Viết tiếp câu chuyện Di chỉ Vườn Chuối

Ngày 18/10, tại Di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối - thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, đoàn công tác khai quật khảo cổ học đã báo cáo sơ bộ những kết quả khai quật Di chỉ Vườn Chuối với những phát hiện quan trọng, gợi mở hướng phát triển tiếp theo.
Khai quật di dời Di chỉ Vườn Chuối để xây dựng đường vành đai 3.5.
Khai quật di dời Di chỉ Vườn Chuối để xây dựng đường vành đai 3.5.

Nhiều phát hiện mới quan trọng

Từ cuối tháng 3, Viện Khảo cổ học đã phối hợp Bảo tàng Hà Nội, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội và các cơ quan liên quan khai quật tại phía tây gò Vườn Chuối với tổng diện tích 6.000 m2. Cụm Di chỉ Vườn Chuối thuộc thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức được phát hiện từ năm 1969 và đã qua 10 lần khai quật. Sau lần khai quật thứ 10, năm 2020, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã đề xuất thành phố và các bộ, ngành liên quan cho bảo tồn 6.000 m2 phía đông di tích làm Công viên Di sản văn hóa và khai quật di dời diện tích 6.000 m2 phía tây di tích để giải phóng mặt bằng xây dựng tuyến đường vành đai 3.5. Phương án được thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận, năm 2023. Trong đợt khai quật lần thứ 11 này đã có 60 hố được “mở”, mỗi hố diện tích 100 m².

Cuộc khai quật quy mô lớn lần này đã phát hiện mặt bằng khu cư trú từ thời tiền Đông Sơn; phát hiện khu mộ táng quy mô lớn, có niên đại kéo dài hơn 2.000 năm từ giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm đến giai đoạn muộn của văn hóa Đông Sơn. Những dấu tích vật chất của công trình kiến trúc liên quan đến nhà ở của người Đông Sơn cũng lần đầu được tìm thấy tại Vườn Chuối. Đây là những phát hiện quan trọng trong việc nghiên cứu Thời đại kim khí ở khu vực miền bắc Việt Nam.

Viết tiếp câu chuyện Di chỉ Vườn Chuối ảnh 1

Mộ táng văn hóa Đồng Đậu, đồ tùy táng có hoa văn sóng nước.

Khoảng 3.500 năm trước, đã có lớp cư dân đầu tiên cư trú ở khu vực này. Sự hiện diện một điểm quần cư quy mô lớn và có niên đại kéo dài như ở Vườn Chuối là rất hiếm, cho những hiểu biết rõ hơn về cách thức xử lý các không gian cư trú, phần nào phản ánh về một xã hội có tổ chức và có phân công lao động. Cuộc khai quật đã phát hiện một khu mộ táng từ thời tiền Đông Sơn rất tập trung, có niên đại dài tới hơn 2.000 năm, trong đó phát hiện 70 mộ táng tiền Đông Sơn và 40 mộ táng Đông Sơn. GS Lâm Mỹ Dung, Trường đại học KHXH&NV Hà Nội - người nhiều lần khai quật Di chỉ Vườn Chuối, nhận xét: “Hệ thống di cốt trong các mộ táng thuộc các giai đoạn khác nhau vẫn còn được bảo tồn khá tốt, hứa hẹn sẽ đưa đến những hiểu biết sâu hơn khi nghiên cứu về nhân chủng học, về tập tục... của cư dân cổ. Qua nghiên cứu sâu các di cốt có thể thu được những tri thức về gien của người tiền Đông Sơn để tìm mối liên hệ với gien người Việt hiện nay. Ngoài ra còn có thể nghiên cứu tập tục mai táng, nghiên cứu liên ngành về môi trường sống, về dinh dưỡng, về sức khỏe, bệnh lý... để có cái nhìn rõ ràng hơn về người xưa”.

Qua đợt khai quật này, lần đầu tiên các nhà khoa học đã thấy rõ diện mạo của một ngôi làng qua các thời kỳ tiền sử, bước đầu nhận diện cách thức tạo dựng nền nhà, móng cột và mường tượng về người Đông Sơn cư trú trong các ngôi nhà dài tương tự như những ngôi nhà dài của một số tộc người Trường Sơn - Tây Nguyên vẫn còn sử dụng cho đến gần đây.

Phát hiện này mở ra triển vọng mới về việc nghiên cứu tìm hiểu kiến trúc nhà ở trong một ngôi làng cổ thời Đông Sơn, cũng như cách thức bố trí không gian cư trú trong làng.

Giá trị được khẳng định và câu chuyện còn tiếp tục

GS Lâm Mỹ Dung cũng đánh giá: “Trong tình trạng đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, các tài nguyên khảo cổ đã bị mất mát quá nhiều, đặc biệt là khu vực Hà Nội. Vườn Chuối như một điển hình của việc chúng ta đã cố gắng giữ và đã giữ lại được một di chỉ quý. Trong thời gian tới, việc chỉnh lý, nghiên cứu chuyên sâu các di tích, các di vật hứa hẹn sẽ thu được thêm nhiều dữ liệu quan trọng, chứng minh giá trị của di chỉ khảo cổ học này”.

Với những kết quả khai quật và nghiên cứu mới, các nhà khoa học đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, UBND thành phố Hà Nội đẩy nhanh việc công nhận Di chỉ Vườn Chuối là Di tích khảo cổ học cấp thành phố. Sau khi được công nhận, di tích quý này sẽ được bảo vệ theo Luật Di sản văn hóa và cần có kế hoạch để bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị. Di chỉ Vườn Chuối hứa hẹn sẽ là địa chỉ nghiên cứu, tham quan của nhiều nhà khoa học và công chúng quan tâm đến lịch sử - văn hóa.

Là một người dân Lai Xá, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá - bảo tàng làng nghề của cộng đồng đầu tiên trên cả nước, cũng là người nhiệt tình đồng hành bảo vệ Di chỉ Vườn Chuối hàng chục năm qua cho biết: “Chúng tôi rất tự hào về Vườn Chuối. Di chỉ nằm trên mảnh đất quê hương chúng tôi đã được các nhà khoa học khẳng định giá trị có một không hai và chúng tôi muốn giới thiệu, phát huy những giá trị này. Chúng tôi cũng mong muốn công viên văn hóa - lịch sử trong phần 6.000 m² Di chỉ Vườn Chuối đã được thành phố giữ lại sớm được quan tâm đầu tư xây dựng để Hà Nội cũng như cả nước biết thêm về di chỉ khảo cổ độc đáo trên quê hương Lai Xá”.