Xử lý nghiêm hành vi sử dụng camera quay lén

Camera quay lén đang là thiết bị “nóng” trong thời gian qua khi liên tiếp các vụ việc quay lén bị phát hiện khiến dư luận phẫn nộ. Không chỉ để lại sự hoang mang, ám ảnh tinh thần cho nạn nhân mà việc dùng loại thiết bị này dùng vì mục đích xấu còn đang tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Không khó để tìm mua sản phẩm camera mini trên mạng.
Không khó để tìm mua sản phẩm camera mini trên mạng.

Nhiều cách thức ghi hình

Liên tục các vụ việc phát hiện người quay lén, camera quay lén đã bị phát giác và đưa lên mạng xã hội với nhiều hoàn cảnh, đối tượng nạn nhân khác nhau. Từ vụ các cô gái diện áo tắm tại nhiều bãi biển bị một kênh TikTok hơn 67 nghìn người theo dõi quay lại bằng điện thoại và phát tán công khai khi chưa nhận được sự đồng ý; đến vụ việc của người mẫu Châu Bùi phát hiện camera dưới hình dạng đồng hồ đeo tay được đặt trong phòng thay đồ của một phòng chụp. Hay việc nhiều nữ sinh đi thuê trọ tại Yên Nghĩa (Hà Đông), Nghĩa Đô (Cầu Giấy) ở Hà Nội, tìm thấy camera siêu nhỏ được đặt trong ổ điện phòng tắm.

Chủ đề này lại tiếp tục nóng khi mới đầu tháng 7, mạng xã hội xuất hiện chia sẻ về một người dùng TikTok có đến hơn 1 triệu người theo dõi, nổi tiếng với nội dung trải nghiệm các sản phẩm bị phanh phui khi có hành động lắp trộm camera quay lén trước khi cho khách nữ thuê. Mặc dù nhân vật này đã lên tiếng đính chính nhưng không một ai có thể bảo đảm những hình ảnh nhạy cảm ấy không bị phát tán.

Hành vi quay lén ngày càng nhiều và khó kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi nó có thể đặt ở bất cứ đâu, khiến ai cũng có thể trở thành nạn nhân. Những tổn thương tinh thần mà nạn nhân phải gánh chịu vô cùng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, danh dự và nhân phẩm. Hơn thế nữa, trong nhiều trường hợp, hình ảnh quay lén còn được sử dụng với mục đích đe dọa, tống tiền, tống tình nạn nhân. Hầu hết các nạn nhân đều trong tâm trạng xấu hổ, không dám phản kháng, khiến họ phải sống trong lo âu, sợ hãi, e ngại việc những hình ảnh nhạy cảm của bản thân bị phát tán rộng rãi.

Cần cảnh giác

Việc mua bán các thiết bị như camera giấu kín, ống kính nguỵ trang siêu nhỏ... đang diễn ra tràn lan trên các trang mạng, trên Google với các từ khóa như “mua camera siêu nhỏ”, “camera mini quay lén”, người dùng dễ dàng nhận được rất nhiều kết quả với hàng loạt thiết bị được tích hợp tinh vi dưới dạng bút viết, khuy áo, tai nghe, đồng hồ... Các thiết bị này được bày bán với nhiều mức giá khác nhau, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tuỳ thuộc vào chất lượng hình ảnh và độ tinh xảo. Có những chiếc camera hỗ trợ ghi âm, quay video với chất lượng lên đến 4K; kết nối được wifi để truyền trực tiếp hình ảnh về điện thoại, máy tính; hỗ trợ đến 4 người truy cập cùng lúc để kiểm soát thiết bị từ xa.

Đây là cảnh báo đỏ cho xã hội, dấy lên lo ngại về sự an toàn của bản thân và sự xuống cấp về đạo đức của một số người. Trước khi có những biện pháp mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan chức năng trong việc quản lý việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng các thiết bị này, mỗi cá nhân cần tự cập nhật và trang bị cho mình những giải pháp công nghệ, thiết bị phát hiện máy quay lén. Bên cạnh đó, luôn đề cao cảnh giác trong mọi môi trường, nhất là những nơi công cộng như phòng thay đồ, nhà trọ, khách sạn,…

Người dân có thể áp dụng một số mẹo để phát hiện camera giấu kín, thí dụ như tắt toàn bộ đèn và soi phòng bằng chế độ quay video trên điện thoại. Trường hợp có camera giấu kín, sẽ có một số phản ứng trên màn hình. Hay sử dụng móng tay, hoặc vật dụng bất kỳ chạm vào mặt gương, nếu khoảng cách giữa gương và ngón tay/vật dụng gần như bằng 0 thì đó là gương hai chiều. Nếu có một khoảng cách nhỏ giữa ngón tay/vật dụng và gương thì đó là tấm gương bình thường.

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính pháp), tăng cường công tác quản lý về việc mua bán các camera, thiết bị ghi hình siêu nhỏ là bước đầu tiên để ngăn chặn hành vi này. Cần xử phạt nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là những vụ việc thu thập hình ảnh nhạy cảm trái phép của người khác rồi công khai trên mạng xã hội, tống tiền, uy hiếp hoặc sử dụng với những mục đích khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần, sức khỏe của nạn nhân.

Theo điểm e, Khoản 3, Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, người có hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền 10-20 triệu đồng. Nếu phát tán thông tin cá nhân mà chưa được cá nhân đồng ý thì có thể bị phạt tới 60 triệu đồng và phải bồi thường mọi thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân (nếu có). Trường hợp vi phạm có dấu hiệu với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, làm giảm uy tín, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, có mức phạt tù cao nhất lên đến 5 năm.