Sau những lần đi đi về về với Mù Cang Chải, tôi hiểu để có được những câu chuyện đẹp như thế là nhờ vào những nỗ lực của Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên, kể từ khi lên nhận nhiệm vụ Bí thư ở huyện vùng cao xa xôi nhất tỉnh Yên Bái này.
Phát triển phải bắt đầu từ gìn giữ bản sắc văn hóa
Ngay từ khi lên nhận nhiệm vụ ở Mù Cang Chải, Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên đã đi thực tế tại các trường học và đề nghị thầy cô dành các tiết học ngoại khóa để dạy cho các em học sinh biết múa, hát các giai điệu dân ca dân tộc mình. Mù Cang Chải có đến 91% người H’Mông. Gia tài văn hóa của người H’Mông với các điệu múa khèn, múa gậy, múa khăn… các em phải được trao truyền gìn giữ từ bây giờ. Bài học về sự mai một các giá trị văn hóa bản địa đã xuất hiện ở nhiều địa phương vùng cao khi du lịch phát triển chóng mặt và bị bê-tông hóa. Một ngày nào đó, Mù Cang Chải trở thành một địa chỉ du lịch mới. Thời tiết, khí hậu, cảnh quan, văn hóa của miền đất này rất tuyệt vời, lâu nay Mù Cang Chải khó phát triển bởi giao thông không thuận lợi. Với dự án kết nối đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai sẽ có một tuyến kết nối từ IC-15 vào đây, Mù Cang Chải có quá nhiều hy vọng vào tương lai. Và chính những em bé được dạy giữ gìn văn hóa của dân tộc mình hôm nay sẽ làm đẹp làm giàu cho quê mình!
Bắt đầu từ việc gìn giữ những giá trị văn hóa luôn là một chân lý cho bất cứ sự phát triển nào. Nhưng muốn gìn giữ được các giá trị văn hóa thì trước hết phải chăm lo cho sự học. Và với vùng cao, chăm lo sự học khó gấp bội miền xuôi. Hôm ở Trường Chế Cu Nha, chứng kiến bữa ăn của gần 1.000 học sinh cùng lúc, mà mỗi ngày ba bữa như thế, sáng, trưa, chiều. Chế Cu Nha chỉ là một xã, còn cả Mù Cang Chải, cả Tây Bắc, cả hệ thống trường lớp miền núi… chỉ hình dung thôi đã thấy gian nan. Đưa được một học sinh đến trường đã khó, làm sao động viên, tạo nguồn cảm hứng cho các em thích đến trường, chăm học hành còn khó hơn. Nhưng ở Mù Cang Chải, Bí thư Nông Việt Yên luôn có những cách động viên vô cùng hiệu quả.
Tháng 9/2020, lần đầu du khách có thể nhìn được toàn cảnh thung lũng ruộng bậc thang đẹp mê hồn ở La Pán Tẩn, Chế Cu Nha từ máy bay lên thẳng thay vì chỉ có thể ngắm qua màn hình của flycam. Nhưng nếu chỉ lên máy bay lên thẳng và ngắm mùa vàng thì nó chỉ dừng ở mức một hoạt động du lịch. Kết hợp với hoạt động du lịch đó để tạo thêm những động lực mới cho quê hương là tâm nguyện của Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên.
Dịp đó, cùng với những hình ảnh tuyệt đẹp về mùa vàng trên ruộng bậc thang nhìn từ không trung, mọi người truyền đi một hình ảnh còn đẹp hơn: Cô bé người H’Mông, em Lý Thị Ninh đoạt giải nhất kỳ thi Học sinh giỏi của huyện đã được Bí thư Huyện ủy tặng ngay phần thưởng là một chuyến bay ngắm mùa vàng trên ruộng bậc thang.
Em Lý Thị Ninh với phần thưởng được đi máy bay ngắm quê hương. |
Bao nhiêu năm gắn bó với vùng cao Tây Bắc, chúng tôi biết rằng giáo dục mới là chìa khóa mở tung cái ổ khóa dân trí cho bà con. Được học hành, có được con chữ hầu hết có thể thay đổi được nhận thức, tiếp cận được với tri thức để cải thiện cuộc sống theo hướng tốt hơn. Muốn kích thích niềm đam mê học hành ấy cho các em bé vùng cao không thể chỉ làm công tác khuyến học theo cách lâu nay vẫn làm. Khi hàng nghìn em bé ở Mù Cang Chải nhìn cô bạn Lý Thị Ninh leo lên máy bay lên thẳng để bay ngắm quê hương tươi đẹp, chắc hẳn ít nhiều trong các em nhen thêm một động lực mới: học giỏi để được như bạn Ninh. Đó chỉ là một chi tiết nhỏ trong việc làm "dân vận" của Bí thư Nông Việt Yên, nhưng hành động đó đã tạo được những hiệu ứng tích cực đặc biệt đối với con em đồng bào vùng cao này.
Sức thuyết phục từ những việc làm cụ thể
Vốn là học viên của Trường Thiếu sinh quân, trưởng thành trong quân đội rồi thành sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nông Việt Yên đã kết hợp được cả tính kỷ luật tiếp nhận từ môi trường quân đội và sự năng động của môi trường sinh viên vào trong công việc. Khi nhận nhiệm vụ là Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải, công việc đầu tiên mà anh Bí thư trẻ tạo dấu ấn với bà con là hoạt động "Ngày cuối tuần về cùng dân".
Thanh niên ở các bản làng thừa nhiệt tình, giàu nhiệt huyết nhưng chưa giúp các bạn trẻ phát huy hết những điều này bởi thiếu sự tập hợp một cách thuyết phục. Và như thế, những tháng đầu tiên ở cương vị mới, cứ cuối tuần, ông Bí thư Huyện ủy nguyên là cán bộ Đoàn này đã cùng với đoàn thanh niên các địa phương làm các công trình nho nhỏ, tuy nhỏ nhưng hiệu quả, tuy nhỏ nhưng được dân bản hoan nghênh và chú ý. Những bản làng trên rẻo cao Mù Cang Chải nằm chênh vênh sườn núi. Con đường lên bản mùa khô không sao, ngày mưa xuống sẽ khó mà an toàn khi đi xe máy. Và để giải quyết việc đó, không thể trông chờ vào những dự án quy củ mở đường với chi phí rất lớn. Bí thư huyện về bản, bảo: Giờ huyện sẽ cấp xi-măng, thiếu chúng tôi sẽ đi xin tài trợ thêm, các bạn đoàn viên xuống suối gùi cát, ta làm con đường bê-tông chỉ rộng một mét đủ cho xe máy đi thôi, có làm được không? Chờ nhà nước đầu tư không biết khi nào mới có. Mỗi đường bê-tông theo dự án thiết kế phải 2,4 tỷ đồng/km. Một mét khối cát chở vào tới những nơi xa như xã Chế Tạo phải chi phí 2 triệu đồng/m3. Mà đường rộng 3m thì nền phải 5m. Biết khi nào Mù Cang Chải mới đủ tiền làm cho hết 600km đường như thế. Nên tôi kêu gọi anh em đoàn viên thanh niên chủ động. Với bà con nơi đây không thể nói chung chung. Phải cụ thể từng việc cho bà con thấy! Vậy là những con đường như sợi chỉ đã thành hình, chỉ rộng vừa lối xe đi nhưng dù mưa hay nắng xe Win vẫn leo phăm phăm bởi không lo bùn lầy trơn trượt.
Biết thế mạnh của Mù Cang Chải là ruộng bậc thang, trong khi tiềm năng đất đai còn lớn, vậy là kế hoạch mở rộng thêm diện tích ruộng bậc thang được đặt ra cho các bạn trẻ ở các xã đoàn, thôn bản. Bí thư Nông Việt Yên nói với chúng tôi: Thật ra ở miền xuôi, mở thêm ruộng chỉ là để tăng thêm sản lượng. Còn ở Mù Cang Chải chúng tôi, mở thêm ruộng không chỉ tăng thêm lúa gạo cho bà con mà còn để phát triển du lịch và bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch thì dễ hiểu rồi, bởi thêm một vùng ruộng mới là du khách thêm một điểm ngắm mới. Còn bảo vệ môi trường chắc các anh chưa biết: Ở trên này ở đâu có ruộng bậc thang thì ở đó ít xảy ra sạt lở! Nên nói làm ruộng bậc thang còn bảo vệ môi trường là vì thế.
Mấy hôm ở Mù Cang Chải, chúng tôi đã đi tìm hiểu nhiều mô hình du lịch của các bạn trẻ người H’Mông ở đây và thật thú vị khi mô hình homestay của các bạn đều chung một điểm: Cái "view" của homestay luôn hướng ra những vùng ruộng bậc thang lộng lẫy nhất! Có nhiều ruộng đẹp sẽ thêm nhiều homestay mọc lên! Trở lại với câu chuyện "cần cho bà con thấy hiệu quả từng việc, chi li cụ thể" theo cách nói của Bí thư Yên, anh bảo: Giờ làm homestay, coi như hướng đi mới, phát triển du lịch cũng nhờ vào lực lượng trẻ thôi. Muốn làm homestay phải biết giao tiếp ngoại ngữ, biết sử dụng các tiện ích đặt phòng trên mạng, biết chuyển khoản iBanking, biết sáng tạo cách giữ chân du khách… Những đột phá ấy, nếu không phải là đoàn viên thanh niên thì không ai làm được cả. May mắn là chúng tôi biết cách để tập hợp và vận động các bạn trẻ ấy.
Và cái được lớn nhất không chỉ là thu nhập, là đời sống kinh tế gia đình các bạn ấy được nâng cao. Cái được lớn nhất là nó tác động vào tâm lý cộng đồng. Lực cản lớn nhất ở những vùng núi Tây Bắc không phải núi cao lũng sâu địa hình hiểm trở đâu, những cái đó rồi sẽ xử lý được, lực cản lớn nhất là tâm lý ỷ lại của bà con. Giải quyết được chuyện này là giải quyết được đột phá khẩu. Từ mô hình của các bạn trẻ, giờ nhiều thanh niên trong huyện đang tạo ra nhiều mô hình kinh tế chủ động và bước đầu hiệu quả. Vấn đề là lãnh đạo huyện phải thật sự sâu sát và tháo gỡ ngay những vướng mắc. Chỉ thí dụ một chuyện nhỏ như thế này: Nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn các trường nội trú trong toàn huyện lâu nay các trường phải nhập từ thành phố lên, trong khi chỉ riêng việc trồng rau thì chất lượng rau xanh ở Mù Cang Chải khó có nơi nào hơn được. Mô hình trồng rau xanh của các bạn trẻ để cung cấp cho các trường học có cơ sở để phát huy. Nhưng muốn sử dụng nguồn rau xanh như thế cũng phải để bên cung cấp và bên tiêu thụ ngồi lại với nhau bàn bạc.
Làm như thế cũng để giữ chân lực lượng thanh niên phát triển kinh tế tại chỗ. Nhiều nơi thanh niên đã đổ hết về thành phố hay các nhà máy để tìm việc. Không có mô hình làm ăn tại chỗ làm sao giữ được lực lượng trẻ này ở lại xây dựng quê hương?
Cứ mỗi lần trở lại Mù Cang Chải lại thấy bức tranh vùng cao nơi đây thêm nhiều nét tươi mới. Và mặc dù Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên luôn nói rằng sự phát triển đấy là công lao của cả Đảng bộ và nhân dân Mù Cang Chải, anh từ chối nói về những gì mình đã làm được, nhưng là một người làm báo gắn bó với Tây Bắc nhiều năm qua, tôi biết vai trò của người đứng đầu cực kỳ quan trọng, và ở miền núi, điều đó lại quan trọng gấp bội.