Luôn mạo hiểm chọn lối đi mới
Bà từng chia sẻ, “chúng tôi thật sự may mắn, khi có thể sống được, sống khỏe bằng chính cái nghề mà mình yêu thích chứ không phải vất vả mưu sinh như thế hệ cha anh đi trước”. “May mắn”, theo tôi, là một cách nói khiêm tốn khi nhìn vào khối lượng khổng lồ những đầu việc mà BHD đã đóng góp cho ngành công nghiệp giải trí nước nhà nói chung, nghệ thuật thứ bảy nói riêng suốt 20 năm qua?
Thế hệ cha tôi (nhà văn, nhà phê bình văn học Ngô Thảo - nv) đã từng phải sống rất khốn khó. Suốt những năm tháng tuổi thơ, chúng tôi luôn chứng kiến những văn nghệ sĩ lẫy lừng một thời phải vật vã trong cuộc mưu sinh, khi tuổi đã cao và cơ hội làm nghề đã hết. Chẳng nói đâu xa, lớp nghệ sĩ hơn chúng tôi chỉ chục tuổi thôi cũng phải vật lộn không ngừng, phải lấy nghề tay trái nuôi tay phải, để giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo nghệ thuật không tắt. Chúng tôi là được sinh ra và lớn lên trong điều kiện thuận lợi hơn, để có thể tập trung theo đuổi, làm tốt một lĩnh vực mà mình đam mê. Trước đây, chúng tôi luôn nghĩ, kinh doanh trong lĩnh vực giải trí không kiếm được nhiều tiền, lại rất vất vả. Giờ thì thấy, công việc yêu thích không chỉ mang lại cho mình niềm vui mà còn có được một mức sống tương đối đầy đủ. Nói may mắn, với trường hợp chúng tôi, là cực kỳ chính xác.
Nhìn vào bộ sưu tập 12 tác phẩm điện ảnh “dán nhãn” BHD, được lựa chọn và gửi tới người hâm mộ như một món quà đúng vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 20 và khai trương cụm rạp BHD Star đầu tiên tại Hà Nội mới đây, bức thông điệp mà BHD muốn chuyển tải là gì?
Con số 12 bộ phim này đánh dấu những khoảnh khắc đặc biệt của chúng tôi. Có những tác phẩm gặt hái nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như Áo lụa Hà Đông, Vũ khúc con cò.... Có những phim đạt doanh thu cao, thậm chí đạt kỷ lục phòng vé như Long Ruồi, Tấm Cám - chuyện chưa kể... Có phim thành công khi phát hành tại thị trường ngoài nước như Vũ khúc con cò, Lửa Phật... Và có nhiều tác phẩm cân bằng được cả hai yếu tố: giải trí và nghệ thuật như Những nụ hôn rực rỡ, Cánh đồng bất tận... Nhưng tất cả có một số điểm chung: đều là hướng đi mới, đều là những “lần đầu tiên” nên đều tiềm ẩn nhiều thách thức và rủi ro, ngay từ khi bắt tay thực hiện.
Cảnh trong phim Long Ruồi - một bộ phim đạt doanh thu phòng vé rất cao của BHD.
Vũ khúc con cò - “mối tình đầu” trong sáng, ngây ngô, ôm đồm và tốn kém của những người trẻ “điên khùng” lần đầu làm phim cũng là bộ phim hợp tác nước ngoài đầu tiên về cuộc chiến tranh Việt - Mỹ được quay tại Việt Nam. Áo lụa Hà Đông - phim đầu tiên hướng tới cái đích vinh danh tà áo dài truyền thống được thành hình, nhờ quyết tâm của BHD cùng hai nhà sản xuất phim (NSX) khác, với kinh phí “khủng” lên tới cả triệu đô-la vào năm 2007. Dự án phim ca nhạc đầu tiên Những nụ hôn rực rỡ được chúng tôi quyết định đầu tư, trong hoàn cảnh những Mamma Mia, Highschool Musical... có doanh thu không cao tại thị trường Việt Nam. Cánh đồng bất tận tạo thành “cơn sốt”, trên cả truyền thông lẫn ngoài phòng vé, như một hiện tượng của điện ảnh tư nhân khi nội dung lần đầu tiên nằm ngoài mọi công thức ăn khách lâu nay. Cũng BHD đầu tư vào Gái già lắm chiêu vì tin tưởng và muốn giới thiệu sản phẩm đầu tay của hai đạo diễn “tay ngang” Nam Cito và Bảo Nhân. Và cũng chúng tôi dám đặt cược vào dự án Tấm Cám - chuyện chưa kể - phim giả tưởng đầu tay của đạo diễn Ngô Thanh Vân, khi khán giả chỉ biết và yêu chị nhờ những vai “đả nữ” trước đó...
Kinh doanh những giấc mơ
Đạo diễn Lưu Huỳnh từng chia sẻ: “nếu không có cái gật đầu đồng ý đầu tiên của BHD thì chắc chắn không có Áo lụa Hà Đông”. Bí quyết gì giúp BHD dám mạo hiểm đặt cược vào những “canh bạc phim ảnh”, khi xác suất thành công luôn là con số rất khó đoán định?
