Chỉ dấu đáng ngại
Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cuối năm 2022, năng suất lao động chung đã tăng 2,5 lần trong một thập niên qua, từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021. Tính ra, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trong giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5% và giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4% (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,0%).
Tuy vậy, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so các nước trong khu vực và khoảng cách này có xu hướng "doãng" ra. Theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù năng suất lao động thấp nhưng tốc độ tăng tương đối cao. Trong khi đó, năng suất lao động của khu vực công nghiệp-xây dựng thấp và không ổn định, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng. Năng suất lao động của khu vực dịch vụ có xu hướng tăng nhưng thiếu ổn định và vẫn dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống.
Theo vùng kinh tế trọng điểm, năng suất lao động tăng ở một số thành phố lớn và chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và phía nam; nhưng tốc độ tăng năng suất lao động có xu hướng giảm dần, các địa phương "dẫn dắt" trong vùng chưa phát huy hết vai trò lan tỏa, chưa đóng vai trò thúc đẩy và lôi kéo tăng trưởng của vùng. Năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp đạt 309,9 triệu đồng/lao động năm 2020; tăng 93,1% so năm 2011; mức chênh lệch năng suất lao động giữa các loại hình doanh nghiệp ngày càng tăng... Bên cạnh đó, Việt Nam đang phải đối mặt tình trạng già hóa lao động.
Có cùng nhận định, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đưa ra báo cáo nghiên cứu tổng thể về thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022. Theo đó, JICA cho rằng năng suất lao động công nghiệp của Việt Nam đang đối mặt xu hướng giảm và đình trệ trong thập niên qua. Năng suất lao động trong lĩnh vực này, dù đã được cải thiện, vẫn rất thấp so các nước trong khu vực, chỉ bằng khoảng 8,7% của Singapore, 10,3% của Brunei, 23,2% của Malaysia… và chỉ cao hơn Timor Leste, Campuchia và Myanmar.
Đáng lưu ý, theo ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, khu vực kinh tế tư nhân vốn có năng suất lao động cao hơn so khu vực kinh tế nhà nước (năm 2010, khu vực kinh tế nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP); nhưng xu hướng này đã bị đảo ngược trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua: khu vực kinh tế nhà nước vẫn duy trì mức 10 đồng vốn để tạo ra 1 đồng GDP; song khu vực tư nhân lại cần đến 23 đồng. Đây thật sự là chỉ dấu đáng quan ngại, trong bối cảnh tỷ trọng đầu tư tư nhân trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội ngày một tăng, chiếm xấp xỉ 60% vào năm 2021.
Ðâu là động lực mới?
TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, quy mô của các doanh nghiệp ở Việt Nam - phần lớn là doanh nghiệp hộ gia đình có quy mô siêu nhỏ và nhỏ - là một rào cản đáng kể để cải tiến công nghệ, thiết bị, hoặc tổ chức sản xuất bài bản.
Nhưng, bên cạnh đó, như JICA thẳng thắn chỉ rõ, trình độ học vấn, tay nghề của người lao động Việt Nam cũng khá thấp; khả năng hội nhập chưa cao. Việt Nam xếp thứ 67/141 quốc gia về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu trong thời kỳ 4.0 (GCI 4.0), nhưng chỉ xếp thứ 93 về kỹ năng, thứ hạng thấp nhất trong 13 chỉ số thành phần. Theo số liệu từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, lao động qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ ở nước ta chiếm tới gần 74% lực lượng lao động: năm 2021, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 26,1%, quý II/2022 cũng chỉ đạt 26,2%...
Vậy đâu là động lực "đẩy" năng suất lao động? GS, TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân khẳng định: "Cần thúc đẩy phát triển kinh tế số; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo gắn chặt với số hóa, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Đây là yêu cầu bắt buộc, không chỉ nhằm tăng năng suất lao động, mà xa hơn là gia tăng khả năng cạnh tranh của quốc gia trong thời kỳ hội nhập toàn cầu".
Để hiện thực hóa mục tiêu này, trước hết vẫn phải là hoàn thiện thể chế. Phó Viện trưởng CIEM Đặng Đức Anh nêu thí dụ, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện ưu đãi tối đa đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động (từ 6.000 lao động trở lên) hoặc có doanh thu lớn (không quá 20 tỷ đồng/năm) là một bất cập. Với chính sách ưu đãi này, doanh nghiệp có xu hướng không đầu tư nhiều cho thiết bị, công nghệ, dây chuyền tiên tiến, hiện đại, mà tập trung sử dụng nguồn lao động thủ công, trình độ không cao, thù lao thấp.
Bên cạnh đó, chính sách tiền lương cho người lao động cần được xem xét điều chỉnh hướng tới mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Chẳng hạn, chính sách tăng tiền lương tối thiểu có thể là một công cụ.
Khi và chỉ khi cải thiện năng suất lao động, "bắt kịp, đi cùng và vượt lên" so với các nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam mới có thể hiện thực hóa mục tiêu năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động (đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút hoàn thiện) đặt ra một số chỉ tiêu dự kiến như: tốc độ tăng năng suất lao động bình quân từ 6,5-7,0%/năm từ nay đến năm 2030; tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và năm thành phố lớn cao hơn trung bình cả nước. Phấn đấu nằm trong nhóm đầu của ASEAN về tốc độ tăng năng suất lao động vào năm 2030 và Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư