Để thêm tự hào về văn hóa quê hương

Đến nhiều địa phương, vùng miền, chúng ta thường được nghe những giới thiệu của người dân và đội ngũ lãnh đạo, cán bộ trong các cơ quan, đơn vị về niềm tự hào của quê hương mình.
0:00 / 0:00
0:00

Trong đó, bên cạnh lịch sử, truyền thống, những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, còn có các giá trị văn hóa như: di tích, danh thắng nổi tiếng, những môn nghệ thuật cổ truyền đặc sắc, những nét độc đáo về phong tục, tập quán đồng bào, trong trang phục truyền thống, trong các đặc sản ẩm thực… đậm chất vùng miền.

Đó là những tinh túy được chưng cất qua nhiều thế hệ người, vẫn tiếp tục góp mặt vào đời sống văn hóa, xã hội hiện tại để cùng phục vụ những nhu cầu đa dạng của nhân dân trên mọi mặt đời sống: sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, du lịch, học tập, giáo dục truyền thống.

Những ngày này, nhìn lại một năm qua với nhiều khởi sắc văn hóa từ khi diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, chúng ta càng nhận thấy niềm tự hào đó cần được tiếp lửa bằng những thành tựu mới, những sáng tạo mới của các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật. Điều này thể hiện sự hưởng ứng tích cực với chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, đồng thời đáp ứng nguyện vọng gợi mở của nhiều chuyên gia, nhiều văn nghệ sĩ thời gian qua, về việc thúc đẩy sáng tạo trên nền tảng kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc. Và thực tế, đã có những tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, nhiếp ảnh, hội họa, điêu khắc, kiến trúc, thời trang, các mô hình du lịch, các sự kiện, lễ hội mới… khai thác hiệu quả các yếu tố văn hóa truyền thống, lịch sử, di sản, danh thắng địa phương, lan tỏa vẻ đẹp quê hương, con người mỗi vùng miền đến với người dân cả nước, bạn bè quốc tế.

Thật vậy, song song với sự nghiệp bảo tồn các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, thì sự phát huy các giá trị đó cũng là một công cuộc to lớn, quan trọng. Có thể nói, phát huy bằng sự sáng tạo của văn học, nghệ thuật và các hoạt động văn hóa mới trong đời sống hiện đại, chính là cách làm bền vững, tiếp tục khơi dài mạch chảy, nhân lên sức sống của văn hóa dân tộc.

Để thúc đẩy công cuộc này, trên đà tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 thì hệ thống chính sách, cơ chế của các địa phương cũng rất cần được xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, vận hành phù hợp với những đòi hỏi mới của thời cuộc. Rất cần sự nâng cao về nhận thức, mối quan tâm sát sao hơn của đội ngũ lãnh đạo, ngành văn hóa, văn nghệ các địa phương; cần tăng cường đầu tư, hợp tác, tiếp sức cho các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, du lịch, hoạt động văn hóa cơ sở trên nền tảng khai thác các yếu tố văn hóa bản địa, lịch sử địa phương, di sản, thiên nhiên, môi trường sinh thái.

Có thêm nhiều tác phẩm, sản phẩm, mô hình thành công, góp phần quảng bá hình ảnh, lan tỏa văn hóa địa phương, đất nước, cộng đồng cư dân sở tại sẽ càng thêm tự hào, tích cực hưởng ứng và càng có cơ hội được hưởng lợi về vật chất, tinh thần từ sự phát triển của quê hương. Đó cũng chính là góp phần vận dụng văn hóa vào phát triển quê hương, đất nước một cách thiết thực, bền vững.