Thúc đẩy xu hướng giao dịch điện tử

Nửa đầu năm 2024, thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục phát triển vượt bậc. Theo số liệu của Công ty phân tích thị trường Metric, đà tăng trưởng hơn 54% cả về doanh số và sản lượng so với 6 tháng đầu năm 2023. Trong 6 tháng, người dùng Việt đã chi tổng cộng 143.900 tỷ đồng để mua sắm trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
0:00 / 0:00
0:00

Tính từ thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề do việc hạn chế đi lại trong đại dịch Covid-19, người dân bắt đầu có xu hướng chuyển dần thói quen mua sắm. Trước năm 2019, thương mại điện tử đã có nền móng vững chắc nhưng chưa bao giờ thăng tiến vượt bậc như hiện tại. Các sàn thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop... phát triển chóng mặt, thể hiện sự thích nghi nhanh chóng của doanh nghiệp đối với thói quen mới của người dùng.

Gần 150 nghìn tỷ đồng là con số vô cùng lớn trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, vì điều đó mà cho rằng người Việt đang giàu lên quá nhanh sẽ là chủ quan. Rất có thể người tiêu dùng tăng mua qua thương mại điện tử nhưng lại giảm mua bán trực tiếp. Giao dịch trên sàn điện tử đang tạo nên những điểm tích cực hơn nhiều. Đó là một thói quen lành mạnh, không dùng tiền mặt.

Việt Nam thuộc trong nhóm nước vẫn còn thanh toán nhiều bằng tiền mặt. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nạn tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng vặt. Bên cạnh đó, tiền mặt cũng tạo tiền đề cho cả sự phát triển kinh tế ngầm, những giao dịch trốn thuế, buôn bán gian lận…

Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ quyết định phê duyệt ngày 28/10/2021, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP. Chính phủ cũng đề ra mục tiêu tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh internet đạt 35%-40%/năm.

Đại dịch Covid-19 để lại những hậu quả nặng nề, thế nhưng cũng mang đến những điều tích cực. Thúc đẩy xu hướng giao dịch điện tử, giao dịch không dùng tiền mặt vô hình trung cũng thúc đẩy xu hướng minh bạch hóa cho nền kinh tế lẫn xã hội. Xét cho cùng, nếu coi dịch bệnh là một yếu tố tất yếu của cuộc sống, thì minh bạch hóa cũng sẽ là yếu tố tất yếu của một xã hội phát triển. Nó chỉ đến sớm hay muộn do một số điều kiện thích hợp.