Mòn mỏi chờ tái định cư

Hàng trăm hộ dân xã Phúc Hà, TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) đã di chuyển nhà cửa, tài sản theo yêu cầu giải phóng mặt bằng phục vụ khai thác và đổ thải của mỏ than Khánh Hoà. Tuy nhiên, nhiều năm qua họ phải sống trong tình cảnh tạm bợ, không có đất tái định cư để ổn định cuộc sống lâu dài.
0:00 / 0:00
0:00
Bãi thải nam của mỏ than Khánh Hòa đang tiến sát các hộ dân ở xóm 1, xã Phúc Hà.
Bãi thải nam của mỏ than Khánh Hòa đang tiến sát các hộ dân ở xóm 1, xã Phúc Hà.

Cuộc sống tạm bợ

Là doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Công ty Than Khánh Hòa có nhiệm vụ khai thác từ 400-500 nghìn tấn than/năm để phục vụ Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn hoạt động. Khai thác than với sản lượng lớn như vậy không thể dừng lại và cần di chuyển hàng trăm hộ dân để giải phóng mặt bằng khoảng 50 ha nhằm mở rộng bãi thải nam, mở rộng khai thác than tại khu vực bắc khai trường mỏ than Khánh Hòa. Do chưa bố trí được vốn để xây dựng các khu tái định cư nên hàng trăm hộ dân đang phải sống

tạm bợ.

Mặc dù bãi thải nam mỏ than Khánh Hòa rộng hơn 100 ha nhưng đã không còn mặt bằng để đổ thải, từ năm 2019, Công ty Than Khánh Hòa và UBND thành phố Thái Nguyên thống kê, bồi thường đất đai, tài sản của 160 hộ dân ở xã Phúc Hà để mở rộng bãi thải nam thêm gần 22 ha. Nhưng đến nay vẫn còn 72 hộ chưa được bố trí tái định cư khiến cuộc sống rất khó khăn. Ông Lê Việt Đông ở xóm 1 trần tình: “Cũng như các hộ trong xóm, bãi thải nam ngày càng tiến sát nhà nên thường xuyên phải hứng bụi, nhiều năm sống tạm bợ trong căn nhà xuống cấp, chật chội nên hằng ngày chúng tôi mong ngóng được cấp đất tái định cư để ổn định cuộc sống lâu dài”.

Để đáp ứng sản lượng than phục vụ sản xuất điện, Công ty Than Khánh Hòa phải mở rộng bắc khai trường mỏ than thêm hơn 20 ha và phải giải tỏa 108 hộ gia đình. Nhưng mới có 16 hộ được bố trí tái định cư, còn tới 82 hộ đang phải thuê nhà từ các năm 2018, 2019 đến nay và chưa biết đến bao giờ mới được bố trí đất tái định cư để xây dựng nhà. Phó Giám đốc mỏ than Khánh Hòa Vũ Thành Hưng cho biết: “Phải thuê nhà ở trong thời gian dài trong cảnh chật hẹp, cuộc sống khó khăn vất vả, chất lượng học tập của con em cũng bị ảnh hưởng nên từ lâu người dân bức xúc, rất mong muốn được bố trí đất tái định cư để ổn định cuộc sống lâu dài”.

Nguy cơ dừng khai thác

Theo quy định, việc đầu tư xây dựng và bố trí tái định cư cho người dân liên quan đến giải phóng mặt bằng phục vụ khai thác và mở rộng bãi thải mỏ than Khánh Hòa thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. UBND thành phố Thái Nguyên đã phê duyệt dự án mở rộng khu tái định cư Tân Long với vốn đầu tư gần 60 tỷ đồng để bố trí chỗ ở cho hơn 80 hộ đang phải thuê nhà, nhưng đến nay dự án vẫn nằm “trên giấy”. Bên cạnh đó, 72 hộ thuộc diện giải tỏa để mở rộng bãi thải nam đến nay chưa biết sẽ bố trí tái định cư ở đâu.

Những năm vừa qua, đại diện Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc và Công ty Than Khánh Hòa đã nhiều lần làm việc với chính quyền tỉnh và TP Thái Nguyên để triển khai dự án tái định cư, trong đó có giải pháp Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc ứng vốn để TP Thái Nguyên mở rộng khu tái định cư Tân Long, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó đời sống của hơn 150 hộ dân ngày càng khó khăn, hằng ngày mong đợi được tái định cư. Nhưng Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên Nguyễn Linh cho biết: “Tôi đã đi thực tế khảo sát tình hình cụ thể, việc tái định cư cho các hộ dân để mở rộng khai trường, mở rộng bãi thải là vấn đề cấp bách, cần thiết, nhưng cái khó là thành phố chưa bố trí được vốn để xây dựng khu tái định cư”.

Năm 2024, Công ty Than Khánh Hòa được giao khai thác 400 nghìn tấn than để phục vụ sản xuất điện. Để khai thác được sản lượng than này, Công ty phải bốc dỡ và đổ 4,5 triệu m3 đất đá thải. Giám đốc Công ty Than Khánh Hòa Bùi Ngọc Hùng chia sẻ: “Chúng tôi như đang “ngồi trên đống lửa”, bởi nếu không giải phóng được mặt bằng để mở rộng bãi thải nam thì tới đây công ty buộc phải dừng sản xuất vì không còn chỗ đổ thải. Nếu điều này xảy ra, hơn 600 cán bộ, công nhân không có việc làm, thu nhập và không có than sản xuất điện sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia”.

Theo lãnh đạo Công ty Than Khánh Hòa, doanh nghiệp đề nghị được ứng vốn để xây dựng khu tái định cư thì TP Thái Nguyên cho rằng, hiện nay pháp luật chưa quy định rõ vấn đề hoàn ứng vốn nên chưa thể triển khai được.