Biết ơn những đóng góp, hy sinh

Hướng đến kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ 27/7, nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đang diễn ra trên cả nước, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, các gia đình và thân nhân những người có công với cách mạng… Truyền thống đó đã trở nên nét đẹp hằng năm, trở thành nghĩa cử mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hướng về những con người ưu tú của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00

Những ngày này, các nghĩa trang liệt sĩ được dọn dẹp thêm trang trọng, chuẩn bị cho những lễ dâng hương thành kính. Các nhà bia liệt sĩ ở đình, chùa và đền liệt sĩ tại nhiều xã, phường được dâng hương hoa, đồ lễ, đón thân nhân liệt sĩ và khách thập phương thăm viếng. Các đoàn, tổ công tác đại diện chính quyền, đoàn thể đến thăm hỏi, tặng quà, động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công…

Cùng với các hoạt động quen thuộc thường niên đó, thời gian qua, xã hội ghi nhận nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, xã hội mang nhiều nét mới, giúp cho ý nghĩa Ngày Thương binh, liệt sĩ thêm lớn lao, thấm nhuần và lan tỏa. Các bảo tàng tổ chức trưng bày hiện vật, hình ảnh, những câu chuyện về liệt sĩ, thương binh qua các thời kỳ chiến tranh và thêm lan tỏa, mới mẻ nhờ công nghệ, mạng xã hội. Các chương trình nghệ thuật được địa phương, bộ, ngành, báo đài tổ chức với sự dàn dựng công phu; cùng với trình diễn ca, múa, nhạc là những phần tư liệu, nhân chứng chân thực, những nội dung trải nghiệm chân thật, chạm đến sự xúc động của khán giả. Các nhà xuất bản ấn hành những tác phẩm văn học, tranh truyện, tư liệu giàu giá trị thẩm mỹ và lịch sử đưa đến bạn đọc rộng rãi. Rồi những bộ phim điện ảnh, vở diễn, những thước phim tài liệu, phóng sự, những bài ca tiếp tục ra đời, tôn vinh các anh hùng, thương binh, liệt sĩ…

Thực tế sinh động đó càng nhắc nhở mỗi tổ chức, đoàn thể, cá nhân tham gia vào công tác đền ơn, đáp nghĩa không những duy trì bền bỉ, thiết thực hoạt động này mà cần biết sáng tạo, đổi mới để qua mỗi năm, dịp 27/7 lại càng thêm ý nghĩa. Thí dụ như việc tổ chức cho nhân dân chăm lo, vệ sinh các nghĩa trang, đền thờ, nhà bia liệt sĩ đã được tổ chức, nhưng cần hướng dẫn để các trường học, thanh thiếu niên luân phiên tham gia được nhiều hơn, thường xuyên hơn. Việc thăm, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được nhiều đoàn thể, nhà hảo tâm gánh vác, nhưng ngoài giá trị vật chất, thì cần nhiều hơn sự thăm hỏi, vỗ về thân mật, chân tình từ các nhà trường, thầy cô giáo, học sinh các địa phương. Rồi việc tư liệu hóa lịch sử chiến đấu, hy sinh, những chiến công và sự dâng hiến của nhiều thương binh, liệt sĩ ở các địa phương rất nên được thể hiện thành những nội dung dễ tiếp cận, nắm bắt, số hóa để quần chúng và thanh niên, học sinh quan tâm, ghi nhớ. Ngẫm ra, đó cũng là một cách để thanh niên, học sinh quan tâm hơn đến lịch sử dân tộc, đến truyền thống quê hương, đất nước. Ngay cả việc tăng cường mối liên kết, giao lưu giữa chính quyền, đoàn thể, cộng đồng, nhà trường với các đơn vị bộ đội trên các địa bàn cũng cần nâng cao, làm cho thiết thực hơn qua các hoạt động văn nghệ, thể thao, xã hội, từ thiện cụ thể. Đấy cũng là cách làm thiết thực để thế hệ trẻ thêm hiểu, trân trọng, biết ơn những đóng góp của người lính qua các thế hệ và trong thời bình hôm nay.

Nhớ ơn người có công, truyền thống đó cũng cần có sự đổi mới, sáng tạo cùng với thời cuộc, từ cái gốc của lòng tôn kính chân thành.