“Đâu lại vào đấy”

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00
“Đâu lại vào đấy”

Nguyên Ngọc Ánh (quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Phố mặc đồng phục

Cuối năm 2018, người dân Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung từng bất ngờ khi thành phố Hà Nội cho ra mắt hai tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) và Đình Thôn (quận Nam Từ Liêm). Ở thời điểm đó, tất cả các hộ kinh doanh trên mặt đường đều phải sử dụng bảng, biển hiệu được thiết kế theo kiểu “đồng phục” với hai tông mầu xanh và đỏ.

Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, các hộ trên đã cho lắp đặt nhiều loại biển quảng cáo chèn lên bảng, biển như quy định “mẫu”.

Thực tế, ngay từ khi ra đời, việc yêu cầu cả con phố “mặc đồng phục” đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Khi kinh doanh, buôn bán, hiển nhiên là ai cũng muốn cửa hàng, cửa hiệu của mình trở nên bắt mắt, hấp dẫn để lôi cuốn nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Có lẽ chính vì lý do này, mà đến thời điểm hiện tại, cả hai con phố “kiểu mẫu” đã hoàn toàn trở về trạng thái “kiểu cũ”. Không những vậy, cả đường Lê Trọng Tấn và Đình Thôn đều có dấu hiệu của việc lấn chiếm vỉa hè và cả lòng đường một cách công khai.

Trên mặt phố Lê Trọng Tấn, việc buôn bán bằng hình thức chiếm dụng vỉa hè diễn ra hằng ngày. Khách hàng được mặc sức để phương tiện bừa bãi trên vỉa hè, thậm chí dừng, đỗ xe thoải mái dưới lòng đường như “chốn không người”. Tất nhiên, ở những nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, lượng rác thải cũng mặc định nhiều hơn hẳn. Thế nhưng, thay vì được xử lý đúng quy trình và bảo đảm vệ sinh, thì số rác này lại được đổ bỏ lộn xộn cả trên vỉa hè và lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị. Dạo một vòng quanh đường Đình Thôn, tình hình còn tồi tệ hơn bởi đây là tuyến phố có phần lòng đường hẹp, diện tích vỉa hè cũng nhỏ hơn rất nhiều so đường Lê Trọng Tấn. Vì vậy, người đi bộ hầu như chẳng được “để dành” chút vỉa hè nào, mà thường phải di chuyển dưới lòng đường vô cùng nguy hiểm.