Âm nhạc và kiến trúc sáng tạo

Cuối tuần qua, cùng lúc ở miền trung và Nam Bộ đã diễn ra những hoạt động tưởng niệm 100 năm ngày sinh của hai nhạc sĩ lớn cận - hiện đại của nước ta. Tại Đà Nẵng, là chương trình kỷ niệm về “Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu” (từ 8 đến 18/11) do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp UBND thành phố tổ chức để ghi nhận đóng góp to lớn của nhạc sĩ với nền âm nhạc hiện đại.
Ảnh: LÊ MINH
Ảnh: LÊ MINH

Sau buổi tọa đàm ngày 8/11; đêm 9/11 là chương trình nghệ thuật “Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - Cùng tình yêu ở lại”. Có thể kể đến một số tác phẩm nổi tiếng tiêu của ông như “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Những ánh sao đêm”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”… Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (1924-2015) đã nâng tầm những làn điệu dân ca, câu hò, điệu hát ru quen thuộc thành tuyệt phẩm âm nhạc. Qua âm nhạc, ông đã gửi gắm những triết lý sâu sắc về cuộc sống, con người và đất nước. Năm 2000, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Ngoài hai buổi tọa đàm và đêm nhạc, còn có triển lãm nghệ thuật “Phan Huỳnh Điểu - Cánh chim bay về” giới thiệu 15 tác phẩm hội họa, 8 ký họa, 1 tác phẩm điêu khắc và 53 bức ảnh tái hiện quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật âm nhạc của ông.

Còn tại Nam Bộ, UBND tỉnh Trà Vinh cũng vừa tổ chức lễ khởi động Khu lưu niệm cố soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Viễn Châu tại quê nhà của ông (ngày 8/11, tại ấp Cây Da, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải).

Cố soạn giả - NSND Viễn Châu (1924-2016) là nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng. Ngoài ra, còn được cho là người khai sinh ra nhánh cải lương “Tân cổ giao duyên”. Ông là tác giả của hơn 50 vở cải lương và hơn 2.000 bản vọng cổ, được dàn dựng, biểu diễn, phát hành khắp trong và ngoài nước. Nhiều tác phẩm rất nổi tiếng như “Tình anh bán chiếu”, “Sầu vương ý nhạc”, “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà”, “Lá trầu xanh”, “Hàn Mặc Tử”, “Tần Quỳnh khóc bạn”, “Kiếp cầm ca”… Các tác phẩm của ông đã góp phần giúp nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn nổi danh. Năm 1988, ông được phong tặng NSƯT. Năm 2012, ông là NSND, công lao của ông có đóng góp lớn trong việc phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc về thể loại “Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ”, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2013. Năm 2014, ông được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba cho những đóng góp xuất sắc này.

Tại Hà Nội, lễ hội kiến trúc với chủ đề “Giao lộ sáng tạo” (khởi động từ 9/11) được hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội với hơn 100 hoạt động sáng tạo thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa như: thiết kế, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, xuất bản...