Đòn bẩy cho du lịch
Cuối năm 2019, nghệ sĩ nổi tiếng Alan Walker ra mắt video âm nhạc (MV) “Alone Pt II” với khung cảnh hùng vĩ, tráng lệ, lôi cuốn người xem của hang Sơn Đoòng, bản Đoòng và vùng đất Quảng Bình. Sau 10 ngày kể từ khi ra mắt công chúng, MV này đã có hơn 12,7 triệu lượt xem trên Youtube, kỳ vọng sẽ chiếm lĩnh các bảng xếp hạng và thu hút hàng tỷ người xem trên các trang mạng xã hội Youtube và ứng dụng nghe nhạc Spotify. Với sự lan tỏa bằng ngôn ngữ âm nhạc và điện ảnh, Quảng Bình cũng đạt được thành công lớn trong việc quảng bá du lịch ra quốc tế.
Cũng vào cuối năm 2019, bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ đã được công chiếu, không chỉ tạo ra “cơn sốt” phòng vé mà nhờ những cảnh quay đẹp, thơ và đậm chất điện ảnh, công chúng nhắc nhiều hơn về mảnh đất Thừa Thiên Huế, bối cảnh chính trong phim. Một số điểm quay trong phim “Mắt biếc” như cây Vông đồng - cây Cô đơn, Hợp tác xã Phú Thuận nơi quay Trường tiểu học Đo Đo (thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền), nhà số 66 phố cổ Bao Vinh (thị xã Hương Trà)… đã trở thành điểm chụp ảnh, tham quan mới của du khách. Hiệu ứng tích cực được lan tỏa trong cộng đồng đã “làm mới” cho mảnh đất cố đô.
Tận dụng thành công từ “Mắt biếc”, nhiều công ty du lịch như ivivu, Nụ Cười Huế, Pround Việt Nam, Công ty du lịch Huế (Huế Tourist)… đã tổ chức các chương trình du lịch trong ngày, giới thiệu các điểm tour khởi hành từ Đà Nẵng hay thành phố Huế tới huyện Quảng Điền, làng đan lát Bao La, làng bích họa thôn Ngư Mỹ Thạnh, rừng ngập mặn Rú Chá, đầm Chuồn, trải nghiệm hoàng hôn trên phá Tam Giang. Bà Nguyễn Thị Hương Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Du lịch Nụ Cười Huế cho biết, hiện nay, dòng khách quan tâm và tìm về bối cảnh phim “Mắt biếc” chủ yếu vẫn là nhóm khách trẻ. Trong năm 2020, Huế tiếp tục xuất hiện ấn tượng trong bộ phim “Gái già lắm chiêu” phần ba, tái hiện hình ảnh cuộc sống sang trọng, đậm chất cung đình của Huế xưa, kỳ vọng sẽ thu hút sự quan tâm của dòng khách từ độ tuổi 30, 40 trở lên.
Nhưng chưa bền vững
Hiệu ứng từ điện ảnh gắn với du lịch rất lớn, mang lại hiệu quả bất ngờ và mạnh mẽ, tạo ra những xu hướng dịch chuyển của khách đến với những địa điểm này. Một thí dụ, sau khi bộ phim “Kong: Đảo đầu lâu” của điện ảnh Hollywood ra mắt khán giả trên thế giới, một loạt địa điểm đã từng là bối cảnh của phim đã trở thành phim trường cho những tác phẩm điện ảnh, đồng thời trở thành những điểm đến của hàng loạt tour du lịch mới, thu hút khách trong và ngoài nước đến với quần thể di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình), vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình). Những bộ phim trong nước “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Chuyện của Pao” đã gắn chặt với thương hiệu của một vùng đất như Phú Yên hay một bản làng trong hành trình khám phá vùng đất Hà Giang. Thậm chí, lượng khách tới Phú Yên còn tăng vọt tới 30% sau hiệu ứng bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.
Tuy nhiên, việc tạo dựng thương hiệu du lịch từ việc khai thác bối cảnh phim vẫn luôn là thách thức với ngành du lịch và các địa phương. Vừa qua, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21, Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu thừa nhận, du lịch theo phim ảnh tuy không phải là loại hình du lịch mới tại Việt Nam nhưng vẫn chưa được khai thác đúng và phù hợp. Để đẩy mạnh hợp tác giữa ngành điện ảnh và du lịch trong thời gian tới, theo ông, cần tập trung vào việc lựa chọn những địa điểm du lịch phù hợp định hướng phát triển của ngành du lịch và phù hợp nội dung phim. Đồng thời phối hợp cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp du lịch nghiên cứu lồng ghép các hoạt động du lịch khác đưa vào phim tạo hiệu ứng của người tiêu dùng sau phim như các tour du lịch, ẩm thực, thời trang, sản phẩm truyền thống, lễ hội, nhà hàng, khách sạn... Các địa phương cũng cần chung tay phát triển ý tưởng sử dụng các hiện vật đóng phim và phim trường trở thành những điểm đến khu hút khách du lịch.
Kinh nghiệm gắn thương hiệu điện ảnh cùng du lịch tại nhiều địa phương cho thấy, khó khăn lớn nhất hiện nay là cơ sở hạ tầng. Nhiều địa danh không nằm trong các tuyến du lịch hay đô thị, chưa thuận lợi về giao thông, không có nhiều dịch vụ dừng nghỉ, các hàng quán phục vụ khách đều do người dân dựng lên tự phát, cảnh quan chung quanh không được đầu tư để phục vụ du lịch, chưa đủ khả năng đón tiếp một lượng lớn khách đến nên có thể tạo ra hiệu ứng ngược, tạo ấn tượng không đẹp với du khách. Bài toán đặt ra cho ngành du lịch các địa phương là cần có tính toán để đón lượng khách, cũng như dự báo lượng khách nước ngoài tìm đến các thắng cảnh trong phim để khám phá, trải nghiệm ngày một đông hơn với những bộ phim nổi tiếng thế giới. Ông Hà Văn Siêu cũng cho rằng, cần tính đến việc ưu tiên lựa chọn phát triển những điểm du lịch nơi có nhiều và đủ cơ sở lưu trú và cơ sở hạ tầng tốt phục vụ một lượng lớn khách du lịch.