Nguy cơ từ sạc dự phòng trôi nổi

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Phùng Đức Toàn (quận 1, TP Hồ Chí Minh):

Vừa qua, tại khu tập thể nơi tôi sinh sống đã xảy ra vụ việc một thanh niên thuê nhà trong khu mở dịch vụ kinh doanh, sửa chữa các loại pin sạc dự phòng cả mới và đã qua sử dụng. Không rõ vì lý do gì, một trong những cục pin trên đã bị cháy. Những người đã từng chứng kiến pin của điện thoại gặp sự cố tương tự chắc chắn sẽ hiểu tình thế lúc xảy ra vụ việc. Cục pin dự phòng chẳng khác nào một “dàn pháo hoa” thu nhỏ, liên tục bắn ra những tia lửa dài, xì khói mù mịt cả căn phòng rộng chưa đầy 15 m2. May mắn là chàng trai đã tìm được cách mang “quả bom mini” ra ngoài để mọi người dùng bình cứu hỏa xử lý.

Chỉ cần dạo quanh các trang mạng xã hội, có thể dễ dàng tìm thấy nhiều địa chỉ bán vô số loại pin sạc dự phòng với đủ mức dung lượng. Bên cạnh những cục pin nhỏ từ 5-10 nghìn mAh, có nhiều loại sạc dự phòng dung lượng lớn lên tới 40-50 nghìn mAh. Không ít trong số này là hàng không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thậm chí chẳng có nhãn mác, thương hiệu. Không những vậy, có nhiều cá nhân đăng bán những loại pin sạc dự phòng được quảng cáo là “hàng tuồn”, “hàng thanh lý công ty” và cả… cục pin “trần”, nghĩa là không có bất cứ linh kiện bảo đảm an toàn nào kèm theo.

Việc buôn bán không hề có sự giám sát hoàn toàn có thể dẫn đến việc những “quả bom” này lọt vào tay các em nhỏ. Lúc đó, hậu quả sẽ rất khó lường. Cần nhanh chóng rà soát, siết chặt quản lý việc pin sạc dự phòng trôi nổi lưu hành tự do trên thị trường, bảo đảm an toàn cháy nổ trong mùa hè.