Đua nhau lấn chiếm lòng đường

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Lê Ngọc Thúy (Ba Đình, Hà Nội):

Người dân các khu đô thị lớn hẳn không còn lạ những chiếc cầu, bục, bệ nối vỉa hè và lòng đường. Đây là những công trình cá nhân, được chủ nhà tự ý cải tạo nhằm tạo thuận lợi cho kinh doanh, buôn bán hoặc đơn giản là đưa phương tiện cá nhân vào nhà.

Tất nhiên, công trình tự phát thì không thể cho ra kết quả đồng đều. Vì vậy, có thể dễ dàng nhận thấy trong một con phố, có tới hàng trăm kiểu “xây cầu” vươn ra lòng đường khác nhau, nhưng nhìn chung đều nhếch nhác, tạm bợ và quan trọng hơn cả là bịt đường thoát nước công cộng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ngập úng cục bộ mỗi khi trời đổ mưa. Đáng chú ý, không hiểu vì lý do gì, một số chủ cửa hàng còn thản nhiên dùng các loại vật dụng khác nhau để chặn mặt hố ga, khiến tình trạng trên càng nghiêm trọng hơn, nhất là nhiều địa phương đang bước vào mùa mưa.

Ở một số tuyến đường dài như Thụy Khuê (các quận Ba Đình, Tây Hồ) hay Láng (các quận Cầu Giấy, Đống Đa), Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng) loạt công trình tự phát “muôn hình vạn trạng” biến toàn bộ mặt phố trồi sụt vô tổ chức. Thỉnh thoảng, các đơn vị chức năng lại phải huy động lực lượng, thiết bị đến phá dỡ. Nhưng chỉ được vài ngày, những người kém ý thức lại nhanh chóng lấn chiếm, cho ra đời những chiếc bục bệ mới tinh (!?). Việc “đập đi xây lại” này chẳng khác nào một điệp khúc không có hồi kết. Trong đó, có một bên bỏ công sức cố gắng trả lại trật tự đô thị, bên còn lại chỉ nhăm nhe tạo thuận lợi cho bản thân bất chấp hậu quả.

Thiết nghĩ, cùng với các biện pháp như nhắc nhở, yêu cầu, cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm, vận động ký cam kết không lấn chiếm, tái phạm…, các nhà quản lý có thể áp dụng những chế tài xử phạt theo đúng tinh thần Nghị định 46/2026/NĐ-CP hoặc đơn giản hơn là "bêu gương" trên hệ thống thông tin đại chúng. Có như vậy, tình trạng đã nêu mới có thể được từng bước giải quyết.