Ngân hàng ADN - bước chuẩn bị tốt nhất
Một ngày giữa tháng 7, ông Phan Thế Hiểu (xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, Thái Bình) có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) để đưa hài cốt của anh trai, liệt sĩ Phan Minh Nham về quê hương. Liệt sĩ Phan Minh Nham (SN 1955) nhập ngũ lần 2 tháng 2/1974, chiến đấu tại chiến trường miền Tây Nam Bộ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông hy sinh ngày 14/4/1975. Một năm sau, gia đình nhận được giấy báo tử.
“Suốt 30 năm, cứ có thông tin ở đâu là chúng tôi lại đi, chỉ mong đưa được anh trai về quê. Cả nhà tôi nhiều lần tìm vào tận chiến trường, thậm chí dùng mọi biện pháp, kể cả tâm linh nhưng vẫn vô vọng. Nhà ngoại cảm chỉ đâu gia đình đi tìm đó nhưng rồi đều thất vọng. Khi kết quả giám định ADN được công bố, tôi vỡ òa vì có thể khẳng định người nằm bên dưới phần mộ đó chính là liệt sĩ Phan Minh Nham, anh trai tôi. 49 năm trước nhận tin về anh là tin buồn, còn hiện tại đó là tin vui khó tả”, ông Hiểu nói.
Gia đình ông Nguyễn Đức Kim, cháu liệt sĩ Nguyễn Chí Cường, người đã hy sinh ở Bình Định hơn nửa thế kỷ trước cũng đón niềm vui tương tự. Liệt sĩ Nguyễn Chí Cường nhập ngũ năm 1967, hy sinh ngày 10/6/1972 tại An Nhơn (Bình Định). Ngày 10/7 vừa qua, gia đình đã đón được liệt sĩ về an nghỉ tại quê nhà Thái Bình sau hơn nửa thế kỷ hài cốt nằm lại chiến trường.
Theo ông Kim, suốt 40 năm qua, từ khi chiến tranh khép lại, gia đình vẫn không có bất cứ manh mối nào về liệt sĩ Cường. Do đó, việc đi tìm mộ người thân tưởng như chuyện hão huyền. Gần nửa thế kỷ, ông chỉ biết chăm chú viết nhật ký, chắp nối những thông tin rời rạc về hành trình trở thành liệt sĩ của cậu mình. Để đủ căn cứ khai quật mộ, tháng 7/2023, với sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, ông Kim làm các thủ tục lấy mẫu sinh phẩm, giám định ADN để xác định thông tin về liệt sĩ Nguyễn Chí Cường. Hơn 1 năm chờ đợi, niềm vui đã đến với gia đình ông.
Cầm trên tay tờ thông báo về liệt sĩ Nguyễn Chí Cường, người cháu ruột không kìm nổi nước mắt. Xác định được thông tin của người cậu liệt sĩ là niềm mong mỏi của gia đình ông suốt hơn 50 năm. “Khi cậu tôi về đến nhà, cả gia đình vẫn không tin, sao có thể làm được việc không tưởng đó. Thay mặt gia đình, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành cơ quan chức năng các cấp, các ngành, đặc biệt là các nhân chứng sống không quản ngại vất vả, hết lòng hỗ trợ gia đình tôi”, ông Kim bày tỏ.
Liệt sĩ Nguyễn Chí Cường, liệt sĩ Phan Minh Nham là hai trong số hơn 1.600 hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính nhờ phương pháp giám định ADN.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã thực hiện với gần 10 nghìn mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3 nghìn mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1 nghìn danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.
Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử) của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của hơn 25 nghìn dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân.
Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH, việc ra mắt ngân hàng gen liệt sĩ là một dấu mốc mới trên hành trình “trả lại tên” cho liệt sĩ, mở ra hy vọng xác định được danh tính cho hơn 300 nghìn ngôi mộ liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa xác định được thông tin. Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong ngân hàng gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
“Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan. Chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ”, ông Dung nói.
Chạy đua với thời gian
Từ những dữ liệu tại Ngân hàng Gen liệt sĩ chưa xác định được thông tin, Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trực tiếp tham gia quy trình giám định gen hài cốt liệt sĩ. Trung tâm Giám định ADN là một trong ba đơn vị chủ chốt được Chính phủ giao nhiệm vụ phân tích ADN để định danh các mẫu hài cốt liệt sĩ.
Ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giám định ADN, cho biết, đơn vị bảo đảm năng lực phân tích 4.000 mẫu hài cốt liệt sĩ mỗi năm. Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Giám định ADN thực hiện 800 đợt tách chiết ADN nhân, tương đương khoảng 8.000 mẫu hài cốt liệt sĩ. Tỷ lệ tách thành công đạt 22%, tương đương khoảng 1.600 mẫu bàn giao cho Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH). Hiện còn hơn 7.000 mẫu được lưu giữ tốt tại trung tâm.
Phó Giám đốc Trần Trung Thành nhấn mạnh, các quy trình giám định tại trung tâm đang được chuẩn hóa theo quy định ISO 17025. Sau khi các mẫu được bàn giao, trung tâm thực hiện xử lý lưu giữ, bảo quản, sau đó phân loại, tiến hành lựa chọn mẫu giám định. Áp lực, thách thức là về thời gian thực hiện giám định. Ông Thành cho biết, mỗi mẫu hài cốt liệt sĩ lại mang đặc thù riêng biệt. Chính vì vậy, không thể giám định một lần cho kết quả ngay, mà quá trình giám định thường phải lặp đi lặp lại với nhiều bước điều chỉnh phù hợp với từng mẫu. “Chính vì vậy, thời gian trả kết quả với mỗi lần giám định dao động khác nhau, nhanh nhất là một tuần, nhưng cũng có những mẫu qua nhiều tháng vẫn chưa tổng hợp được chuỗi gen”, ông Thành thông tin.
Lãnh đạo trung tâm nhận định, những khó khăn trong việc giám định ADN với hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính là bài toán khó không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới nói chung. Chính vì vậy, con số tỷ lệ giám định thành công 22% chưa thể nói hết toàn bộ những vấn đề mà các đơn vị đang gặp phải. Vị Phó Giám đốc phụ trách trung tâm nêu ba vấn đề cốt yếu gặp phải hiện nay là máy móc, công nghệ và con người trong quá trình thực hiện giám định ADN. Đây là công việc có tính đặc thù cao, kén người làm.
Yếu tố khách quan phải kể đến là điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhiều khu vực các liệt sĩ nằm lại có mức độ phân hủy lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng mẫu. Với những mẫu bị phân hủy nặng, lực lượng khó khăn trong xử lý để có kết quả xác định danh tính. Bên cạnh đó, một điểm nghẽn về cơ chế với việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ thời gian qua là do thiếu định mức kinh tế - kỹ thuật để giải quyết việc thanh toán chi phí cho các trung tâm giám định. Trước đây, giám định ADN hài cốt liệt sĩ được định mức 5 triệu đồng. Đến nay, định mức đó không còn phù hợp khi hóa chất, vật tư, công lao động thay đổi, nhiều mẫu cần được làm đi làm lại nhiều lần. Thực tế, Trung tâm hiện phải chờ để được thanh toán chi phí giám định đã thực hiện trong ba năm qua.
Trao đổi ý kiến về vấn đề này, Cục trưởng Người có công, Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Lợi cho biết, công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được quy định tại Nghị định 131/2021/NĐ-CP. Theo đó, Chính phủ giao cho các địa phương xây dựng kế hoạch lấy mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ, tiếp nhận mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ gửi về các cơ sở giám định. Tuy nhiên kinh phí lại do Bộ, Cục trên cơ sở dự toán của địa phương thực hiện chi trả cho địa phương, nên các địa phương chưa chủ động trong việc triển khai. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở xây dựng đơn giá cho dịch vụ giám định ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.
Ông Lợi giải thích, giám định ADN là loại dịch vụ đặc thù, không thể áp dụng như giám định pháp y. Việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật phải căn cứ vào quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Tháng 12/2023, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 119/2023/TT-BQP hướng dẫn quy trình này. Trên cơ sở Thông tư này, Bộ LĐ-TB&XH giao Cục Người có công chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng trình Bộ trưởng ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí thực hiện dịch vụ giám định. Vướng mắc, theo đó, sẽ sớm được giải quyết trong thời gian tới.