Đặt nền móng cho tinh thần tự khai phóng

"Giáo dục có thể cho bạn một kỹ năng, nhưng giáo dục khai phóng có thể đem lại cho bạn phẩm giá"-đó là ý kiến của nhà văn, nhà sư phạm người Thụy Điển Ellen Key khi bàn về Liberal Arts Education (tạm dịch là giáo dục khai phóng), một mô hình giáo dục đang chứng tỏ tính ưu việt.

Trong nhà trường khai phóng, việc dạy-học cần linh hoạt, hướng đến đặc điểm mỗi học sinh. Ảnh: Trường tiểu học và THCS Olympia
Trong nhà trường khai phóng, việc dạy-học cần linh hoạt, hướng đến đặc điểm mỗi học sinh. Ảnh: Trường tiểu học và THCS Olympia

CHỪNG dăm năm trước, hai trường đại học là Trường đại học Fulbright và Trường đại học Việt Nhật - VJU (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyên bố đề cao tinh thần khai phóng và áp dụng triển khai mô hình "giáo dục đại học khai phóng" đã gây không ít băn khoăn, kể cả đối với một số chuyên gia. Sau đó, một vài cuộc hội thảo, tọa đàm được tổ chức, song chủ yếu cũng chỉ để tường minh hơn khái niệm giáo dục được cho là mới mẻ này. Tuy vậy, từ thực tiễn hoạt động đào tạo, vài năm trở lại đây, ở nước ta, khái niệm "giáo dục khai phóng" đang dần trở nên quen thuộc. Ở bậc đại học, mô hình Liberal Arts Education đang được quan tâm áp dụng ở một số cơ sở đào tạo tư thục như Trường đại học Hoa Sen, Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh), Trường đại học FPT (Hà Nội),… với đặc trưng gồm một số nhóm bộ môn, cả tự nhiên và xã hội, trong môi trường học tập hiện đại, giúp người học tự do khám phá bản thân, mở ra khả năng sáng tạo.

Với sự phát triển của công nghệ, kỹ năng thích ứng linh hoạt được đề cao và được coi là kỹ năng sống còn khi xét ở cả góc độ vĩ mô (mỗi quốc gia) và vi mô (mỗi cá nhân). Hay như cách giải thích của nhà báo người Mỹ gốc Ấn Độ Fareed Zakaria, tác giả cuốn sách "Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng" được dịch và phát hành ở nước ta hồi giữa năm ngoái, thì vấn đề cơ bản của một nền giáo dục khai phóng là "không dạy cái đặc thù của bất cứ nghề nghiệp nào", mà là đặt nền móng chung cho tất cả mọi nghề nghiệp.

Theo nhiều chuyên gia, mô hình Giáo dục khai phóng hướng người học đến thang đo thành công và hạnh phúc-sống với chính mình, được là chính mình. Vì thành công bền vững và hạnh phúc đích thực là hệ quả tất yếu khi những người trẻ dấn thân, tu dưỡng và sống đúng phẩm giá của mình. Cụ thể, theo quan điểm của Viện Giáo dục IRED, thì đây là mô hình giáo dục hiện đại, cổ vũ tinh thần "tự lực khai phóng" và "tin vào thực học" nhằm giúp mỗi người học tự đào luyện mình ở bốn năng lực tổng quan là "năng lực văn hóa (làm người)", "năng lực công dân (làm dân)", "năng lực chuyên môn (làm nghề)" và "năng lực lãnh đạo" để có thể trở thành: con người tự do, công dân trách nhiệm và chuyên gia ưu tú. Mỗi cá thể văn minh, hiện đại sẽ làm nên một cộng đồng, một đất nước văn minh, hiện đại.

Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, xã hội hiện đại đòi hỏi người lao động không chỉ có nền tảng kiến thức của chuyên ngành đó, mà cần có các kỹ năng khác để có thể tự tin, tự quyết, tự chủ, tự lập, tự khám phá và tự phát triển bản thân và nghề nghiệp suốt đời. Nhiều cơ sở đào tạo ở nước ta cũng đang hướng tới nền tảng của "giáo dục khai phóng" là dạy các kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, kỹ năng truyền thông, giao tiếp hiệu quả, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng tự soi, tự sửa lại mình, khả năng sáng tạo, giải quyết vấn đề, nhất là thích ứng cao với những biến đổi của cả đời sống xã hội lẫn tự nhiên.

Muốn thế, ở giác độ phổ quát, chúng ta vẫn có thể tự hào về kết quả kiểm tra PISA đạt mức cao, hay những tấm huy chương giành được qua các kỳ Olympic quốc tế. Tuy nhiên, như trăn trở của GS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội, đẳng cấp thật sự của một nền giáo dục phải cần được vun trồng từ sớm, từ xa và có lộ trình khoa học, nhất là công tác đánh giá phải thực chất, khách quan, sớm đạt mục tiêu "thực học, thực nghiệp" toàn diện.

Cùng với mô hình giáo dục khai phóng đang dần hình thành ở Việt Nam, công tác hướng nghiệp hiện đại cũng cần phải đổi mới. Có ý kiến nhà giáo cho rằng, định hướng cho học viên một cái nghề để kiếm sống thì không quá khó, nhưng giúp họ hiểu được bản thân, động viên họ dũng cảm theo đuổi những công việc mà họ đam mê và đi dài lâu trên con đường ấy lại là việc khó và cần thiết hơn nhiều. Phải làm những việc mà mình đam mê con người ta mới có nhiều niềm vui, hạnh phúc, mới dồn hết trí lực cho việc ấy, từ đó mà làm ra được nhiều của cải vật chất, tinh thần cho bản thân và xã hội. Rõ ràng, để người học có điều kiện rèn luyện thuần thục kỹ năng ứng phó nhạy bén, thích nghi mọi hoàn cảnh cùng việc không ngừng nuôi dưỡng tâm hồn phong phú, bản lĩnh vững vàng, trí tuệ mẫn tiệp thì mỗi chủ nhân tương lai của đất nước hôm nay đang rất cần một "tinh thần khai phóng". Trước hết là tinh thần tự học, tự đào tạo.

KHÔNG chỉ ở bậc đại học, những năm gần đây, mô hình "giáo dục khai phóng" đã được không ít cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn, nhất là ở các trường tư thục chất lượng cao và các trường công lập uy tín, như: Trường tiểu học và THCS Olympia, Trường tiểu học-THCS và THPT Nguyễn Siêu, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)… Mục tiêu của các trường này là tạo điều kiện tối đa để các học sinh bộc lộ năng khiếu cũng như thiên hướng nghề nghiệp, đầu tư nhiều hơn, cả về cơ sở vật chất lẫn chương trình dạy-học để các em phát triển toàn diện chân-thiện-mỹ. Ở đấy, trong quá trình học tập, giáo viên, các chuyên gia tâm lý dành thời gian quan sát, chia sẻ với học sinh để tư vấn kịp thời cho chính các em và cả phụ huynh trong định hướng nghề nghiệp.

Có thể thấy những nội dung của mô hình giáo dục khai phóng cũng không nằm ngoài mục tiêu, định hướng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được quán triệt sâu sắc trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".