Ra mắt tòa soạn hội tụ và hệ sinh thái báo chí số

Đó là sự kiện của báo Kinh tế & Đô thị, cơ quan ngôn luận của UBND thành phố Hà Nội, vừa diễn ra, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội. Cùng với đó là nhiều báo bạn ở trung ương và các tỉnh như một cuộc tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm phát triển, số hóa hoạt động báo chí.
0:00 / 0:00
0:00
Ra mắt tòa soạn hội tụ và hệ sinh thái báo chí số

Được UBND thành phố Hà Nội giao thí điểm mô hình chuyển đổi số trong quản lý, điều hành cơ quan; ứng dụng các giải pháp công nghệ, trí tuệ nhân tạo AI, chatbot, thực tế ảo…, thời gian qua, báo Kinh tế & Đô thị đã xây dựng và triển khai Đề án chuyển đổi số của báo giai đoạn 2023-2025 và định hướng đến năm 2030. Hiện nay, tờ báo này đã phát triển phần mềm quản lý trên một hệ thống CMS; sẽ xuất bản được đa nền tảng tích hợp báo in, báo điện tử và chuyên trang điện tử có nhiều tính năng công nghệ. Qua đó, phóng viên, biên tập viên và quản lý có thể chỉnh sửa, xuất bản nội dung trên cả báo in, báo điện tử, chuyên trang điện tử, hệ sinh thái số - YouTube, Facebook, Twitter, Zalo từ một giao diện và một tài khoản đăng nhập, hỗ trợ đa ngôn ngữ, đa định dạng và khả năng tùy biến cao.

Theo Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 4/2023, mục tiêu đến năm 2025, 80% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, phù hợp với sự phát triển khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới; sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. Mục tiêu đến năm 2030, con số trên sẽ là 100% cơ quan báo chí.

“Huyền thoại tuổi thanh xuân”

Đạo diễn Lê Quý Dương vừa truyền tải câu chuyện 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc thành tác phẩm sân khấu “Huyền thoại tuổi thanh xuân”. Tác phẩm vừa thể hiện vào ngày 19 và 20/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội.

10 thanh niên xung phong từng được nhắc tên một cách trân trọng và biết ơn. Việc tìm những người thật ngoài đời để vào vai họ không đơn giản. Đạo diễn đã tuyển chọn 10 nữ diễn viên một cách gắt gao và kiên định để vào vai của 10 cô gái Đồng Lộc. Trước hết có nét giống về diện mạo, nhân dáng và hơn thế, có tính cách và cảm xúc giống với nhân vật.

“Huyền thoại tuổi thanh xuân” gồm 9 cảnh. Thông điệp của cảnh cuối cùng là “Sống một đời đáng sống” nhắc nhớ khoảnh khắc 16 giờ 40 phút ngày 24/7/1968, 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh. Những câu thơ chứa đựng nhiều cảm xúc khép lại chương trình khiến khán giả nghẹn ngào: “Cúc ơi! Em ở đâu! Đất nâu lạnh lắm/Da em xanh! Áo em thì mỏng/Cúc ơi! Em ở đâu! Về với bọn anh/Tắm nước sông Ngàn Phố! Ăn quýt đỏ Sơn Bằng! Chăn trâu cắt cỏ/Bài toán lớp năm em còn chưa nhớ/Gối còn thêu dở! Cơm chiều chưa ăn/Ở đâu hỡi Cúc ơi! Đồng đội tìm em/Đũa găm cơm úp! Gọi em! Gào em! Khản cả cổ rồi! Cúc ơi!”.