"Cõng" chính sách về vùng khó

Thay vì phải vay mượn nặng lãi để đi tìm đường ra nước ngoài lao động theo những con đường không chính thức, nhờ vào những chính sách của Chính phủ, người dân vùng huyện nghèo miền núi phía bắc có thể được hỗ trợ để xuất khẩu lao động chính ngạch. Tuy nhiên, chính sách tích cực này vẫn khó đi vào đời sống.
0:00 / 0:00
0:00
Một lớp đào tạo tiếng cho người lao động trước khi ra làm việc ở nước ngoài.
Một lớp đào tạo tiếng cho người lao động trước khi ra làm việc ở nước ngoài.

NGƯỜI lao động tham gia các chương trình phi lợi nhuận đưa lao động ra nước ngoài làm việc, sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí, học ngoại ngữ, học nghề, thậm chí là vay 100% chi phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Thế nhưng, không phải người dân nào cũng biết hoặc hào hứng tham gia chương trình.

Theo Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), từ năm 2017 đến nay, chỉ có 4.260 người lao động thuộc huyện nghèo, các xã bãi ngang ven biển của cả nước đi làm việc tại nước ngoài. Ở vùng núi phía bắc có 41 trong tổng số 74 huyện nghèo của cả nước, người có hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa chạm được đến chính sách nhân văn này. Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên là do một số cán bộ, nhất là ở địa phương chưa nắm rõ về mục tiêu, điều kiện, chính sách của chương trình để chủ động tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu.

Nhấn mạnh đến vai trò của "mắt xích" quan trọng là những cán bộ liên quan đến việc vận động thực thi chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều chuyên gia dùng hình ảnh "cõng" chính sách để nhấn mạnh đến sự không ngại khó, ngại khổ khi tìm ra cách thức tuyên truyền, vận động bà con, đặc biệt ở những khu vực khó khăn, dân trí còn thấp.

Là địa phương phát triển công nghiệp, nhưng Bắc Giang vẫn xác định công tác xuất khẩu lao động là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp mà các địa phương khác có thể học tập. Ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang chia sẻ, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động, ngoài truyền thông, vận động, kết nối, tỉnh giao chỉ tiêu cho từng xã, phường, huyện triển khai. "Tỉnh cũng tính toán giới thiệu việc làm cho lao động hết hạn hợp đồng về nước ngay tại các doanh nghiệp ở địa phương, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Đây là cách để giảm số lao động trốn ở lại, phá hợp đồng xuất khẩu lao động", ông Hà nhấn mạnh.

ĐỂ tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động xúc tiến xuất khẩu lao động, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tuyên truyền về Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và thông tin về các quỹ hỗ trợ để giúp người lao động yên tâm làm việc, tránh tình trạng bỏ trốn, lao động bất hợp pháp. Ngoài ra, quá trình tuyên truyền đến người lao động cần được mở rộng thông qua "kênh" là những người có uy tín tại địa phương, để họ xắn tay cùng vận động giúp người lao động có thể tiếp cận nhanh nhất chính sách và đưa ra những quyết định đúng đắn.

Một giải pháp nữa là ngày 15/8/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 55/2023/TT-BTC quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, quy định rõ về nội dung, hình thức, mức hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi làm việc ở nước ngoài.

Từ những chuyển biến trong cách thức triển khai các chính sách liên quan xuất khẩu lao động của Nhà nước, người dân ở các huyện nghèo, vùng núi cao, dân tộc thiểu số có được cơ hội rộng mở hơn trong việc gia tăng nguồn thu nhập cho gia đình và thông qua đó đóng góp cho ngân sách của địa phương.