Hồ chứa không an toàn trước mùa mưa bão

Dù đang cao điểm hè nhưng các hộ dân ở ngay dưới đập chứa nước Dạ Lam xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy và Troóc Vực, xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đứng ngồi không yên. Bởi khi tới mùa mưa lũ, những “quả bom” nước này có nguy cơ vỡ và gây thiệt hại nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Hồ Troóc Vực ở xã Liên Trạch hư hỏng nhiều, không còn phát huy hiệu quả và tiềm ẩn mất an toàn cho người dân phía dưới đập.
Hồ Troóc Vực ở xã Liên Trạch hư hỏng nhiều, không còn phát huy hiệu quả và tiềm ẩn mất an toàn cho người dân phía dưới đập.

Mối lo thường trực khi mùa mưa đến

Từ nhiều năm nay, hồ Dạ Lam thuộc thôn Nam Thái, xã miền núi Thái Thủy là mối lo của hàng chục hộ dân ở phía hạ du khi vào mùa mưa lũ. Hồ có dung tích

0,67 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho hơn 50 ha lúa, cây trồng trên địa bàn. Sau gần 40 năm xây dựng và phục vụ sản xuất, đến nay hồ đã xuống cấp nghiêm trọng. Thân đập đắp bằng đất bị thấm, mái đập biến dạng. Cống hư hỏng hoàn toàn, không vận hành được. Trận lũ năm 2020, hồ chứa này có nguy cơ bị vỡ, chính quyền địa phương phải huy động lực lượng, phương tiện đào mở rộng tràn để thoát lũ mới giữ được an toàn đập.

Chủ tịch UBND xã Thái Thủy Lê Thuận Văn đưa chúng tôi ra phía tràn xả lũ của hồ Dạ Lam và cho biết, nhiều năm tràn xuống cấp không bảo đảm thoát lũ nên nguy cơ vỡ đập bất cứ lúc nào. “Từ năm 2000 đến nay, hễ vào mùa mưa lũ, làm sao để bảo đảm an toàn cho người dân dưới chân đập hồ chứa nước Dạ Lam là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo xã. Chúng tôi khá vất vả với công tác này”, ông Văn chia sẻ. Theo hướng chỉ tay của ông Văn, chúng tôi còn thấy dấu vết của kênh thoát lũ qua tràn của hồ Dạ Lam được đào khẩn cấp trong tháng 10/2020 chỉ cách một ngôi nhà chừng 10-15 m.

Theo Chi cục Thủy lợi Quảng Bình, cũng nằm trong tình trạng mất an toàn hồ đập tới mức nguy hiểm trên địa bàn còn có hồ Troóc Vực ở xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch. Hồ được đầu tư xây dựng năm 1989, dung tích 0,68 triệu m3, bảo đảm nước tưới cho 87 ha lúa 2 vụ và hỗ trợ cấp nước cho người dân từ nguồn nước ngầm thông qua hệ thống giếng khơi của người dân trong khu vực. Do sử dụng trong thời gian dài nên đến nay, nhiều hạng mục như thân đập, mái đập, hệ thống cống xuống cấp trầm trọng, đối diện nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Cấp bách nhưng bố trí vốn chậm

Theo Chi cục Thủy lợi Quảng Bình, toàn tỉnh có 151 hồ chứa thủy lợi. Việc kiểm tra, rà soát của cơ quan chức năng cho thấy có 35 hồ chứa vừa và nhỏ hư hỏng xuống cấp, có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão, trong đó, nguy cơ cao nhất là hai hồ chứa nước Dạ Lam và Troóc Vực. Hiện, tỉnh đang có kế hoạch nâng cấp hai hồ chứa thủy lợi này trước mùa mưa lũ năm nay.

Ngày 27/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm ký văn bản gửi các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo sau chuyến kiểm tra thực tế của Bí thư Tỉnh ủy. Trong đó nêu rõ, đối với hai công trình hồ Dạ Lam và Troóc Vực, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính kịp thời nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh bố trí các nguồn vốn phù hợp nâng cấp, sửa chữa để bảo đảm an toàn công trình trong thời gian sớm nhất...

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, số vốn cần để nâng cấp hai công trình này khoảng 20 tỷ đồng. Nhưng chậm bố trí vốn dẫn tới nỗi lo lắng của người dân ở vùng hạ du càng kéo dài. Việc chậm bố trí vốn để sửa gấp hai hồ này có trách nhiệm của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thủy lợi ở Quảng Bình, ngay cả việc tỉnh Quảng Bình bố trí vốn trong năm nay thì việc tổ chức thi công trên hiện trường cũng không thể sớm được vì các thủ tục liên quan đến dự án mất nhiều thời gian và cuối năm thì Quảng Bình bước vào mùa mưa lũ nên không thể thi công được.

Và như vậy, thêm ít nhất một mùa bão lũ nữa người dân ở vùng hạ du các hồ chứa Dạ Lam, huyện Lệ Thủy và Troóc Vực ở huyện Bố Trạch phải vất vả ứng phó với sự thiếu an toàn của các hồ chứa treo “bom” nước trên đầu.

Ông Mai Văn Thê, Trưởng thôn Phú Hữu, xã Liên Trạch cho biết, cứ đến mùa mưa lũ hằng năm, nước thấm qua thân đập bằng đất làm cho người dân phía dưới hạ du rất lo lắng. Nếu xảy ra sự cố thì không biết hậu quả sẽ như thế nào nên bà con luôn trong tâm thế chủ động phòng tránh. Mùa hè thì hồ khô cạn, không chỉ đình trệ sản xuất mà ngay cả nước uống cho đàn trâu bò, bà con phải đi lấy nơi khác về.