Nhẽ nào các nhà quản lý đã “bó tay"?

Bạn đọc viết:
0:00 / 0:00
0:00

Quân Hoàng (quận Tây Hồ, Hà Nội)

Gần đây, trên một số cộng đồng mạng xã hội nổi lên câu chuyện về phương thức phòng chống những cuộc điện thoại “không mời mà gọi”. Những người tham gia đều than phiền về việc bị “khủng bố” điện thoại bằng đủ kiểu cuộc gọi, từ mời tham gia thị trường chứng khoán, mua bảo hiểm, trải nghiệm hàng trăm kiểu dịch vụ… Thế nhưng, đa phần các cuộc gọi đều có dấu hiệu lừa đảo.

Là câu chuyện “biết rồi khổ lắm” chưa biết bao giờ có hồi kết, các cuộc gọi lừa đảo ngày càng được cảnh báo thường xuyên hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mới đây, bất chấp việc Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra hàng loạt cảnh báo về các “chiêu thức” lừa đảo như tuyển dụng công chức, mời đầu tư dự án, giả mạo nhân viên công quyền…, không ít người dân và nhất là người cao tuổi vẫn sập bẫy các đối tượng, bị lừa đến hàng tỷ đồng.

Bản thân tôi và đồng nghiệp, bạn bè thời gian này liên tục bị “dội bom” bởi những cuộc gọi từ đầu số 0248888, 0248889, 0249998, 0249999… Mỗi ngày, tôi nhận được 10-50 cuộc gọi như vậy, với nội dung tương tự nhau: chỉ loanh quanh dò xét để khai thác thông tin cá nhân hoặc dẫn dụ làm theo chỉ dẫn để truy cập các đường link lừa đảo. Khi số lượng cuộc gọi lên đến 50, thì việc dùng cụm từ “cháy máy” là hoàn toàn không hề nói quá. Các đối tượng thật sự không để cho “con mồi” có thời gian nghỉ ngơi, thậm chí có trường hợp đã chấp nhận nhấc máy còn bị chửi rủa, xúc phạm.

Tôi thật sự băn khoăn về việc ai quản lý, cấp phép cho những đầu số trên hoạt động? Bởi đây rõ ràng là một dãy số, khi người dân chặn một số thì lập tức sẽ có số khác tương tự tiếp tục “khủng bố” tinh thần. Bên cạnh đó, mỗi đối tượng khi tiếp cận đều có thể “đọc vanh vách” thông tin cá nhân, thậm chí cả địa chỉ, nơi làm việc của “con mồi”. Vậy, nguồn thông tin rò rỉ đến tay các đối tượng là từ đâu?