Chúng tôi chỉ dựa vào niềm tin để quyết định đầu tư. BHD chọn hướng đi cài răng lược, cứ vài phim thiên về giải trí sẽ có một dự án đề cao tính nghệ thuật ngay từ bước khởi đầu. Và chúng tôi cũng muốn tạo điều kiện để các nghệ sĩ được cất lên tiếng nói riêng, được hiện thực hóa những ý tưởng mà họ tâm huyết dù chưa chắc đã ăn khách, dù chưa đạt hiệu quả kinh doanh như mong muốn vào thời điểm đó. Áo lụa Hà Đông không gây bão phòng vé, nhưng đó là tác phẩm mà sau này, chúng tôi luôn tự hào mỗi khi nhìn lại.
Vậy đã có dự án nào nằm ngoài khả năng tiên lượng của BHD không?
Những giấc mơ phim ảnh luôn tiềm ẩn khả năng rủi ro rất cao. Đạo diễn thì có thể mơ mộng nhưng NSX thì buộc phải thực tế và tỉnh táo. Nhưng thực tế, tỉnh táo đến đâu thì kết quả cuối cùng vẫn rất khó đoán định. Chạm ngõ làng điện ảnh bằng phim chiến tranh Vũ khúc con cò (với đoàn phim hơn 200 con người đến từ 17 quốc gia, thời gian tiền kỳ hai tháng và hậu kỳ gần hai năm), với chúng tôi, là một sự liều mạng. Kinh phí sản xuất lớn, phim chiến tranh rất khó hấp dẫn công chúng, lại còn phải nhờ tư cách pháp nhân của Hãng phim Hội nhà văn Việt Nam vì ngày đó chưa được thành lập hãng phim tư nhân, mấy ai tưởng tượng nổi Vũ khúc con cò đã được phát hành tới hơn 30 quốc gia (trong đó chỉ riêng thị trường Nhật Bản đã thu được nửa triệu đô-la). Tuy chưa thể hòa vốn, vì thị trường trong nước gần như không có vào thời điểm đó nhưng hiệu quả phát hành của phim đã khiến chúng tôi ngạc nhiên.
Cánh đồng bất tận là một dự án phim nghệ thuât mà đạo diễn muốn làm cho riêng mình, dù cầm chắc lỗ. Vậy mà cảnh đời mặn chát của những người nông dân nghèo khó, với những nỗi buồn mênh mang đã mang về hàng loạt giải thưởng trong nước, cơ hội tham gia nhiều LHPQT và khoản tiền lãi hơn 2 tỷ đồng. Tôi đã dự trù khoản lỗ 6 tỷ từ khi phim chưa bấm máy. Vì vậy, cộng thêm con số đó, tôi sung sướng vô cùng vì thấy mình đã “lãi khủng khiếp”, cho một dự án không hề đặt cái đích lợi nhuận ngay từ ban đầu.
Ngược lại, một dự án mà chúng tôi khá tự tin là Lửa Phật lại không đạt kết quả như mong đợi khi ra rạp. Rất may, tuy không được công chúng trong nước hào hứng đón nhận nhưng bộ phim giả tưởng - võ thuật - hành động này lại chinh phục được nhiều thị trường quốc tế (đặc biệt là thị trường Mỹ, thông qua đơn vị phát hành danh tiếng Lion Gate).
Sau này, chúng tôi có kêu gọi thêm một số đơn vị góp vốn, cũng là để chia nhỏ tỷ lệ rủi ro và bảo đảm an toàn cho NSX. Nhưng có hai loại dự án mà BHD chắc chắn sẽ đầu tư phần lớn. Hoặc tin là phim sẽ thắng, hoặc không tin nó thắng (dù rất thích ý tưởng nội dung kịch bản).
Đầu tư vào “phim sẽ thắng” là đương nhiên. Nhưng ở chiều ngược lại thì nghe có vẻ khó tin?
Khi xác suất thắng của phim thấp, BHD sẽ rất khó để mời gọi thêm nhà đầu tư. Lúc đó, chúng tôi sẽ chấp nhận bỏ phần lớn kinh phí, bởi nếu chỉ tính đến sự an toàn thì bộ phim đó chắc chắn không thể ra đời. Bức tranh toàn cảnh của điện ảnh nước nhà, biết đâu vì thế mà khuyết đi một mảng màu giá trị!
Bà Ngô Thị Bích Hạnh Sinh năm 1972. Cùng chồng (đạo diễn điện ảnh Nguyễn Phan Quang Bình) và chị gái (Ngô Thị Bích Hiền), bà thành lập BHD năm 1996, với hoạt động trải rộng trên nhiều lĩnh vực: từ sản xuất - phát hành các chương trình truyền hình (trong đó có phim truyền hình, gameshow, các chương trình truyền hình thực tế đình đám và các kênh tin tức - giải trí) đến đầu tư vào lĩnh vực phim ảnh (sản xuất, phát hành phim, kinh doanh rạp chiếu, quảng cáo). |