Bàn về nâng cao hiệu quả ánh sáng cho bảo tàng

Trong tháng 12 tới, với thời gian 3 ngày, tại Thái Nguyên và TP Hồ Chí Minh sẽ lần lượt diễn ra hội thảo - tập huấn hướng dẫn áp dụng Tiêu chuẩn quốc gia: TCVN 14167:2024 “Bảo tồn di sản văn hóa - Hướng dẫn và quy trình lựa chọn ánh sáng thích hợp cho trưng bày trong nhà” cho các bảo tàng, ban quản lý/trung tâm bảo tồn/khu di tích khu vực phía Bắc và phía Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Tượng rồng (thế kỷ XIII, tháp Mẫm, Bình Định) tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Tượng rồng (thế kỷ XIII, tháp Mẫm, Bình Định) tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng.

Tại hai địa phương trên, lãnh đạo nhiều bảo tàng và các ban quản lý, trung tâm bảo tồn, khu di tích có khu trưng bày và các hoạt động trưng bày, cùng với đội ngũ chuyên môn sẽ tập huấn, trao đổi về nhiều chủ đề như: Vai trò của ánh sáng nhân tạo trong trưng bày bảo tàng, Tầm quan trọng của việc thiết lập các tiêu chuẩn bảo tồn di sản văn hóa trong điều kiện ánh sáng, Tính thẩm mỹ của ánh sáng tác động tới hiệu quả của trưng bày hiện vật trong bảo tàng. Các nội dung thực hành cũng được phổ biến như: Ánh sáng và bảo quản hiện vật - yêu cầu và giải pháp áp dụng TCVN hiện hành, Lựa chọn hiện vật và luân chuyển hiện vật trong trưng bày bảo tàng thỏa mãn các yêu cầu của TCVN ánh sáng, Phân tích yêu cầu ánh sáng cho từng loại hiện vật: Đặc điểm của vật liệu, mầu sắc, độ nhạy với ánh sáng.

Hai hội thảo được tổ chức ở phía Bắc và phía Nam trên cũng sẽ hướng dẫn về thao tác thiết kế bố trí ánh sáng, Phương pháp chiếu sáng trực tiếp và gián tiếp, ánh sáng khuếch tán và kỹ thuật kiểm soát nhiệt độ mầu để bảo vệ di sản văn hóa, Ứng dụng công nghệ hiện đại trong bảo tồn di sản qua ánh sáng.

Hội thảo về 65 năm bảo vệ di sản

“65 năm sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa” là chủ đề hội thảo do ngành văn hóa tổ chức, sẽ diễn ra vào tháng 12 tới, tại Hà Nội. Hoạt động nhằm tổng kết 65 năm sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa với mục tiêu nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cho cán bộ trong ngành. Đây cũng là diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Tham dự hội thảo sẽ có đại diện nhiều đầu mối như Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Vụ Khoa giáo - Văn xã, Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ), Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Cùng với đó có đại diện các bảo tàng, di tích, viện nghiên cứu và các cơ quan đào tạo ngành di sản văn hóa. Nhiều đơn vị địa phương cũng tham dự như các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố.

Khai quật thành Nhà Bầu

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định cho phép Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang phối hợp Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại Khu vực di tích thành Nhà Bầu, xã An Khang, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, thời gian khai quật sẽ diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 30/12.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu, cần bảo vệ địa tầng của di tích, đồng thời tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương. Cùng với đó, Bảo tàng và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phải gìn giữ, bảo quản hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, tránh để hư hỏng, thất lạc. Các đơn vị liên quan cũng phải đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật.