Nâng cao năng suất lao động bằng khoa học - công nghệ

Tại diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024 do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiếp tục kiến nghị Chính phủ xây dựng lộ trình giảm thời gian làm việc của doanh nghiệp (DN) từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và tiến tới 40 giờ/tuần. Năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam hiện nằm trong nhóm thấp so với các nước trong khu vực, trong khi số giờ làm việc lại thuộc nhóm cao.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động mong muốn có việc làm ổn định để bảo đảm cuộc sống. Ảnh: BẮC SƠN
Người lao động mong muốn có việc làm ổn định để bảo đảm cuộc sống. Ảnh: BẮC SƠN

Đề xuất nêu trên liệu có phù hợp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam cần phải giữ tính cạnh tranh vừa để thu hút đầu tư, vừa bảo đảm người lao động (NLĐ) có thêm thời gian sắp xếp công việc gia đình, chăm sóc con cái và nghỉ ngơi tái tạo sức lao động.

“Giảm giờ làm nhưng điều kiện lao động của NLĐ không được cắt giảm!”

Từ năm 1999 thời gian làm việc của khu vực nhà nước là 40 giờ/tuần và 8 giờ/ngày, còn thời gian làm việc ở khối doanh nghiệp tư nhân hiện là 48 giờ/tuần. Mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tiếp tục kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng lộ trình giảm giờ làm việc trong tuần của lao động ở khu vực tư nhân từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần và 40 giờ/tuần.

Đây là lần thứ hai Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị vấn đề này trong vòng nửa năm qua và xa hơn là từ năm 2019, khi Quốc hội sửa đổi Bộ luật Lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam và một số đại biểu quốc hội đã đề xuất vấn đề này. Theo Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua năm 2019 và có hiệu lực từ năm 2021, giờ làm việc bình thường của NLĐ không quá 8 giờ/ngày và 48 giờ/tuần. Nhà nước đang khuyến khích DN thực hiện làm việc 40 giờ/tuần với NLĐ, giờ làm thêm không quá 40 giờ/tháng, không quá 200 giờ/năm. Một số ngành nghề có thể làm thêm nhiều nhất là 300 giờ/năm.

Đề xuất giảm giờ làm được phần lớn NLĐ hưởng lương theo thời gian ủng hộ. Nhưng những lao động ăn lương theo sản phẩm thì lại mong muốn được tăng lương hơn là giảm giờ làm. Chính vì thế, Nhà nước phải giới hạn số giờ làm thêm tại một số ngành nghề không quá 300 giờ/năm so với đề xuất trước đây là 400 giờ/năm. Thực tế cho thấy, mức lương thấp nên một bộ phận NLĐ và DN mới muốn duy trì thời gian làm việc 48 giờ/tuần và tăng giờ làm thêm.

Tại Công ty CP May và thương mại Mỹ Hưng (huyện Mỹ Hưng, Hưng Yên), NLĐ đang làm việc 48 giờ/tuần và tuần làm 6 ngày theo quy định của Bộ luật Lao động. Nếu giảm giờ làm xuống còn 44 giờ/tuần đồng nghĩa thu nhập của NLĐ sẽ bị ảnh hưởng nhiều, khó bảo đảm cuộc sống. Anh Lê Văn Ba, công nhân phân xưởng cắt cho biết: “Tôi là lao động chính trong gia đình, khi nhà máy có đơn hàng, tôi đều đăng ký làm thêm giờ để có thêm thu nhập. Nay nếu giảm giờ làm xuống 5 ngày/tuần thì có nghĩa, sản phẩm của tôi sẽ giảm, thu nhập giảm nên khó bảo đảm cuộc sống của cả gia đình”.

Còn chị Hà Thị Thư, công nhân phân xưởng may nói: “Dịch Covid-19 vừa qua, chúng tôi phải nghỉ làm. Dạo mới đi làm thì công việc cũng phập phù vì đơn hàng không nhiều. Mới đây, nhà máy có đơn gia công trở lại, tất cả công nhân cũng muốn làm thêm giờ để vừa bảo đảm tiến độ trả đơn hàng cho nhà máy, vừa có thêm thu nhập. Nếu đơn hàng trả đúng hạn, chúng tôi hy vọng có thêm đơn hàng mới. Có vậy, công việc mới ổn định”.

Đại diện Công ty CP May và thương mại Mỹ Hưng cũng đồng tình: “Nếu giảm giờ làm việc xuống, không chỉ NLĐ gặp khó khăn mà DN cũng rất khó xoay xở. Bởi lẽ, trong bối cảnh năng suất lao động còn thấp cần duy trì giờ làm việc chính thức như hiện tại và việc nghỉ ngày thứ bảy lúc này chưa hợp lý. Nếu giảm giờ làm sẽ khiến chi phí lao động tăng cao và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của cả nền kinh tế”. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: “Cả một thời gian dài, các DN dệt may đều sống “cầm cự” vừa vì dịch bệnh, vừa vì kinh tế thế giới suy thoái. Nay có đơn hàng là may mắn lắm nên phải làm thôi, chưa dám nghỉ đến nghỉ hay giảm giờ làm. Nếu một tuần làm việc 40 giờ thì không đủ để khấu hao, không đủ tiền để chi trả cho NLĐ”.

