Còn vương ở tơ sen

Bắt đầu từ cái tên, tôi có ấn tượng với Chí. Trong một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, khi giáo viên gọi đến tên thì Chí im lặng mặc dầu Chí đang ngồi cuối lớp.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Cô giáo nhìn Chí nghiêm khắc. “Sao anh không điểm danh”. Chí từ tốn, rành rọt. “Thưa cô, em muốn đổi số thứ tự 53. Em không thích”. Cô giáo vẫn giữ nghiêm nét mặt mặc dù cả lớp cười như vỡ trận. “Anh muốn là số mấy?”. Chí định thần một lúc rồi cương quyết. “Số mấy cũng được, miễn không là số 53, thưa cô”. Cô giáo lạnh lùng. “Được thôi. Anh sẽ ở vị trí số 49”. Kết thúc việc điểm danh. Chí bần thần ngồi xuống. Số 49 là của Chí. Tôi bị đảo về số 53. Tôi ngơ ngác. Ý định khiếu nại nhen lên rồi bị xua đuổi ngay tức khắc bởi sự nhốn nháo của lớp.

Sự ồn ào trấn tĩnh tôi. Tôi cảm nhận được sự an ủi. Sau chút bối rối, tôi chậc lưỡi. Chỉ là hơn một tháng học thôi mà. Con số ấy, nếu nặng nề như đồn đại thì cũng chỉ theo mình đến hết khóa học này thôi. Tôi đoán, phía cuối lớp Chí cũng đang nhăn nhở cười.

Sau vụ đổi số thì tôi và Chí làm quen nhau. Giờ ra chơi, Chí lên bàn tôi, ngồi bên cạnh, tay gõ gõ vào mặt bàn.

- Em vừa xem danh sách lớp, chị hơn em 5 tuổi.

- Rồi sao nữa?

Tôi chưa hồ hởi lắm với câu bắt chuyện.

- Nếu chị thua tuổi, em cũng có tí áy náy. Thân phận đàn ông mà. Lúc nào cũng muốn tỏ ra phong ba. Nhưng thôi, chị chịu khó tí, đằng nào cũng lỡ rồi.

Tôi phá lên cười.

- Không sao. Cho vui thôi mà. Chị không tin lắm vào chuyện số má.

Chí gục gặc cái đầu, tay lại gõ vô thức xuống mặt bàn, ánh mắt đảo liên tục sau cặp kính cận. Nếu không có cặp kính, tôi nghĩ mình sẽ không bắt đầu câu chuyện với Chí.

Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ do ngành tổ chức, học viên khắp cả nước theo giấy triệu tập phải có mặt. Đã được nghe học viên khóa trước rỉ tai về cô chủ nhiệm lớp nổi tiếng “hắc xì dầu” nên ai nấy đều đúng giờ răm rắp. Để có cái chứng chỉ cuối khóa học phải thực hiện việc lên lớp đầy đủ, vắng có xin phép, xin phép có lý do. Tôi rất lười nghĩ lý do để xin phép nghỉ nên thường phải nhờ Chí. Bữa thì đau bụng, bữa thì đau đầu, bữa thì có việc đột xuất… tất cả các lý do đều là của Chí. Chúng tôi chia nhau lý do, rủ thêm vài người cùng “cạ” nữa là đủ hội chém gió. Mớ chữ nhảy múa như ma trận trước mắt, học trước quên sau. Vắng học buổi nào thì xin giáo viên bài giảng buổi đó, về nhà tự nghiên cứu. Học như chơi vậy chứ đến giờ thảo luận cũng rất quyết liệt chia sẻ. Hăng máu lên còn cãi tay đôi với giáo viên. Chí luôn là người làm nóng mic ở các buổi thảo luận. “Các thầy chỉ mạnh về lý thuyết thôi, thực tế trần trụi, đa chiều và phức tạp lắm. Bọn em bắt tay vào làm gặp đầy rẫy vướng mắc. Hiện tượng văn bản quy phạm pháp luật chạy không kịp thực tế còn nhiều. Có ai thấu cho”.

*

Kết thúc khóa học, ngoài cái chứng chỉ còn có thêm bạn bè, thêm kỷ niệm. Tôi thì có thêm những luẩn quẩn về Chí. Một khuôn mặt rất khó lẫn giữa đông đảo người và đặc biệt là ma trận “nghiệp vụ” qua lời Chí kể. “Chị biết không, cách đây ba năm, em cắm bìa đất, vay nợ gần hai tỷ mua miếng đất ven sông. Nhìn họ hàng nội ngoại chì chiết, vợ con buồn bã bỏ bữa, em cũng lung lay lắm. Nhưng lỡ rồi, cố được ngày nào thì cố, lặng im sống và kéo cày trả lãi. Đùng cái sốt đất, em bán được 5 tỷ rưỡi. Thế mới hay chứ. Chị thấy đấy. Sự lỡ thật ngoạn mục. Nên thôi, cái vụ 49, 53 ấy chị đừng nghĩ nữa. Lỡ rồi. Biết đâu sự lỡ ấy lại đẩy chúng mình vào nhau”.

Chí cười bí hiểm. Nếu không có cặp kính, tôi sẽ thấy được mắt Chí dồn hết lòng đen sang một bên để dành một khoảng trắng mênh mông ý tứ. Tôi cười lạnh lùng. “Chị hơn mày 5 tuổi nha Chí. Đừng đùa”.

Thì Chí cũng có đùa đâu. Đôi ba câu chuyện làm quà. Qua loa đại khái vậy cho nhanh hết thời gian. Đôi lúc tôi thấy mình khắt khe quá, không phải riêng với Chí, với tất cả những mối quan hệ lờ mờ trước mặt. Tôi thường lặng im bước qua. Tôi sợ những ánh mắt lạnh như i nốc. Người ta không làm gì cả, chỉ nhìn thôi. Thấy luồng khí lạnh đâu đó chạy dọc toàn thân. Tôi có đề phòng quá chăng.

Tôi cắn nhẹ vào đầu ống hút thay đổi cảm giác. Quả dừa đã cạn nước phát tiếng kêu òng ọc. Chí lớn tiếng gọi với. “Cho thêm quả dừa cô chủ ơi”. Tôi phất tay. “Thôi khỏi”. Cơn bực bội cồn lên dồn cả vào khoảng giữa của hai chân mày. Vị trí của con mắt thứ ba. Bình sen quan âm ở quầy lễ tân hút tôi vào, mầu hồng từ bi làm dịu cơn khó chịu. Bà chủ quán đón được ý khách, đon đả. “Đang mùa sen đó em. Sáng nay chị ra tận đầm mua đấy. Đường hơi xa tí nhưng chọn được sen tươi”. “Cuối tuần này em về, chắc phải nhờ chị rồi. Sen thơm quá chị nhỉ”. Tôi quên mất sự tồn tại của Chí bên cạnh.

Cuộc nói chuyện xoay quanh bình sen. Chí ậm ờ phụ họa. “Gì chứ sen nơi nào chẳng có”. Chị chủ quán không tiếp lời Chí. “Nhớ báo trước với chị, chị ra hồ sớm chút, cho kịp giờ em ra xe”.

Nếu Chí không giục, câu chuyện sẽ còn dài nữa. Tôi dùng dằng chào chị. Quên luôn ý nghĩ bực bội nhen lên từ quả dừa, quên điệu cười méo xệch khi tôi bảo chị trả tiền rồi. Mấy bông sen quan âm đang âm thầm nở hương trong đầu tôi.

*

Còn không đầy 30 phút nữa là tan học. Lớp sẽ ùa xuống căng-tin như ong vỡ tổ, ran ríu gọi món. Khung cảnh gợi nhớ thời sinh viên. Cái thời bụng rỗng nuôi những đắm say điên đảo. Tôi nhớ tới Kiên. Kiên vẫn thường ngăn tôi đừng ăn vặt trước bữa, lưng lửng bụng rồi lại không ăn được cơm. Chỉ vậy thôi mà tôi đã có một quãng dài thút thít nhớ thương. Sau này, Kiên không còn ngăn tôi vậy nữa. Ấy là lúc cả tôi và Kiên chọn ngược đường nhau. Thi thoảng tôi vẫn nhớ đến lời Kiên. Thương được một người khó lắm. Đã thương thì xin thương cho thật thà.

Là tại tôi, không phải tại Chí, ngay lúc đó, cứ mong ngóng chút thật thà mà lay lắt bực bội. Chí chả quan tâm lắm đến thái độ của tôi, bước nhanh về phía nhà ăn. Vừa đi vừa giục. “Nhanh chân lên. Nắng chết khiếp được. Chả sợ gì, chỉ sợ lớp chống nắng mỏng manh không bảo vệ nổi làn da Á Âu Phi Mỹ hỗn tạp của bà chị”. Tôi bật cười. “Cứ tưởng sợ hết món cơ đấy”. “Khi lòng còn nhiều ngờ vực, chúng ta thường không được đẹp đẽ trong mắt của đối phương. Rồi thời gian sẽ cân bằng lại những cơn cảm tính tức thì. Yêu ghét hay xấu đẹp không còn quan trọng nữa, chúng ta sẽ trở về nguyên bản”. Chí cười, tay đẩy gọng kính vừa trễ, tay kéo tôi sang một bên. Cô tạp vụ bê nồi canh đi qua cáu bẳn. “Sang kia mà nói chuyện, chắn hết cả lối đi”.

Tôi nghĩ mình sẽ cất Chí đi như cách tôi thu gọn tài liệu trả lại cho thư viện khi kết thúc khóa học. Trưa chín nắng, hầm hập đổ lửa. Sau lễ bế giảng, lời chào tạm biệt cũng khô cong queo. “Về nhé, tạm biệt nhé. Chờ mát trời lại gặp nhau nhé”. Lúc đi qua phòng Chí, sau cánh cửa khép hờ tôi thấy thấp thoáng bó sen quan âm. Tim tôi co thắt đột ngột. Má nóng bừng rạo rực không kiểm soát. Có thể lắm, Chí cũng như tôi, nhờ vả chị chủ quán mua giúp. Tôi cười thầm. Phải thế chứ, gai góc vô cảm mà dễ à. Từng cánh sen như môi cười vậy, dễ gì làm thinh bước qua. Nhưng Chí mua cho ai? Cho Chí? Cho cô gái hôm qua ngồi ghế đá với Chí đến khi trăng khuất mới lên phòng? Nụ cười trong lòng tôi chợt tắt. Tôi lặng lẽ thả nút khóa bánh xe kéo va-li đi.

- Chị, chị chờ tí.

Chí gọi với. Tôi hồi hộp dừng lại. Đầu nghĩ nhanh đến đoạn Chí ấp úng trao bó sen quan âm và dịu dàng lời từ biệt.

- Chí chưa về à?

- 2 giờ em ra sân bay. Chị… chị có thể trao bó sen này cho chị chủ quán giúp em được không. Em ngại…

- Ok. Chị đưa luôn cho. Chị cũng hẹn taxi đón ở đấy mà.

Tôi run rẩy đỡ bó sen từ tay Chí. Sắc hồng xốn xang. Tôi nuốt khan, cổ họng nghẹn bứ lại. Thảo nào cuối đợt học tôi thấy Chí hay xuống quán

cà-phê một mình.

- Chị về mạnh giỏi nhé.

- Chí cũng thế nhé.

*

Chị chủ quán đỡ bó sen từ tay tôi không chút bối rối nào. Còn nhanh nhẹn vào trong lấy thêm mấy lá sen tươi gói ghém cẩn thận. “Phải bọc kín thế này thì đi đường xa hoa mới không bị héo. Chắc cậu ta đến sớm lắm mới chọn được hoa đẹp thế này đây. Em về mạnh giỏi. Có dịp trở lại nơi này thì về thăm trường. Có thể không còn ai nữa nhưng sen quan âm vẫn cứ đợi mùa để nở. Cậu ấy trông láu cá thế mà cũng dát thật. Bao năm ở đây chị chưa nhận một lời gửi gắm nào thắm thiết, cẩn thận đến vậy”.

Tôi lặng người ôm bó sen. Cậu lái taxi bấm còi giục. “Chị ơi, nhanh lên. Một lát nữa là tắc đường đấy”.

Chị chủ quán cười xởi lởi: “Thôi về đi. Một chốc một lát sẽ qua thôi mà. Sen đẹp thế nhưng nhanh tàn lắm. Mà nhớ cho tí đường vào nước cắm sen đấy”.

Sen nhanh tàn thì tôi biết rồi. Còn vì sao phải cho thêm đường vào nước cắm sen thì tôi chịu. Có khó gì đâu một cái nhấp chuột trên công cụ tìm kiếm nhưng tôi vẫn chưa làm. Bao năm rồi vẫn lơ lửng ở đó một chút đường vương ở tơ sen.