Trái ngọt chỉ có từ sự nỗ lực

Không chỉ là một trong những tay vợt giàu thành tích nhất lịch sử bóng bàn Việt Nam (với bảy chức vô địch đơn nam quốc gia, cùng ba lần giành huy chương vàng SEA Games), huấn luyện viên Câu lạc bộ Hà Nội T&T Vũ Mạnh Cường còn trực tiếp phát hiện và đào tạo nhiều cây vợt trẻ xuất sắc. Trước thềm Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân lần thứ 40, chúng tôi đã có dịp lắng nghe những chia sẻ của ông về sự phát triển của bóng bàn nước nhà.

0:00 / 0:00
0:00
Huấn luyện viên Vũ Mạnh Cường (bên phải) chỉ đạo sát sao, giúp học trò Trần Mai Ngọc giành ngôi vô địch đơn nữ năm 2021. Ảnh: Tường Vy
Huấn luyện viên Vũ Mạnh Cường (bên phải) chỉ đạo sát sao, giúp học trò Trần Mai Ngọc giành ngôi vô địch đơn nữ năm 2021. Ảnh: Tường Vy

- Gắn bó với bóng bàn suốt nhiều chục năm từ vai trò một vận động viên giàu thành tích cho đến huấn luyện viên của một câu lạc bộ tên tuổi, ông cảm nhận như thế nào về sự phát triển của bộ môn này, nhất là những năm gần đây?

- Hiện tại, phong trào trong nước rất phát triển. Các giải đấu cũng diễn ra liên tục, không những phần thưởng cao, mà công tác tổ chức cũng tốt hơn trước rất nhiều. Thậm chí, các giải nghiệp dư do cá nhân tự tổ chức cũng đã phân hạng thi đấu, có nguyên tắc thăng hạng, xuống hạng rất chuyên nghiệp, nghiêm túc. Đây là những dấu hiệu đáng mừng.

Vượt lên tất cả, Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân luôn là giải đấu chất lượng cao nhất tại Việt Nam, quy tụ các vận động viên hàng đầu. Hơn nữa, giải có mức tiền thưởng rất lớn khiến tính cạnh tranh được đẩy lên cực kỳ cao. Sự kiện này thúc đẩy công tác đào tạo, huấn luyện bóng bàn của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, và tác động trực tiếp tới sự chọn lựa thành viên cho Đội tuyển quốc gia.

- Ông có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ nhất trong những lần tham dự Giải vô địch bóng bàn quốc gia Báo Nhân Dân?

- Tôi nhớ nhất thời điểm năm 1993, khi lần đầu giành chức vô địch đơn nam toàn quốc. Rất nhiều vận động viên đàn anh đầy kinh nghiệm tham dự. Trận chung kết năm đó diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc ấy tôi 19 tuổi và không hề nghĩ mình sẽ vô địch. Tôi chỉ biết nỗ lực hết sức. Đó chính là động lực và là bước khởi đầu rất tốt để bản thân tôi có được tấm huy chương vàng đơn nam tại SEA Games 18 (Chiang Mai, Thái Lan) hai năm sau đó.

- Từ kinh nghiệm của mình, ông có lời khuyên gì với các bạn trẻ muốn chinh phục đỉnh cao ở bộ môn này?

- Trước đây, dù điều kiện tập luyện, cơ sở vật chất và sự quan tâm không được như ngày hôm nay, chúng tôi chỉ có công việc đơn giản là ăn và tập. Nhưng bây giờ có quá nhiều thứ khiến các bạn trẻ dễ sao lãng. Vì vậy, các bạn trẻ hiện nay cần cố gắng hơn rất nhiều ở sự chú tâm, tránh để các yếu tố khác chi phối.

Nhìn kỹ, có nhiều vận động viên trẻ có tài biết cách biến sự nỗ lực thành những trái ngọt, đặc biệt là ở các kỳ SEA Games gần nhất. Tuy nhiên, đó chỉ là thiểu số. Phần lớn các tay vợt chưa có đủ sự nỗ lực cần thiết trong việc xoay xở và gây đột biến. Điều này là mấu chốt để mỗi cá nhân vượt qua được những mốc điểm số trong các cuộc thi đấu tầm cỡ.

Bóng bàn là môn thể thao phải biết rèn luyện, rồi kiên nhẫn chờ đợi để chớp thời cơ. Trong những khoảnh khắc quan trọng, ý chí và quyết tâm chiến thắng cũng là một trong những bí quyết thành công. Tôi rất mong các bạn trẻ có tố chất giữ trong lòng niềm trăn trở. Chỉ khi đó, vận động viên mới học được cách để tiến bộ và gặt hái thành tích cao hơn nữa.

- Trong thời gian tới, làm thế nào để bóng bàn Việt Nam có thể đào tạo được nhiều nhân tố mang tính đột phá, thưa ông?

- