Giảm áp lực học và thi

Ra khỏi cổng trường, nhiều cô bé, cậu bé mồ hôi vã ra như tắm. Em thì cười nói thật tươi vì làm bài tốt, em thì khóc lóc, mặt buồn thiu vì lo sợ trượt… Đáng lẽ, ở lứa tuổi các em, cần phải được hưởng những ngày hè nghỉ ngơi trọn vẹn.
0:00 / 0:00
0:00
Rất đông phụ huynh chờ đợi ngoài cổng trường để đón các con thi tuyển sinh vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội).
Rất đông phụ huynh chờ đợi ngoài cổng trường để đón các con thi tuyển sinh vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội).

1/Thời điểm này, các kỳ tuyển sinh đầu cấp đang diễn ra căng thẳng trên cả nước. Ngày 15/6, Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) tổ chức tuyển sinh vào lớp 6. Trường chỉ lấy 440 chỉ tiêu nhưng có tới 2.704 thí sinh dự thi.

Cũng có mặt tại địa điểm thi Trường THCS Thanh Xuân (Hà Nội) vài ngày trước, khi kết thúc bài thi môn Toán, thật khó diễn ra cảm xúc khi chứng kiến nhiều thí sinh nhí khóc lóc vì không làm được bài. Cháu Nguyễn Xuân Bình chạy đến bên mẹ rồi mếu máo: “Đề vừa khó, vừa dài. Mẹ ơi, con sợ trượt!”. Nói xong, cháu khóc nức nở như trẻ mẫu giáo.

Sau ngày thi tại trường này, trên mạng xã hội, không ít nhóm phụ huynh bày tỏ trạng thái bất bình khi đề tuyển sinh dành cho học sinh lớp 5 quá khó so trình độ của các em. Một phụ huynh chia sẻ: “Phòng thi của con mình, có 13 bạn không làm được bài và đồng loạt khóc lóc, gào hét ngay trong phòng thi”. Một giáo viên có thâm niên luyện thi tại Trung tâm VietElite Education (Hà Nội) cho biết: Đề Văn dự thi vào THCS Thanh Xuân năm nay có 18 câu nhỏ, còn Toán có 16 câu. Mỗi bài chỉ được làm trong 40 phút và các bài khó rơi cả ở phần trắc nghiệm và tự luận. Môn Toán có những bài, các em học sinh nói kiến thức chưa từng được học trên lớp. Môn Văn, có học sinh phản ánh phải viết một đoạn văn nhập vai một nhân vật để khuyên nhủ người khác… Được biết, Trường THCS Thanh Xuân năm nay tuyển 342 chỉ tiêu, trong đó có 2.754 bạn dự thi.

Tỷ lệ chọi vào lớp 6 cao nhất năm nay là Trường THCS Nguyễn Tất Thành thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Trường tuyển chưa tới 270 học sinh nhưng có tới 5.500 thí sinh dự thi. Chưa kể, trường đã giành các suất cộng điểm cho thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khiến cuộc thi càng thêm áp lực. Còn tại Trường THCS Ngoại ngữ (UMS), thuộc Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội có tỷ lệ chọi là 1/18. Cô Hồng Vân, giáo viên Trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm Hà Nội chia sẻ: “Thế mạnh của UMS là Ngoại ngữ nhưng để thi vào trường này, các con phải có một trình độ ngoại ngữ tương đương B1 đầu B2. Trong khi khung chương trình này dành cho học sinh lớp 8-9 ở bậc học phổ thông”.

2/Chính kỳ thi tuyển sinh vào 6 trường chất lượng cao vốn gắt gao với đề thi khó, dài và vượt cả kiến thức tiểu học khiến các em học sinh muốn dự thi buộc phải ôn luyện từ năm lớp 2, lớp 3 và đến lớp 4, lớp 5 là giai đoạn “nước rút”. Chị Nguyễn Thanh Hà, có con gái vừa tham dự các kỳ thi vào trường chất lượng cao tại Hà Nội chia sẻ: “Ngay từ lớp 2 tôi đã tìm các lớp do các thầy có tiếng dạy Toán và tiếng Anh để con theo học. Sang đến lớp 4, khi gia đình định hướng rõ ràng cho con thi vào lớp 6 trường nào thi lại đăng ký theo học tại các trung tâm bồi dưỡng kiến thức do trường tổ chức”.

Theo NGƯT Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy: “Năm nay, khối THCS thuộc Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam dừng tuyển sinh nên tỷ lệ cạnh tranh dồn vào các trường THCS chất lượng cao khác lại tăng và áp lực đối với học sinh càng tăng thêm. Trong bối cảnh Hà Nội còn thiếu nhiều trường phổ thông và số thí sinh dự tuyển vượt quá xa so chỉ tiêu tuyển sinh thì việc các trường mở cuộc thi tuyển sinh thông qua các bài đánh giá năng lực vẫn là hình thức tuyển sinh công bằng, minh bạch nhất nhằm tuyển chọn được những học sinh phù hợp để theo học chương trình nâng cao”.

Tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, Quốc hội cũng bàn về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó vẫn giữ quy định cho phép Hà Nội có hệ thống trường công lập chất lượng cao. Như vậy, việc phát triển trường công lập chất lượng cao sẽ là định hướng cho ngành giáo dục Thủ đô. Và kèm theo đó, có thể sẽ tiếp tục kéo dài các kỳ tuyển sinh căng thẳng nếu không có những giải pháp linh hoạt từ ngành giáo dục và từng trường cụ thể.

Ở góc độ sức khỏe tâm thần, bác sĩ, TS Ngô Anh Vinh, Phó trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, áp lực học tập, thi cử là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ dễ rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng và trầm cảm. Các bậc làm cha mẹ nên cẩn trọng khi trẻ có những hành vi sau: Hay cáu gắt hoặc khóc lóc vô cớ, mệt mỏi, buồn chán, không giao tiếp với mọi người…; mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, chán ăn, bỏ ăn; đau bụng, đau đầu, đau ngực, tim đập nhanh…; lo lắng quá mức, luôn trong trạng thái căng thẳng, hồi hộp.

Anh Nguyễn Trọng Đạt cũng có con dự tuyển vào lớp 6 năm nay tâm sự: “Thời điểm này, các con đáng lẽ được nghỉ hè rồi nhưng thời tiết oi bức thế này, bố vẫn chở con đi thi đến 4-5 trường để mong con có cơ hội học tập tốt. Tôi thương con thi cử vất vả nhưng không biết làm thế nào?”.