Báo chí số:

Luật Báo chí cần những thay đổi lớn

Nhiều cơ quan báo chí đang nỗ lực chuyển đổi số nhưng quá trình này còn diễn ra chậm chạp và chưa thực chất. Phóng viên Báo Thời Nay đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng (ảnh), Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Luật Báo chí cần những thay đổi lớn

Phóng viên (PV): Thưa bà, báo chí số đang phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, vậy đâu là sự khác biệt giữa một tác phẩm báo chí truyền thống và tác phẩm báo chí số?

PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng: Tác phẩm, sản phẩm báo chí số là thông điệp truyền thông đa phương tiện mà việc mã hóa và giải mã được thực hiện trên sự kết hợp của nhiều phương tiện. Sáng tạo tác phẩm và sản xuất sản phẩm các chỉ số dựa trên dữ liệu số: Thông tin cần được số hóa, phân tích, xử lý, lưu trữ thành dữ liệu số, được sử dụng thông qua mạng máy tính và môi trường truyền dẫn internet. Sau quá trình phân tích, xử lý, dữ liệu đầu ra luôn được đồng bộ hóa. Tác phẩm, sản phẩm báo chí số gắn liền với công nghệ số, luôn “sống” trong hệ sinh thái truyền thông số. Báo chí số chỉ có thể vận hành trong hệ sinh thái số được xây dựng trên cơ sở phối hợp 5 thành phần: Phần cứng (hardware), phần mềm (software), mạng lưới (network), các dịch vụ (services), nội dung (content).

PV: Đâu là những vấn đề đặt ra trong thực tiễn chuyển đổi số báo chí hiện nay?

PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng: Hầu hết các cơ quan báo chí đều nỗ lực chuyển đổi số, tuy nhiên còn chậm về tiến độ, chưa đi vào thực chất. Nguyên nhân chính là nhiều báo còn mơ hồ về “đích đến” của chuyển đổi số là nền báo chí số, chưa tường minh về mô hình tòa soạn báo chí số, nên hầu hết các cơ quan báo chí chưa xây dựng được mô hình tòa soạn báo chí số đáp ứng được sự hội tụ: Nội dung số; công nghệ số; công chúng số; kinh tế số; hệ sinh thái số.

Hạn chế dễ thấy nhất là công cụ số, nền tảng số và công chúng số. Phỏng vấn sâu lãnh đạo 10 cơ quan báo chí đại diện cho 10 cụm Hội Nhà báo trong cả nước cho thấy, chỉ có 3/10 trường hợp hiểu và mô tả được một số lớp chức năng của tòa soạn báo chí số. Hầu hết các báo chưa chú trọng phát triển khu vực công chúng số. Kinh tế số chính là điểm nghẽn lớn nhất, cả về nhận thức, mô hình và cơ sở pháp lý để thực hiện.

PV: Vậy đâu là những thách thức trong quản trị nội dung, quản trị tòa soạn số hiện nay?

PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng: Trong bối cảnh phát triển trí tuệ nhân tạo thì các vấn đề ChatGPT, sở hữu trí tuệ, an toàn thông tin, an ninh truyền thông… tạo nguy cơ sản xuất và phát tán tin giả bằng báo chí tự động. Do vậy, công cụ pháp lý kinh doanh báo chí số, đặc biệt là công cụ pháp lý cho quản trị tài chính đang là khúc mắc lớn cần có giải pháp tháo gỡ.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện cấp giấy phép hoạt động báo chí điện tử trên tên miền. Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí chủ động xây dựng ứng dụng (app) tự phân phối nội dung trên internet, hoặc mở thêm kênh phân phối nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội trong nước và xuyên biên giới (mở kênh trên YouTube, TikTok, mở Fanpage trên Facebook, Lotus, Zalo…) mà không chỉ dừng lại hoạt động trên tên miền được cấp. Đây là một xu thế tất yếu của quá trình chuyển đổi số báo chí để lan tỏa nội dung báo chí đến người đọc theo những phương thức mới, khai thác nguồn thu quảng cáo bổ sung từ phương thức này. Tuy nhiên, xu thế này đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý, đặc biệt là khi xảy ra sai sót hoặc tranh chấp trên những nền tảng xuyên biên giới chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Do sự phát triển của internet băng rộng, đã xuất hiện nhiều dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình (phim, chương trình âm nhạc, chương trình truyền hình - TV show) theo yêu cầu trên mạng internet (gọi là OTT VOD) của doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam, có thu phí như: Netflix, iFlix, Wetv, Spotify… Nội dung cung cấp trên các dịch vụ được chuyển ngữ tiếng Việt, không qua cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập, kiểm soát theo quy định của Luật Báo chí, Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

PV: Theo bà, nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí, đâu là những giải pháp cần thiết?

PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng: Các báo cần xây dựng phương án chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo thích hợp. Cần có hạ tầng và những nền tảng số căn bản, đồng bộ để vận hành nền báo chí số. Cần sự thống nhất và phối hợp đồng bộ trong các cơ quan, tổ chức quản lý thông tin trên không gian mạng.

Cần chỉnh sửa, bổ sung hành lang pháp lý, ban hành văn bản pháp luật và hướng dẫn thực thi liên quan đến sử dụng các hệ thống phần mềm ứng dụng trí thông minh nhân tạo, đặc biệt là sử dụng đối với các dữ liệu trên không gian mạng. Cần sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản pháp luật liên quan để thuận lợi cho việc xuất nhập khẩu, mua, bán các công cụ số, các dòng sản phẩm báo chí số và các dịch vụ giá trị gia tăng ở các cơ quan báo chí, truyền thông. Mô hình báo chí số đòi hỏi hành lang pháp lý về báo chí, mà cốt lõi là Luật Báo chí năm 2016 phải có những thay đổi lớn có tính hệ thống, chứ không đơn thuần chỉ là bổ sung một vài điều khoản cụ thể gắn với công nghệ, hay gắn với truyền thông xã hội, mạng xã hội...

PV: Xin cảm ơn bà!

PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng: Luật Báo chí năm 2016 chưa bao quát hết các mô hình, vấn đề của báo chí số. Việc tổ chức và hoạt động theo mô hình tòa soạn số, nhà báo số, nền tảng số, công cụ số (bao gồm các công cụ như AI, blockchain, xR…), nhiều khái niệm công cụ của báo chí số, hội tụ các thành tố của báo chí số, các nền tảng số mới chưa được đề cập tới trong Luật. Ngoài bốn loại hình báo chí quy định trong Luật Báo chí năm 2016, loại hình báo chí số với các thể loại cơ bản như báo chí tự động, báo chí dữ liệu và nhiều loại hình hoạt động thông tin có tính chất như báo chí (như: Mạng xã hội, trang thông tin điện tử (web), ứng dụng (app) trong nước và xuyên biên giới cung cấp thông tin, video, chương trình phát thanh, truyền hình…) chưa được đề cập đến.