70 NĂM NGÀY KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH GENEVA VỀ ĐÌNH CHỈ CHIẾN SỰ Ở VIỆT NAM (21/7/1954-21/7/2024)

Sự kiện mang tầm vóc thời đại

Cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, việc đàm phán và ký kết Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 đã góp phần viết nên những trang vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày ký kết Hiệp định Geneva (21/7/1954-21/7/2024), Thời Nay đã thực hiện cuộc phỏng vấn về ý nghĩa của sự kiện.
0:00 / 0:00
0:00
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass (phải).
Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass (phải).

Sự kiện gây tiếng vang mạnh mẽ

Nhà văn, nhà nghiên cứu, học giả người Mỹ Lady Borton đã viết nhiều cuốn sách về Việt Nam. Sự đóng góp của bà cũng giúp giới thiệu thành công một số cuốn sách tiếng Việt tới độc giả Mỹ, trong đó có hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà Lady Borton sinh năm 1942 tại Thủ đô Washington D.C (Mỹ). Nhớ về thời điểm ký kết Hiệp định Geneva, bà vẫn còn ấn tượng: “Năm 1954, khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, tôi mới là cô bé 12 tuổi. Những gì tôi biết được về Việt Nam khi đó còn rất mơ hồ, một phần qua lời cha kể, phần khác là đọc từ báo chí. Sau này khi tìm hiểu, chuyển tới Việt Nam làm việc, rồi viết và dịch sách về Việt Nam, những ký ức đặc biệt về sự kiện ở Geneva dần rõ ràng và ảnh hưởng nhiều hơn trong cuộc đời tôi”.

“Ở thời điểm đó, không dễ dàng để có thể mường tượng chính xác về những gì đang diễn ra, nhất là lại ở một đất nước xa xôi như Việt Nam. Những gì tôi nhớ được, cùng với tư liệu sau này giúp tôi hiểu rõ đây là một sự kiện chấn động, được đăng tin hàng loạt trên các tờ báo và đài phát thanh. Dù họ nói rằng đó là một cuộc đàm phán ngoại giao kín đáo, trên thực tế, Hiệp định về Đông Dương (Hiệp định Geneva - PV) lại gây tiếng vang mạnh mẽ”, bà giải thích. Nhớ lại khi còn trẻ và có nhiều năm làm việc tại Việt Nam với vai trò là điều phối viên cho tổ chức Chữ thập đỏ, bà Lady Borton kể rằng luôn có một sự thôi thúc, mong muốn tìm hiểu về lịch sử, bối cảnh của đất nước mà bà gắn bó.

Cũng theo những nghiên cứu của riêng bà, nhiều học giả khác đều đồng ý rằng chiến dịch Điện Biên Phủ và quá trình đàm phán hiệp định đình chiến là sự kiện trọng đại mang tầm quốc tế. “Nhờ có Hiệp định Geneva, Mỹ đã mất thêm nhiều năm nữa đứng ngoài chờ đợi, phải trì hoãn những ý đồ của chính quyền Washington khi đó. Hiệp định ký khi đó còn mang ý nghĩa thời đại khi được coi là thắng lợi chung của ba nước Đông Dương gồm Việt Nam, Lào và Campuchia, cũng như của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới”, nữ văn sĩ chia sẻ.

Sự kiện mang tầm vóc thời đại ảnh 1

Bà Lady Borton (giữa) trong chuyến thăm Việt Nam.

Vai trò của thành phố Geneva

Đến từ Thụy Sĩ, đất nước mà LHQ đặt trụ sở tại Geneva và cũng là nơi đã chủ trì tổ chức Hội nghị năm 1954, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam Thomas Gass cho rằng, sự kiện cũng có ý nghĩa rất đặc biệt đối với Geneva. Ông nói: “Năm nay, Hiệp định Geneva kỷ niệm 70 năm ký kết rất có ý nghĩa, đặc biệt là trong thế giới rất phân cực ngày nay. Hội nghị cách đây 70 năm nhắc nhở chúng ta tầm quan trọng của việc cùng nhau đàm phán các hiệp định hòa bình. Chúng ta đoàn kết lại với nhau, cùng làm cho hoạt động ngoại giao giữa các quốc gia có hiệu quả”.

