Những bông hoa từ tàn tích

“Ký ức Khe Sanh” (NXB Thuận Hóa) là những trang viết từ cuộc thi cùng tên do Quỹ phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị (Trang Thông tin điện tử Xanh Ewec) phối hợp UBND huyện Hướng Hóa tổ chức nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa (9/7/1968-9/7/2023).
0:00 / 0:00
0:00
Những bông hoa từ tàn tích

Thành công ngoài mong đợi, đó là những trang viết thấm đẫm tình yêu thương của các tác giả khắp mọi miền Tổ quốc đối với mảnh đất và con người Khe Sanh - Hướng Hóa anh hùng. Có khi, người đọc suốt 320 trang sách vẫn không nhận thấy tiếng súng, tiếng bom… nhưng âm ỉ trong nó là những mất mát, được ghi lại bởi những vết dấu một thời rực lửa. Đồng thời, đó là những đóa hoa được nở ra từ khói lửa, từ sự hun đúc của con người, của những tác giả như Nguyễn Hữu Quý, Võ Văn Luyến, Phạm Xuân Hùng, Phạm Xuân Dũng, Bội Nhiên, Đào Tâm Thanh, Hồ Nguyên Kha, Hoàng Công Danh, Lâm Hạnh, Bùi Đức Tú, Bùi Đức Nghĩa, Kô Kăn Sương, Công Điền, Công Sang, Phan Liên…

Thiên bút ký “Sử thi ở miền mây trắng” của Phạm Xuân Hùng là hồi ức về những ngày người dân vùng đồng bằng huyện Triệu Phong lên làm kinh tế mới với nhiều khó khăn, gian khổ ở Hướng Hóa. Đó cũng là hồi ức về Chiến thắng đường 9 Khe Sanh của hơn nửa thế kỷ trước. Những đổi thay ngoạn mục sau chiến tranh, đường 9 khói lửa này là đường xuyên Á; Khe Sanh sặc thuốc súng này trở thành thị trấn sầm uất Lao Bảo.

Bút ký “Đường đến đô thị vàng” của tác giả Nguyễn Thị Bội Nhiên đầy chất thơ viết về đô thị vàng Lao Bảo ở biên giới Việt Lào và vùng đất đỏ bazan Khe Sanh đậm bản sắc văn hóa của người Pa Cô, Vân Kiều: “Vàng ở Khe Sanh, Hướng Hóa không ở trên cổ những người phụ nữ mà ở trong đất bazan giản dị, trong bảng lảng sương mù, trong nắng vàng óng, trong ngọn gió thung thăng, trong những cơn mưa Đông - Tây Trường Sơn, trên những con đường vinh quang và duyên dáng”.

Những bài viết đậm chất du lịch, văn hóa lịch sử của địa phương với mong muốn làm sao để kinh tế du lịch vùng đất giàu tiềm năng Khe Sanh phát triển như tác phẩm “Khe Sanh, máy ảnh và thông điệp “đi để chữa lành” của Lâm Hưng Tình; “Hướng đi mới của du lịch miền Tây Quảng Trị” của Yên Mã Sơn; “Sa Mù, bông trời bay trắng cả rừng cây” của Hoàng Công Danh…

Phần lớn nội dung tái hiện lại lịch sử hào hùng của vùng đất Khe Sanh và làm nổi bật những thành tựu sau hơn nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển, đã khắc họa hình ảnh quê hương, con người Hướng Hóa từ thầy giáo cắm bản với nhiều sáng kiến đến vị y, bác sĩ trong điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu vẫn đổi mới, sáng tạo để giúp đồng bào mình... Ấn phẩm “Ký ức Khe Sanh” là tình cảm của những người con quê hương Hướng Hóa, của Quảng Trị và những người yêu Khe Sanh trên khắp cả nước gửi gắm.