“Một thoáng Việt Nam” tại Anh

Sự kiện Nghệ thuật châu Á tại Luân Đôn-Anh (Asian Art in London) được biết đến là sự kiện thường niên từ năm 1998.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc triển lãm.
Một góc triển lãm.

Mỗi năm vào dịp này, sẽ có các triển lãm và hoạt động đấu giá với sự tham gia của những nhà kinh doanh nghệ thuật, các gallery và nhà đấu giá uy tín chuyên về nghệ thuật châu Á… Trong tuần lễ của năm nay, đang và sẽ diễn ra khoảng 20 triển lãm và các cuộc đấu giá liên quan đến nghệ thuật Trung Quốc, nghệ thuật Samurai và Nhật Bản qua bảy thế kỷ, nghệ thuật Hồi giáo và Ấn Độ…, diễn ra tại các sàn đấu giá lớn như Sotheby’s, Bonhams và Christie’s.

Một gallery từ Việt Nam - Thăng Long Art Gallery đang tham dự tuần lễ với triển lãm “Một thoáng Việt Nam”, tổ chức tại nhà đấu giá lâu đời và nổi tiếng Bonhams. Tác phẩm của bốn họa sĩ góp mặt tại đây có sự kết nối thú vị mang tính thế hệ. Đó là họa sĩ thế hệ kháng chiến Phùng Phẩm (sinh năm 1932), họa sĩ đương đại từ thời kỳ đổi mới Lê Thiết Cương (sinh năm 1962), họa sĩ đương đại Lý Trần Quỳnh Giang (sinh năm 1978) và họa sĩ đốt gỗ đa chất liệu Ngô Văn Sắc (sinh năm 1980).

Đại diện Thăng Long Art Gallery - ông Nguyễn Đình Quang chia sẻ, chúng tôi muốn giới thiệu và quảng bá rộng rãi hơn về nghệ thuật đương đại Việt Nam đến người quan tâm ở nước ngoài. Cũng theo thông tin từ ông Quang, bà Joan Yip, Giám đốc mảng nghệ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á của Bonhams đã cho biết, nhà đấu giá Bonhams đang nỗ lực quảng bá hơn cho những họa sĩ có lẽ ít được biết tới hơn ở các phiên đấu quốc tế.

Qua phân tích của bà Joan Yip, có một thực tế đáng suy ngẫm. Đó là hiện rất nhiều người tập trung vào phân khúc tác phẩm Đông Dương. Trong khi còn nhiều họa sĩ khác ở thế hệ kháng chiến, thế hệ đổi mới và cả đương đại đều rất hay và đáng quan tâm. Còn bà Sophie Kempson, Giám đốc phát triển của Asian Art in London thì nhận xét: Triển lãm “Một thoáng Việt Nam” mang tới một góc nhìn mới cho Luân Đôn khi mọi người như được chứng kiến những gì đang diễn ra với nghệ thuật đương đại Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Các họa sĩ và các tác phẩm được trưng bày ở đây rất thú vị, đặc biệt là qua đó cho thấy quá trình thực hành nghệ thuật như sơn mài hay như tranh đốt gỗ. Theo bà Sophie Kempson: “Đó là những chất liệu mà hầu như chúng tôi chưa được biết tới tận mắt một cách kỹ càng trước đây”.

Ông Nguyễn Đình Quang cho biết, triển lãm đã nhận được sự quan tâm, tham dự của ông Henry Howard-Sneyd, Chủ tịch mảng nghệ thuật châu Á của nhà Sotheby’s; bà Rachel Hyman, Trưởng phòng nghệ thuật châu Á của nhà Bonhams; ông Robin Markbreiter, Chủ tịch tạp chí Arts of Asia, Hồng Công (Trung Quốc); bà Raquelle Azran, chuyên gia nghiên cứu và môi giới mỹ thuật Việt Nam từ năm 1991; TS Thompson, chuyên gia nghiên cứu về sơn mài Việt Nam tại Đại học UCA, Anh…