Cũng theo Đại sứ Thomas Gass, dù thế giới phân cực nhưng cũng đang được kết nối với nhau hơn hẳn trước đây và một sự kiện lịch sử có thể được nhắc lại mãi mãi vì ý nghĩa và tầm quan trọng của nó. “Điểm nhấn của nền hòa bình ngày nay là khi các thỏa thuận ngoại giao đang được thực hiện. Điều đó có được bắt nguồn từ những dấu ấn trong lịch sử, như khi Việt Nam bảo vệ lãnh thổ của mình, hành động đó đã truyền cảm hứng cho những quốc gia khác bảo vệ lãnh thổ, chống lại sự xâm lược từ bên ngoài và chấm dứt chiến tranh”, ông nói thêm.

Sự kiện mang tầm vóc thời đại ảnh 2

Báo chí nước ngoài đưa tin về Hội nghị Geneva năm 1954. Nguồn: Lưu trữ của Bộ Ngoại giao

BÁO CHÍ QUỐC TẾ TẠI HỘI NGHỊ GENEVA:

Theo lưu trữ của Bộ Ngoại giao, đã có hơn 2.000 phóng viên quốc tế đến đưa tin về Hội nghị Geneva tại Palais des Nation ở Geneva. Ngay sau ngày kết thúc Hội nghị, nhiều bài viết về thắng lợi của đoàn Việt Nam DCCH đã được báo chí nước ngoài đưa tin ở thời điểm đó. Tờ The New York Times của Mỹ ngày 22/7/1954 đã đăng tải về việc ký kết Hiệp định Geneva trên trang nhất, cùng với toàn văn tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva ở những trang đầu số báo.

Đánh giá cao việc Việt Nam duy trì một môi trường hòa bình, ổn định và an toàn, Đại sứ Thomas Gass bày tỏ rất thú vị khi được những đồng nghiệp giải thích rằng Hội nghị Geneva “được xem như sự khởi đầu đường lối ngoại giao cây tre của Việt Nam”. Quá trình thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam trải qua rất nhiều gian khó và Hiệp định Geneva là bước khởi đầu để nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 30/4/1975. Ở góc độ khác, Hiệp định Geneva còn là dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của nền ngoại giao Việt Nam. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, cả hai sự kiện này đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Thụy Sĩ là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971 và mở Đại sứ quán vào năm 1973, sau đó đã sớm có những dự án đầu tư và hợp tác song phương. Nhà ngoại giao đến từ Thụy Sĩ nhận thấy sự tương đồng ở hai quốc gia: “Nền ngoại giao của Việt Nam rất mạnh mẽ, đường lối ngoại giao cây tre giúp Việt Nam có thể làm việc cùng các quốc gia khác nhau có quan điểm khác nhau với các chiến lược khác nhau. Theo cách tương tự, Thụy Sĩ trong nhiều năm qua đã cố gắng gắn kết các quốc gia lại với nhau và trở thành nơi mọi người trò chuyện, tạo nên không gian nơi các quốc gia cùng nhau nói về hòa bình”.

Khi được hỏi về địa điểm tổ chức Hội nghị ở Geneva, Đại sứ đáp lời đầy tự hào: “Nơi được ghi nhớ về sự kiện này, đó là Palais des Nations. Bạn có thể thấy trên các bức ảnh và tòa nhà vẫn còn đó cho đến ngày nay, là nơi tổ chức những sự kiện tương tự năm 1954. Chúng tôi tự hào vào thời điểm lịch sử này khi có thể đăng cai một hội nghị quan trọng như vậy”.

Palais des Nations là trụ sở LHQ tại Geneva, là nơi đàm phán nhiều hiệp ước quốc tế quan trọng. Hội nghị về Đông Dương diễn ra vào mùa xuân năm 1954 rồi kéo dài sang mùa hè với kết quả là việc phê chuẩn Hiệp định Geneva vào ngày 21/7/1954, không chỉ chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương và đặt nền móng cho sự ra đời của đất nước Việt Nam độc lập. Sự kiện này cũng giúp thành phố Geneva của Thụy Sĩ ghi dấu ấn để trở thành “thủ phủ” của ngoại giao đa phương.