Đằm thắm, đôn hậu hai “người phụ nữ thơ”

Trong ánh nắng vàng tươi sáng thu Hà Nội, tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 65 Nguyễn Du, Hà Nội, nhiều người đã dự lễ ra mắt sách, trưng bày tranh của nhà văn, nhà báo Như Bình. Cũng trong sáng 19/10, thi sĩ người Tày - Nông Thị Hưng đã ra mắt tập thơ “Sợi tơ cột trái tim người” (NXB Hội Nhà văn) trong không khí ấm cúng và thân tình.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà văn Như Bình chia sẻ tại lễ ra mắt sách và trưng bày tranh.
Nhà văn Như Bình chia sẻ tại lễ ra mắt sách và trưng bày tranh.

Gieo những tâm tư bứt ra từ cuộc sống

“Trở lại” lần này, nhà văn Như Bình đã đem lại nhiều bất ngờ cho bạn đọc qua các sáng tác thơ, tùy bút và hội họa. Đó là tập thơ “Sự im lặng biếc xanh”, tạp bút “Thương những xa xôi” do NXB Hội Nhà văn ấn hành, cùng với trưng bày tranh “Hẹn”. 52 bài thơ, 21 tản văn, tạp bút, 30 bức tranh như những bộc bạch từ tận sâu trong tâm hồn chị.

“Như Bình như một cái chuông ném vào đời sống này, va vào sỏi đá, vào những vui buồn của cuộc sống… Như Bình đã vang lên những tình cảm của chị, những xúc cảm sâu thẳm của chị trong những bài thơ… Tập thơ chứa đựng quá nhiều xúc cảm của Như Bình”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ. Còn PGS, TS Phùng Gia Thế nhấn mạnh, Như Bình đã rất dũng cảm và bản lĩnh khi viết lên tiếng lòng của mình. Đó là cả một hành trình vượt lên chính mình để viết nên những vần thơ phơi bày nội tâm, khắc họa nên hình ảnh của một người đàn bà đầy trưởng thành và trải nghiệm. Nói về tranh của Như Bình, họa sĩ Đào Hải Phong bày tỏ: “Xem tranh Như Bình thấy ngay tinh thần của một nhà thơ, chị vẽ tranh tràn đầy cảm xúc ồ ạt, hối hả cả ở mầu và những nhát bút dường như không kịp toan tính và tình cảm đẹp”.

Những trang tạp bút của Như Bình giản dị, mộc mạc và thấm nước mắt. “Dạo” một vòng trong câu chữ về những người ruột thịt, gắn bó cốt tủy cuộc đời chị; về những năm tháng chiến tranh khốc liệt, ta thấy lấp lánh trong trang văn là tính nhân văn, nhân hậu. Ấn tượng nhất là chi tiết người phụ nữ “nhường” chồng mình cho vợ liệt sĩ trong tản văn “O Bé”, để chị ấy sinh con đẻ cái, có người chăm sóc khi về già.

Như Bình cái tên quen thuộc trong giới báo chí, văn chương. Chị gắn bó với nghề báo hơn 30 năm tại báo Công an nhân dân, tham gia tổ chức, phụ trách các ấn phẩm như An ninh thế giới, Cảnh sát toàn cầu, Văn nghệ công an… Chị đã có tới 11 tác phẩm văn chương, chủ yếu là truyện ngắn, được xuất bản và gây dấu ấn trong lòng bạn đọc. Đằng sau những tác phẩm được ra mắt lần này là hình ảnh một người phụ nữ nhìn về xa xăm, với những suy tư, trăn trở, khát vọng về cuộc đời, con người, và nhất là những người phụ nữ. Chia sẻ với Thời Nay, chị Như Bình cho biết, thông điệp lớn nhất muốn gửi tới độc giả đó chính là về tình yêu thương giữa người với người, “nếu không có tình yêu thương thì mọi thứ sẽ rất nguy hiểm”, chị nói.

