Hướng đến kịch bản tăng trưởng cao

Sau kết quả cao hơn kỳ vọng trong quý II, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 lên 6,5 - 7% thay vì 6 - 6,5%.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, KCN Nội Bài, Sóc Sơn. Ảnh: NGUYỄN QUANG
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Rhythm Precision Việt Nam, KCN Nội Bài, Sóc Sơn. Ảnh: NGUYỄN QUANG

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 - 2024. Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020 - 2024.

6 yếu tố hỗ trợ tăng trưởng

Các động lực tăng trưởng từ phía cung tiếp tục chuyển biến tích cực. Khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ duy trì đà tăng khá. Khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi nhanh, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý II tăng 8,55%, tính chung 6 tháng tăng 7,54%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo quý II tăng 10,04%, tính chung 6 tháng tăng 8,67%. Tháng 6, có gần 23,3 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ.

Đồng thời, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực hơn. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II tăng 7,5% so với cùng kỳ; 6 tháng tăng 6,8%, trong đó đầu tư tư nhân tăng 6,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,8%). Tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng đạt gần 15,2 tỷ USD. Nhiều dự án FDI lớn trong các lĩnh vực bán dẫn, điện tử, năng lượng… được đầu tư mới và mở rộng tăng vốn.

Với kết quả này, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Bộ KH&ĐT đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng trình Chính phủ. Kịch bản 1: Tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng quý III là 6,5%, quý IV là 6,6% (kịch bản tại Nghị quyết số 01 là 6,7% và 7%). Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm đạt 7%, tăng trưởng quý III là 7,4%, quý IV là 7,6%, cao hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01 là 0,7% và 0,6%.

Tuy vậy, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5 - 7%, phấn đấu đạt mức cao 7%. Kiến nghị này dựa vào 6 yếu tố, gồm: xu hướng tăng trưởng tích cực từ các khu vực kinh tế; đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước phục hồi nhanh hơn, đầu tư FDI duy trì được đà tăng trưởng tích cực; duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn có dấu hiệu chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản...; du lịch và tiêu dùng tăng trưởng nhanh hơn, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế; các chính sách, quy định pháp luật mới chuẩn bị ban hành như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở có hiệu lực từ ngày 1/8 được kỳ vọng giúp thị trường bất động sản phục hồi, phát triển mạnh mẽ hơn; và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các địa phương đầu tàu kinh tế như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương...

Hướng đến kịch bản tăng trưởng cao ảnh 1

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II tăng 10,04%. Ảnh: NAM ANH

Rủi ro vẫn còn cao

Theo ông Paulo Medas, Trưởng đoàn Điều hành IV, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo sẽ phục hồi ở mức gần 6% trong năm 2024 được hỗ trợ bởi cầu bên ngoài tiếp tục mạnh mẽ, đầu tư trực tiếp nước ngoài ổn định và các chính sách nới lỏng hỗ trợ.

Trong nước, xuất khẩu gia tăng, hoạt động sản xuất đang phục hồi trở lại và Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đưa ra những chính sách hỗ trợ nền kinh tế, những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong năm 2024. Tuy vậy, những rủi ro vẫn còn cao như xuất khẩu, động lực chính của nền kinh tế Việt Nam, có thể yếu hơn nếu tăng trưởng toàn cầu không được như kỳ vọng, căng thẳng địa chính trị toàn cầu dai dẳng hoặc tranh chấp thương mại gia tăng. Ở trong nước, những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy yếu sự ổn định tài chính.

Với điều kiện tiền tệ nới lỏng, nếu áp lực tỷ giá hối đoái kéo dài lâu hơn, việc này sẽ dẫn đến tác động truyền dẫn lớn hơn đến lạm phát trong nước. “Do phục hồi kinh tế không đồng đều, các chính sách vẫn mang tính hỗ trợ cao trong năm 2024, nhưng có thể cần phải điều chỉnh để ứng phó với những rủi ro đối với triển vọng kinh tế”, ông Paulo Medas nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam cho rằng, vẫn có những rủi ro từ bên ngoài có thể làm chậm đà tăng trưởng. Thứ nhất, nhu cầu toàn cầu suy giảm do tăng trưởng toàn cầu chậm lại, đặc biệt ở các nước đối tác thương mại lớn của Việt Nam và căng thẳng chính trị trên thế giới vẫn còn tiếp diễn. Cả hai quá trình này sẽ làm chậm lại quá trình phục hồi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, tốc độ bình thường hóa lãi suất ở thị trường Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác sẽ tác động lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Thứ ba, tăng trưởng trong nước cũng phụ thuộc vào Chính phủ thực hiện hiệu quả các biện pháp hỗ trợ về tài khóa và đầu tư công. Trong khi đó, trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng chậm đã bộc lộ rủi ro về tính dễ đổ vỡ của cấu trúc nền kinh tế Việt Nam như phụ thuộc vào công nghiệp chế biến chế tạo và xuất khẩu của khối FDI, thị trường vốn còn non trẻ và sự phụ thuộc quá mức vào tín dụng ngân hàng. Nếu những rủi ro này được giải quyết kịp thời thì Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Về động lực tăng trưởng trong nửa cuối năm, ADB cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn được hỗ trợ ổn định của khu vực dịch vụ và phục hồi sản xuất. Trong đó, khối đầu tư nước ngoài (FDI) có hoạt động xuất khẩu tích cực kéo theo phục hồi sản xuất phục vụ xuất khẩu tích cực. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công vẫn là động lực chính của kinh tế Việt Nam. Trong những năm qua, dù Chính phủ có nhiều biện pháp chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư công, nhưng thực tế vẫn chậm hơn so với kế hoạch. Do đó, cần phải tiếp tục thúc đẩy động lực này mạnh mẽ hơn thì mới đóng góp tích cực hơn cho tăng trưởng.

Trong khi đó, bà Nguyễn Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt gần 7% với giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn và Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp cải cách và điều hành kinh tế, qua đó giúp đạt kết quả tốt nhất về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy vậy, kinh tế thế giới sẽ còn rất nhiều khó khăn, chắc chắn sẽ tác động tiềm tàng tới nền kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm cũng như những năm tiếp theo. Do đó, bên cạnh các động lực truyền thống thì Việt Nam phải nhanh chóng áp dụng các mô hình kinh tế mới như: kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ… để tận dụng tốt nhất các nguồn lực về trí tuệ, nguồn lực về không gian, trong bối cảnh nguồn lực về tài chính, nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn.