Nhất trí thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc Palestine

Palestine đã đạt được thỏa thuận thành lập một Chính phủ đoàn kết dân tộc bao gồm tất cả các phe phái chính trị, trong cuộc họp được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với sự tham gia của 14 phe phái Palestine, trong đó có Fatah (tổ chức điều hành Chính quyền Palestine hiện nay), phong trào Hamas và các phong trào Hồi giáo thánh chiến.
0:00 / 0:00
0:00
Các phe phái chính trị của Palestine tại cuộc họp ở Bắc Kinh. Ảnh: AP
Các phe phái chính trị của Palestine tại cuộc họp ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Xây dựng một nhà nước độc lập

Trong tuyên bố đưa ra khi kết thúc cuộc họp, đại diện các phe phái Palestine đã nhất trí thành lập một Chính phủ đoàn kết dân tộc lâm thời và thống nhất các thể chế ở Bờ Tây và Dải Gaza, khởi động công cuộc tái thiết Gaza và chuẩn bị tổ chức tổng tuyển cử trong thời gian sớm nhất có thể. Các phe phái cam kết thành lập một nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Jerusalem và bảo đảm sự hồi hương của người tị nạn Palestine theo Nghị quyết 194 được LHQ ban hành năm 1948.

Giải pháp hai nhà nước, trong đó có việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập được cộng đồng quốc tế công nhận được coi là giải pháp quan trọng nhất giúp giải quyết cuộc xung đột ở Gaza. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại, ông Josep Borrell, đã bày tỏ thất vọng mạnh mẽ trước quyết định của Quốc hội Israel phản đối việc thành lập Nhà nước Palestine, ngay cả khi đó là một phần trong thỏa thuận hòa bình.

EU tuyên bố giải pháp hai nhà nước là con đường duy nhất để đạt được hòa bình và an ninh lâu dài cho khu vực Trung Đông. EU tái khẳng định cam kết đối với một giải pháp hòa bình lâu dài và bền vững dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ và nhấn mạnh rằng, việc thành lập Nhà nước Palestine là một phần thiết yếu trong tiến trình này. Theo đó, người Israel và người Palestine đều có quyền bình đẳng được sống trong an ninh, tự do và hòa bình. EU sẽ không công nhận bất kỳ thay đổi nào đối với biên giới năm 1967, trừ khi được cả hai bên đồng ý.

Giải quyết khủng hoảng nhân đạo

Theo số liệu cập nhật của cơ quan y tế tại Gaza, kể từ khi nổ ra xung đột giữa Hamas và Israel ngày 7/10/2023 đến nay, đã có tới gần 40 nghìn người Palestine thiệt mạng và 87 nghìn người bị thương. Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc cảnh báo bạo lực và khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đang lan rộng ở Dải Gaza. Kể từ khi xung đột nổ ra, hơn 90% dân số trên dải đất này phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán trong những điều kiện khó khăn.

Trong khi đó, hoạt động cứu trợ gặp nhiều trở ngại, nguy hiểm khi các đoàn xe cứu trợ cũng trở thành mục tiêu tấn công. Ngày 22/7, người đứng đầu Cơ quan LHQ về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA), ông Philippe Lazzarini, xác nhận rằng lực lượng Israel đã nổ súng vào đoàn xe của LHQ đang di chuyển tới Dải Gaza ngày 21/7, cho dù đoàn xe đã được chính quyền nước này chấp thuận.

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng tại Dải Gaza, chính phủ mới của Anh đã tuyên bố nối lại việc gây quỹ cho UNRWA. Chính phủ Ấn Độ cũng chuyển số tiền đầu tiên trị giá 2,5 triệu USD cho UNRWA, như một phần trong khoản đóng góp hằng năm trị giá 5 triệu USD cho giai đoạn 2024-2025. Ngày 22/7, Tunisia đã điều chuyến tàu đầu tiên chở 1.609 tấn thực phẩm và viện trợ y tế dành cho người Palestine ở Dải Gaza, dự kiến sẽ cập cảng Port Said của Ai Cập vào ngày 25/7. Hàng viện trợ nhân đạo của Tunisia được coi là một trong những chuyến hàng đầu tiên được vận chuyển bằng đường biển cho người Palestine ở Gaza.

Trước đó, nhằm bày tỏ tình đoàn kết với người dân Palestine, Brazil đã thông qua Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Chính quyền Palestine vốn chờ được phê chuẩn trong hơn một thập kỷ qua. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Brazil nêu rõ, FTA nói trên là sự đóng góp cụ thể cho nền kinh tế của Nhà nước Palestine - thể chế có thể chung sống hòa bình và hòa hợp với các nước láng giềng. Brazil đã công nhận Nhà nước Palestine và cho phép xây dựng Đại sứ quán Palestine tại Thủ đô Brasilia từ năm 2010.