Tìm lại tinh hoa khắc mộc bản

“Ba năm đầu tiên em dành trọn tâm huyết để từng bước khôi phục lại vốn cổ của nghề khắc mộc bản làng em, nơi để lại 3 di sản tư liệu thế giới được UNESCO công nhận và 4 bảo vật quốc gia”, chia sẻ của bạn Nguyễn Công Đạt (sinh năm 1992) khiến nhiều người suy ngẫm.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân làng Thanh Liễu giới thiệu quy trình in mộc bản.
Nghệ nhân làng Thanh Liễu giới thiệu quy trình in mộc bản.

Ba năm gợi nhắc lại tên nghề

Với tuổi đời 581 năm, làng nghề mộc bản Thanh Liễu đã để lại nhiều di sản quý giá được trong nước và quốc tế công nhận, như khối mộc bản triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) hay Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh ngày nay) được UNESCO vinh danh “Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Ngoài ra, khối mộc bản được lưu trữ tại chùa Bổ Đà (Bắc Giang), chùa Trăm Gian (Hải Dương), bộ mộc bản Hải Thượng Y tông tâm lĩnh của chùa Đồng Nhân và mộc bản chùa Dâu đều tại Bắc Ninh là bốn bảo vật quốc gia, ghi dấu ấn quan trọng của làng nghề Thanh Liễu, nơi được coi là “trung tâm in ấn” đầu tiên của Việt Nam.

Nhưng hiện nay số nghệ nhân nắm rõ kỹ thuật khắc và in mộc bản ở làng Thanh Liễu không nổi 10 người. Ngay cả những nghệ nhân hiếm hoi còn lại cũng phải làm nhiều nghề để duy trì cuộc sống. Ý thức được thực tế nghề truyền thống làng mình đang đứng trước nguy cơ mai một, bạn Nguyễn Công Đạt chia sẻ: “Trong ba năm bắt đầu từ 2023, em cùng các chú, các bác dành năm đầu tìm hiểu lịch sử làng nghề, thông qua tư liệu, tài liệu, bằng chứng, hiện vật để minh chứng lại cho làng nghề cho nhiều người biết. 2024 là năm quảng bá bằng mọi hình thức như báo đài, các sự kiện để mọi người hiểu hơn làng nghề. Đến năm thứ ba, mọi người không chỉ tập trung làm nghề mà còn truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ”.

Theo đó, các nghệ nhân còn lại của làng Thanh Liễu sẽ liên kết với bảo tàng, trường học để chia sẻ các câu chuyện và tổ chức trải nghiệm về nghề mộc bản cho các bạn nhỏ cấp 1, cấp 2. Hoặc cụ thể như mỗi tuần một buổi tại bảo tàng tỉnh Hải Dương, các nghệ nhân dự định tổ chức miễn phí truyền dạy về chữ Hán trên mộc bản, kỹ thuật khắc hay làm ván gỗ, góp phần tăng thêm sự quan tâm của công chúng, đồng thời tìm kiếm thêm những bạn trẻ khéo tay và thật sự yêu thích, say mê với nghề.

Các hoạt động tìm hiểu và trải nghiệm in mộc bản và triển lãm ảnh trong khuôn khổ chuyên đề “Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề” sẽ diễn ra đến hết tháng 6 tại Phường Bách Nghệ (địa chỉ HY 01-5, Hoàng Thành Villas, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội). Tại đây, người xem sẽ hiểu lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề, cũng như tận mắt chứng kiến nghệ nhân chạm khắc, trải nghiệm quá trình làm nên mộc bản.

Hội ngộ những người cùng chí hướng

Theo các nghệ nhân làng Thanh Liễu, trước đây các nhà nghiên cứu và công chúng thường chỉ tập trung chú ý tới nội dung trên mộc bản mà ít ai tìm hiểu về quy trình hay những người trực tiếp tạo ra chúng. Bởi vậy, cùng chung một xuất phát điểm là tình yêu với nghề truyền thống, nghệ nhân trẻ như bạn Công Đạt và anh Ngô Quý Đức, người sáng lập Phường Bách Nghệ đã cùng nhau đem tới cho người dân Thủ đô, đặc biệt là các bạn trẻ, một góc nhìn mới mẻ và độc đáo về nghề in mộc bản.

Giờ đây, mọi người sẽ biết nghề khắc in mộc bản cũng nhiều công phu và tỉ mỉ. Các nghệ nhân phải thực hiện khoảng 30 bước, từ chọn gỗ, ngâm gỗ, xẻ gỗ, cắt chà bào, làm phẳng… rồi mới đến khắc, in ấn. Hiểu được thêm những yếu tố Việt Nam đặc trưng trong đó, như dụng cụ đặc biệt chỉ có trong nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu là dao ngang, nguyên liệu thường được sử dụng là gỗ thị và gỗ thừng mực với tuổi từ 30 đến 50 năm, hay giấy thường dùng là giấy dó và giấy xuyến...

“Sau 17 năm gắn bó với nhiều làng nghề Việt Nam, tôi không chỉ hiểu rằng để ra một sản phẩm thủ công cần rất nhiều tỉ mỉ, công sức và tài hoa của người thợ, mà còn hiểu được tâm tư, nguyện vọng của họ khi sản phẩm thủ công không được đánh giá đúng vị thế trong thời đại ngày nay. Chính vì thế, năm 2020, tôi đã lập ra dự án cá nhân mang tên “Về làng”. Sau một thời gian, tôi và một số người bạn cùng chí hướng lập ra “Phường Bách Nghệ” - trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các sản phẩm thủ công làng nghề. Sau gần 4 năm hoạt động, chúng tôi có một đội ngũ các bạn trẻ nghiên cứu về mỹ thuật, thiết kế tạo dáng, hay những nội dung liên quan sản phẩm đó”, anh Ngô Quý Đức chia sẻ.

Cũng tại không gian nhỏ nhắn của “Phường Bách Nghệ”, nhóm xây dựng đề tài khác nhau cho mỗi tháng liên quan đến các ngành nghề truyền thống. Thí dụ như tháng 6 năm nay là chuỗi các hoạt động giới thiệu, tìm hiểu chuyên sâu về làng nghề in mộc bản. Sang tháng 7 sẽ là đề tài liên quan đến sơn mài... Các chuỗi hoạt động này góp phần giúp mọi người hiểu được giá trị của làng nghề và sản phẩm thủ công.