Để trí tuệ nhân tạo là bạn tốt

Thời gian qua, sản phẩm Chat GPT đã tạo nên làn sóng “càn quét”. Các mô hình AI đã trở thành chủ đề được quan tâm nhiều nhất trên thế giới. Trí tuệ nhân tạo liên tục làm người ta ngạc nhiên trước khả năng cũng như sự xâm nhập sâu vào các ngành nghề sáng tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả trao đổi ý kiến tại hội thảo.
Các diễn giả trao đổi ý kiến tại hội thảo.

Các chuyên gia đánh giá, trí tuệ nhân tạo được tăng cường ứng dụng và trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho người làm truyền thông. Đã xuất hiện xu hướng tích hợp máy móc vào con người, gắn chíp não điều khiển thiết bị bằng suy nghĩ tạo ra những trải nghiệm độc đáo. Qua đó giúp tiết kiệm chi phí và tăng tốc độ làm việc. Nhưng trí tuệ nhân tạo cũng đang vừa đồng hành vừa cạnh tranh với chính con người. Chia sẻ tại hội thảo “Tương lai của PR trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” được Elite PR School tổ chức ngày 23/3, GS Phan Văn Trường, người sáng lập Hệ sinh thái Cấy Nền, cố vấn cho chính phủ Pháp về thương mại quốc tế cho rằng, một trong những khó khăn nhất khi sử dụng AI chính là sự liên kết đồng bộ thông tin hợp lý. Con người và trí tuệ nhân tạo AI đang bị mâu thuẫn bởi chính tư duy của mình dựa trên những gì đã thiết lập. Tư duy con người có thể thay đổi trong vòng 10, 20 năm, tuy nhiên “tư duy” của trí tuệ nhân tạo AI được đặt ra trước. Điều này gây khó khăn lớn không chỉ với người làm truyền thông mà còn cả xã hội.

Về góc độ văn hóa, mặc dù trí tuệ nhân tạo AI đảm nhiệm vai trò như một con người đa di năng nhưng nó không thể chiếm lĩnh được vị trí cao nhất trong cảm xúc, lý trí con người. TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Phương cho rằng: “AI nói chung hay Chat GPT nói riêng không thể tạo nên được phong cách, văn phong và cái chất tôi nghệ sĩ vốn có của con người. AI sẽ không bao giờ bằng được con người, ít nhất là trong khoảng 30 đến 50 năm nữa”.

Chia sẻ về những ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo, ông Nguyễn Khoa Mỹ, Chủ tịch Mạng lưới quan hệ công chúng Việt Nam đánh giá: “Trí tuệ nhân tạo không phải là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất, sự định kiến mới là thứ giết chết nghề nghiệp của chúng ta. Chúng ta sẽ chiến thắng tất cả khi chúng ta đề cao giá trị nghề nghiệp, xây dựng nên những đội ngũ kế cận, đề cao hình ảnh đất nước Việt Nam…”.

Để tiếp cận và tạo ra những thay đổi tích cực trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo, các chuyên gia cho rằng, ngoài việc sử dụng nó như một người trợ lý thông minh thì cần cân nhắc, đưa ra các thuật toán chính xác để sử dụng công cụ trở nên hợp lý. Đặc biệt, sự “tử tế” trong truyền thông cần được giữ vững, duy trì và phát triển. Con người phải chung sống hòa bình, cùng sáng tạo, cùng hợp tác và cùng đấu tranh với trí tuệ nhân tạo để tạo ra những giá trị tốt đẹp, hậu thuẫn cho sự tồn tại và phát triển ổn định, bền vững của mọi doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân.