu hàng dệt may có dấu hiệu giảm. Ảnh: SONG ANH

Nhiều nhóm hàng xuất khẩu giảm mạnh

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2023 đạt 49,46 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Song, tính chung hai tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 96,06 tỷ USD, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16%. Cán cân thương mại hàng hóa hai tháng đầu năm 2023 xuất siêu 2,82 tỷ USD.

Số liệu chi tiết tính đến nửa đầu tháng 2 cho thấy, xuất khẩu một số nhóm hàng chủ lực của Việt Nam có dấu hiệu giảm mạnh như hàng dệt may giảm 845 triệu USD, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 664 triệu USD (giảm 35,6%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 574 triệu USD (giảm 10%); sắt thép các loại giảm 352 triệu USD (giảm 34,8%), thuỷ sản giảm 30%...

Bối cảnh lạm phát tăng cao trên toàn cầu khiến nhu cầu tiêu thụ sụt giảm là nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam giảm mạnh. Đây là thách thức không nhỏ đặt ra cho mục tiêu xuất khẩu năm nay. Bên cạnh đó, còn có những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao. Theo đó, giá thành sản xuất hàng hóa ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.

Trong bối cảnh, kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới và của Việt Nam, như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Trung Quốc dù mới chấm dứt chính sách Zero-Covid, nhưng vẫn còn nhiều yếu tố phức tạp và tình hình dịch Covid-19 cũng diễn biến khó lường.

Doanh nghiệp thiếu đơn hàng vẫn tiếp diễn

Ông Phí Ngọc Trịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn may Hồ Gươm cho biết, nếu như năm 2021 và nửa đầu năm 2022, công ty được phép chọn lựa đơn hàng cho phù hợp với dây chuyền, tiêu chuẩn của công ty thì từ nửa cuối năm 2022 đến nay, có đơn hàng nào, công ty nhận đơn hàng đó. Thậm chí nhiều đơn hàng bị đối tác “ép giá” hạ giá trị xuống một nửa công ty vẫn phải ký để duy trì sản xuất.

Công ty đã ký đơn hàng đến tháng 4 năm nay, song theo tính toán không có lãi, nhưng đổi lại là ổn định được sản xuất và giữ chân người lao động. “Thông thường bước vào quý II sẽ là cao điểm đơn hàng. Ngành dệt may có đặc thù riêng, dù lao động giản đơn nhưng để tuyển nguồn nhân lực có nghề không dễ. Vì vậy, chúng tôi chấp nhận bù giá để giữ vững sản xuất. Hy vọng thời gian tới tình hình khởi sắc, công ty sẽ có những đơn hàng lớn bù cho những tháng bị ép giá”, ông Trịnh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu gia vị sang EU cho biết, mấy năm qua, đơn hàng rất chậm. Hàng tồn nhiều nên đơn vị bị đối tác ép giá. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn phải giữ mối làm ăn và chấp nhận mọi điều kiện do bối cảnh thị trường chưa khá lên, việc tìm kiếm đối tác mới chưa khả quan. Ông Tuấn cũng hy vọng việc mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc sẽ là cơ hội chuyển đổi thị trường trong thời gian tới.

Ngành gỗ là đơn vị được nhận định thuộc nhóm xuất khẩu khó khăn nhất trong thời gian tới. Ông Thái Doãn Trực, chủ một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sản phẩm gỗ cho hay, hiện nhiều đơn vị chỉ duy trì được 40-50% đơn hàng. Theo ông, hiện nay đơn hàng từ EU vẫn chậm. Vì thế, để giữ chân người lao động, công ty đang phải giảm giờ làm, thậm chí nghỉ luân phiên. Người lao động chỉ được nhận lương cơ bản.

Còn ông Luyện Văn Hoạt, Giám đốc Công ty thủy sản Sunshine (Khánh Hòa) cho biết, đơn hàng đã phục hồi so với thời điểm tháng 10 năm ngoái, tuy nhiên, vẫn giảm hơn 30% so với thời điểm bình thường. Hiện nay, hơn 50 lao động của công ty chỉ làm việc nửa ngày. Theo ông Hoạt, ngành tôm thế giới đang trong tình trạng cung vượt cầu rất xa, tôm Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng bởi tôm giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ… Nhanh nhất phải đến cuối năm 2023 thị trường xuất khẩu tôm mới hy vọng phục hồi nhưng tốc độ cũng rất chậm. Năm 2023, công ty phải hạ chỉ tiêu tăng trưởng để duy trì hoạt động.

Công ty Baseafood - một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở khu vực phía nam cũng trong hoàn cảnh tương tự. Năm 2022, công ty này xuất khẩu được 9.000 tấn thành phẩm thủy sản các loại, đạt giá trị khoảng 62 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2023, công ty chỉ đặt kế hoạch khiêm tốn, tăng trưởng 5% so với năm 2022. Lý do khiến Baseafood “hạ mục tiêu” xuất khẩu là vì khan hiếm nguyên liệu chế biến.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Baseafood cho biết, năm ngoái, công ty nhập khẩu khoảng 9 triệu USD nguyên liệu từ các nước Malaysia, Thailand, Indonesia, nhưng năm nay, nguyên liệu ở những thị trường này gặp khó trước những biến động của thị trường thế giới. Để giải “bài toán” thiếu nguyên liệu, ông Dũng cho biết, đã lên kế hoạch mở rộng thị trường nhập khẩu, từ các nước Ấn Độ, Chile, Tây Ban Nha, Na Uy, thậm chí đi xa hơn qua Australia, NewZealand… Với ông, nếu không kịp xoay xở, thích ứng với những biến động thế giới thì doanh nghiệp sẽ muôn vàn khó khăn, công việc của hàng trăm lao động bị ảnh hưởng.

“Ngoài việc mở rộng thị trường nhập khẩu, bù đắp sự thiếu hụt nguyên liệu, chúng tôi cũng đang tính phương án gia công trở lại. Nghĩa là nhập khẩu nguyên liệu rồi gia công tái xuất đi các nước có nhu cầu. Song song đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh các sản phẩm tinh chế, chế biến sâu, mở rộng nguồn sản phẩm cao cấp phục vụ người già, người bệnh, trẻ nhỏ để tăng lợi nhuận xuất khẩu. Muốn làm được vậy, chúng tôi phải phát triển công nghệ, chuyển giao, đầu tư công nghệ hiện đại, tiên tiến từ nước ngoài về và nâng cao tay nghề của người lao động để có thể chế biến được những sản phẩm cao cấp”, ông Dũng nói.