Tại diễn đàn Nâng cao năng suất lao động quốc gia năm 2024, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, các cơ quan nhà nước được nghỉ cả ngày thứ bảy mà DN không được nghỉ là không công bằng. Việt Nam hiện đang là một trong những nước có giờ làm chính thức cao thuộc hàng đầu thế giới. Do đó, Tổng LĐLĐ đề nghị giảm giờ để NLĐ có điều kiện tái tạo, phục hồi sức lao động.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách - pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Xã hội của Việt Nam chúng ta đã có những thành tựu nhất định, NLĐ cũng cần phải được hưởng và cần có một lộ trình. Tất nhiên giảm giờ làm nhưng điều kiện lao động của NLĐ không được cắt giảm”.

Nâng cao năng suất lao động bằng khoa học - công nghệ ảnh 1

Máy móc trang thiết bị giúp năng suất lao động tăng. Ảnh: SONG ANH

Tăng cường ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo

Thực tế cho thấy, cho dù Bộ luật Lao động khuyến khích tuần làm việc 40 giờ/tuần, tức là 5 ngày/tuần nhưng ít DN thực hiện quy định này. Nhiều DN cùng có chung quan điểm: “Do NSLĐ của Việt Nam còn thấp nên số giờ lao động của chúng ta phải cao”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Viện trưởng Năng suất Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ giải thích: NSLĐ vốn được giải thích là 1 sản phẩm/đơn vị thời gian nhưng theo cách tiếp cận mới của thế giới, họ tính là tỷ số giữa đầu ra (sản phẩm làm ra được) trên 1 đơn vị đầu vào. Nói về NSLĐ cũng có nhiều mức khác nhau, như NSLĐ xã hội, NSLĐ DN, NSLĐ ngành và cách đo cũng khác nhau. Hiện nay trong khu vực, NSLĐ của chúng ta vẫn thấp. Nếu so sánh với các nước như Singapore, Malaysia, NSLĐ của Việt Nam là thấp.

Ông Lâm cho rằng, về NSLĐ trong xã hội có nhiều yếu tố tác động tới, đó là lao động, chất lượng vốn và KHCN. Như vậy, để tăng NSLĐ phải hướng tới phải làm sao tăng yếu tố KHCN và giảm yếu tố về lao động, về chất lượng của vốn. “Cho nên tăng chất lượng lao động lên tức là hiệu quả sử dụng lao động tốt lên và NSLĐ nói chung sẽ tăng lên. Đó là yếu tố mà chúng ta cần phải tính toán để cố gắng thực hiện được. Đối với NLĐ, việc sử dụng các ứng dụng KHCN, tri thức để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn nữa, nếu như đạt được việc đó, thời gian làm việc cũng sẽ giảm đi thì sẽ cân bằng được mối quan hệ giữa lợi ích của DN và mong muốn của NLĐ”.

Hiện nay nhiều ý kiến DN cho rằng, nếu chúng ta giảm giờ làm việc sẽ đồng nghĩa với việc DN tuyển thêm LĐ, từ đó tăng chi phí, tác động trở lại là NLĐ có thể bị giảm thu nhập. Do đó, có nhiều đề xuất, khi đất nước còn khó khăn thì chưa nên giảm giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần. Dựa trên những yếu tố về KHCN, TS Nguyễn Tùng Lâm, Viện trưởng Năng suất Việt Nam nhận định, góc độ nhìn nhận vấn đề tăng NSLĐ cần phải nhìn rộng hơn. Đó là việc ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo sao cho hiệu quả để giúp giá trị gia tăng tăng lên, NSLĐ tăng lên.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, để đề xuất giảm giờ làm việc đi vào thực tế, phải chuẩn bị rất nhiều điều kiện như nâng mặt bằng tiền lương cho NLĐ, thu nhập cho NLĐ hoặc cải thiện NSLĐ. Tăng NSLĐ có liên quan đến nhiều khía cạnh. Thí dụ, an sinh xã hội, môi trường làm việc, thể chế chính sách đối với NLĐ và vai trò của tổ chức công đoàn… Bên cạnh đó, có một vấn đề rất quan trọng, đó là hiệu quả và áp dụng được công nghệ. Có một tín hiệu vui là hiện nay, nhiều chương trình của Chính phủ đã tập trung vào giải quyết vấn đề nâng cao NSLĐ, như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao NSLĐ ở những ngành kinh tế trọng điểm, hay Kế hoạch tổng thể phát triển năng suất dựa trên KHCN, đổi mới sáng tạo… Đây là những giải pháp căn cơ giúp nâng cao NSLĐ từ phát triển KHCN.

Việc có giảm giờ làm hay không là chủ đề được NLĐ, DN quan tâm. Nếu nước ta giảm giờ làm trong khu vực DN khi mà NSLĐ còn thấp sẽ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của DN và nền kinh tế. Bởi thực tế cho thấy, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn khá thấp, thiếu ổn định trong khi NSLĐ chưa được cải thiện, nên lo lắng của DN về tăng giá nhân công, giảm năng lực cạnh tranh nếu giảm giờ làm xuống 44 giờ/tuần là có sơ sở. Đấy cũng là mục tiêu để xây dựng một xã hội và một nền kinh tế phát triển bền vững, lấy yếu tố con người làm trung tâm.