Đằm thắm, đôn hậu hai “người phụ nữ thơ” ảnh 1

Nhà thơ Nông Thị Hưng trong tình cảm ấm áp của bạn bè, đồng nghiệp.

Giữa lòng phố thị, mơ miền núi cao

Tại địa chỉ văn hóa Tổ chim xanh, ngõ 27 phố Đặng Dung, Hà Nội, những người bạn thơ, văn của nhà thơ Nông Thị Hưng đã đắm mình cùng các vần thơ được cất lên từ miền núi rừng Yên Thế (Bắc Giang). Qua 86 bài thơ, người đọc cảm nhận được rõ nét sức sống bền bỉ, tình yêu trong trẻo, khát vọng mãnh liệt và tâm hồn đa cảm của người đàn bà xóm núi La Xa. Lẩn khuất trong từng con chữ là gió núi, mây ngàn, là cảnh sắc quê hương, là tình người của đồng bào dân tộc Tày đôn hậu. Nhà thơ Mai Nam Thắng đã chia sẻ: “Đây là một bước tiến lớn, là tập thơ “lột xác” của Nông Thị Hưng, chuyên nghiệp và đậm đà bản sắc”.

Sau hơn 15 năm bươn chải tại Thủ đô, Nông Thị Hưng đã chiêm nghiệm nhiều góc cạnh cuộc đời, chia ly và gặp gỡ nhiều số phận, lắng lòng mình lại cùng biết bao xúc cảm từ miền cao Yên Thế đến phố xá phồn hoa. Có nhiều đêm, trong giấc mơ, chị thấy rừng, thấy muôn ngàn cây cỏ vây quanh mình, chị cảm nhận được thứ tình cảm sao mà thân thương lắm. Chị khóc ngay trong cơn mơ và tỉnh giấc, vậy là chị đặt bút và viết một bài thơ.

Sau nhiều cuộc thay da đổi thịt, dù số phận con người đẩy đưa và phố thị mở ra cho chị nhiều cơ hội đắt giá thì “tôi vẫn luôn nhớ mãi những đêm trời giông, đất đá lăn xuống khe núi vọng lại những thanh âm lạ kỳ và bổi hổi bồi hồi lắm, những thanh âm ấy khắc sâu vào trong lòng chị như một lời nhắc nhớ về quê hương. Để mỗi khi cầm bút, quê hương cứ thế tuôn chảy dạt dào trong thơ mình”, nhà thơ Nông Thị Hưng xúc động chia sẻ.

Văn hóa dân tộc có lẽ đã ngấm sâu vào bên trong con người của nhà thơ Nông Thị Hưng, vậy nên dù thời gian khuất lấp, “sợi tơ văn hóa” ấy vẫn được gìn giữ vẹn nguyên mọi giá trị vững bền. Để khi đọc từng áng thơ, người đọc cảm nhận rằng: “thơ chị có lẽ cũng như con người chị, chẳng nằm yên trên trang giấy mà phải bay bổng trong từng điệu sli mộc mạc theo chân đồng bào lên rẫy. Muốn hiểu thơ chị, phải hiểu được văn hóa người Tày, phải thấm nhuần từng câu nói, câu hát, dáng đi, dáng đứng hay cách mà đồng bào chung sống với nhau”, nhà thơ Phạm Thanh Khương chia sẻ.

Sự bừng nở của đóa hoa thơ Nông Thị Hưng hôm nay là thành quả của quá trình dài ươm mầm, ủ giữ, chờ ngày bứt phá mạnh mẽ để được sống một cuộc đời tràn trề mơ ước, lãng mạn và hiến dâng. Qua con chữ, vần thơ của mình, nhà thơ bày tỏ mong muốn “có thể mang tiếng nói của người Tày vang xa hơn, trong thanh hơn như mây ngàn, gió núi”, như tấm lòng và trách nhiệm của một người con muốn đóng góp, dựng xây quê hương.