Đa dạng hóa nguồn vốn và hình thức đầu tư

Chú trọng chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); sớm ban hành tiêu chí môi trường và xác nhận đối với các dự án xanh... là những vấn đề giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Trong cuộc trao đổi cùng Nhân Dân cuối tuần, TS Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, thẳng thắn chỉ ra những điểm cốt yếu nhằm hiện thực hóa những cam kết về Net Zero.
0:00 / 0:00
0:00
TS Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường
TS Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường

- Trong quá trình giảm phát thải, Việt Nam vẫn đang loay hoay với câu chuyện kiểm kê khí nhà kính. Chúng ta cần làm gì để tháo gỡ khó khăn này?

- Ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, bao gồm 1.912 doanh nghiệp. Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp này phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính từ năm 2022, bắt đầu cho năm 2024 và sau đó cứ hai năm một lần.

Trên thực tế, công tác kiểm kê khí nhà kính ở Việt Nam mới chỉ được thực hiện ở cấp quốc gia, một số địa phương (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…) và hầu như chưa được thực hiện ở cấp doanh nghiệp. Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, cần thực hiện một số biện pháp sau đây:

Thứ nhất, tích cực tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, kiến thức cho các doanh nghiệp về các quy định pháp luật về kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính.

Thứ hai, cần phải xây dựng và ban hành các hướng dẫn kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải và kiểm kê khí nhà kính.

Thứ ba, cần tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn về hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính sâu rộng đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

Thứ tư, cần triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho các đơn vị tư vấn kiểm kê phát thải khí nhà kính cũng như đào tạo và cấp chứng nhận cho các tổ chức, cá nhân thẩm tra kết quả kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp.

Thứ năm, cần tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Theo đó, cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các hệ số phát thải đặc trưng; xây dựng và áp dụng các công cụ trực tuyến tính toán phát thải khí nhà kính để doanh nghiệp có thể tự kiểm kê. Xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống báo cáo trực tuyến, qua đó các doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng bảo mật và an toàn.

- Theo ông, đâu là hướng đi phù hợp để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn vào công nghệ, qua đó tăng tốc giảm phát thải?

- Một trong những lĩnh vực trọng tâm là phải chuyển đổi năng lượng theo hướng giảm điện than, phát triển các nguồn điện từ năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg. Do đó, cần triển khai thực hiện các giải pháp tạo nguồn vốn và huy động vốn đầu tư cho chuyển đổi năng lượng, bao gồm: Nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn; đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn; đa dạng hóa hình thức đầu tư (nhà nước, tư nhân, PPP...); phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, thu hút mạnh khu vực tư nhân trong và ngoài nước; khuyến khích người dân và doanh nghiệp đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà, nguồn điện tự sản, tự tiêu; Tăng cường kêu gọi, sử dụng có hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế, đặc biệt cần triển khai thành công Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với 15,5 tỷ USD đã được cam kết.

Về chính sách ưu đãi, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tín dụng xanh và trái phiếu xanh. Theo đó, các dự án đạt các tiêu chí xanh, bao gồm giảm phát thải khí nhà kính, đều được vay vốn ưu đãi từ nguồn tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh. Vì vậy, cần sớm ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với các dự án xanh để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.

Đa dạng hóa nguồn vốn và hình thức đầu tư ảnh 1
Các doanh nghiệp chú trọng đầu tư công nghệ giúp giảm phát thải

khí nhà kính. Ảnh: Thành Đạt

- Việt Nam đã đạt được những cột mốc gì và cần phải tăng tốc ra sao để hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thưa ông?

- Lộ trình đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã được phê duyệt tại Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022). Theo đó, phát thải khí nhà kính của Việt Nam sẽ đạt đỉnh vào năm 2035 ở mức 532,1 triệu tấn CO2 tương đương, sau đó sẽ giảm nhanh; đến năm 2050, tổng mức phát thải còn khoảng 185 triệu tấn, tương đương với mức hấp thụ.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được một số kết quả về giảm phát thải khí nhà kính, tiêu biểu là đã giảm 14,34 cường độ phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP cho giai đoạn 2010-2020, qua đó, làm chậm lại tốc độ gia tăng phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng đã đạt nhiều kết quả trong giảm tối đa các chất làm suy giảm tầng ozone, tuân thủ cam kết quốc tế. Chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực chống mất rừng, suy thoái rừng và bảo tồn đa dạng sinh học (REDD+) tiếp tục được thực hiện. Các hoạt động tiết kiệm năng lượng đã được triển khai thực hiện mạnh mẽ ở các ngành giao thông vận tải, sản xuất vật liệu xây dựng. Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ tiết kiệm năng lượng giai đoạn 2011-2015 đạt 5,65%, cao hơn tỷ lệ 3,4% của giai đoạn 2006-2010. Điện mặt trời, điện gió có bước phát triển mạnh mẽ.

Trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cần phải: tích cực giảm phát thải khí nhà kính từ các hoạt động kinh tế-xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP); tăng các bể hấp thụ, bể chứa carbon thông qua bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái rừng, biển và đất ngập nước.

- Cuối cùng, chúng ta cần xây dựng chế tài gì để xử lý những doanh nghiệp còn chậm trễ trong việc giảm phát thải khí nhà kính gây ô nhiễm môi trường?

- Đối với hành vi phát thải khí nhà kính, do đây là quy định mới nên các chế tài xử lý các doanh nghiệp vi phạm chưa nhiều. Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp vi phạm sẽ bị mức phạt tiền cao nhất từ 30-50 triệu đồng đối với các hành vi như: Không lập báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo quy định; Không lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính theo quy định; Thẩm định báo cáo không đúng lĩnh vực đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

Đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường, các chế tài xử phạt vi phạm đã được xây dựng đầy đủ, chi tiết, cụ thể hơn theo các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 và Nghị định số 45/2022/NĐ-CP. Theo đó, chế tài xử phạt có thể lên tới 10 năm tù đối với vi phạm hình sự và 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức trong các vi phạm hành chính.

Thời gian tới, cần tiếp tục sửa đổi các biện pháp chế tài theo hướng: nâng cao mức phạt đối với các vi phạm; xây dựng các hình thức xử phạt bổ sung như không cho tiếp cận ưu đãi, hỗ trợ, tín dụng xanh, trái phiếu xanh…; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để cộng đồng biết.

- Xin cảm ơn TS Nguyễn Trung Thắng!