Khẳng định giá trị hàng hóa Việt

Việt Nam đặc biệt có thế mạnh trong xuất khẩu nông sản và thực phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ta vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị mà chủ yếu dừng lại ở mức xuất khẩu thô, xuất qua nhà trung gian nên giá trị gia tăng mang lại chưa cao.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng thủ công mỹ nghệ được khách du lịch quan tâm. Ảnh: HẢI NAM
Hàng thủ công mỹ nghệ được khách du lịch quan tâm. Ảnh: HẢI NAM

Đổi mới sáng tạo để có mặt trong chuỗi cung ứng

Cuối năm ngoái, lô hàng cua Cà Mau và ốc hương chế biến sẵn, đông lạnh của doanh nghiệp khởi nghiệp Vua Cua đã xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ.

Đơn hàng được đối tác Mỹ đặt hàng có số lượng khoảng 21.000 con cua Cà Mau, tương đương 11 tấn, được bán tại 200 điểm ở các chợ và siêu thị Mỹ.

Tại Mỹ, giá mỗi hộp cua xốt 500 gram (cả cua gạch và cua thịt) là 25 - 27 USD, tương đương 600.000 - 650.000 đồng; giá mỗi hộp ốc hương xốt từ 19 - 22 USD, tương đương 456.000 - 528.000 đồng, tùy tiểu bang.

Giám đốc Điều hành Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư cho biết, sau đơn hàng đầu tiên, đơn vị này tiếp tục phát triển các sản phẩm chế biến sẵn từ các loại hải sản Việt Nam như: Tôm sú, ghẹ, mực, tôm hùm,… và các món ăn từ cua: Miến xào cua, cơm chiên cua, xôi cua để phục vụ nhiều phân khúc khách hàng.

“Là doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng chúng tôi mạnh dạn xuất khẩu cua Cà Mau chính ngạch, chế biến sâu và gắn với thương hiệu Vua Cua chứ không chọn con đường xuất khẩu thô hay gia công cho đối tác. Hy vọng không chỉ ở doanh thu, lợi nhuận hay thương hiệu nổi tiếng, mà chúng tôi sẽ thành công trong việc mang cua Cà Mau, hải sản Việt Nam và các loại gia vị Việt Nam lên bàn tiệc thế giới”, bà Anh Thư tiết lộ.

Tham vọng của doanh nghiệp này là hoàn toàn có cơ sở khi sản phẩm khó bảo quản như con cua đã đi một vòng trái đất để chinh phục một trong những thị trường khó tính như Mỹ.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giữa bối cảnh xuất khẩu thủy sản khó khăn, một số doanh nghiệp đã nghiên cứu phát triển nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm kết hợp giữa thủy hải sản và rau củ quả tiện lợi cho người tiêu dùng. Những sản phẩm này có biên độ lợi nhuận cao, không phải cạnh tranh giá rẻ như xuất khẩu nguyên liệu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng xây dựng được thương hiệu tại thị trường nước ngoài.

Chia sẻ về báo cáo năng lực động của doanh nghiệp Việt Nam, ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Phát triển doanh nghiệp nhận định, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tham gia tích cực trong chuỗi giá trị toàn cầu với 62,1% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; 51,1% sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam đến từ việc tiêu thụ sản phẩm từ bên ngoài và 11% sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam đến từ việc cung cấp sản phẩm ra bên ngoài.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa có được định hướng rõ ràng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Theo khảo sát, có tới 64,7% số doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chỉ 15,3% số doanh nghiệp có chiến lược/định hướng tổng thể trong dài hạn và 10,2% số doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch thực hiện trong trung hạn. Con số khiêm tốn là 5,4% số doanh nghiệp đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp hành động trong ngắn hạn và chỉ có 4,4% số doanh nghiệp đã triển khai các hành động cụ thể.

“Doanh nghiệp Việt Nam tập trung vào giải quyết những khía cạnh thuộc “phần ngọn” của vấn đề. Khả năng đáp ứng yêu cầu đối tác của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu chỉ ở mức trung bình, doanh nghiệp gặp khó khăn hơn khi đáp ứng các yêu cầu về thời gian giao hàng và tiêu chuẩn, kỹ thuật”, ông Lương Minh Huân cho hay.

Bà Trần Thị Lan Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đáng lo ngại khi có tới 64,7% số doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi cung ứng mà chưa có chiến lược cụ thể. “500 doanh nghiệp được khảo sát trong báo cáo đều là những doanh nghiệp khá mà năng lực động chỉ ở mức trung bình khá. Khả năng đổi mới sáng tạo là mấu chốt để có vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu thì phần đông doanh nghiệp lại rất yếu. Đó là câu hỏi lớn đặt ra cần giải quyết”.

Khẳng định giá trị hàng hóa Việt ảnh 1

Sản phẩm yến Khánh Hòa được giới thiệu tại Hội chợ xúc tiến thương mại. Ảnh: NGUYỆT ANH

Hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường thế giới

Đánh giá về những điểm còn hạn chế trong việc nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam, TS Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế cho rằng, nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc tìm được sản phẩm phù hợp với thị hiếu, vượt qua các rào cản kỹ thuật, quy định khắt khe tại các thị trường. Song những hỗ trợ về các điều kiện thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn, để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, từ đó có thể tiếp cận sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu là điểm tựa rất lớn cho họ.

“Doanh nghiệp không thể bước ra thế giới nếu không có một nền tảng vững chắc và tin cậy tại quê nhà. Đó chính là một cơ chế khuyến khích, hỗ trợ và trao cơ hội cho doanh nghiệp từ chính các cơ quan, bộ, ngành và địa phương”, TS Lê Duy Bình nói.

Viện trưởng Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương (Bộ Công thương) Nguyễn Văn Hội nêu quan điểm, cần định hướng hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập sâu và giá trị cao hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo đó, thứ nhất, cần tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường, đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu. Thứ hai, xây dựng và phát triển các thương hiệu. Nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về lao động, môi trường… trong các hiệp định thương mại tự do. Thứ ba, chú trọng các vấn đề về quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thứ tư, xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường... để bảo vệ sản xuất trong nước.

Nhấn mạnh giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng thích ứng phát triển thị trường, Tổng Thư ký VCCI đề xuất, các bộ, ngành cần tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.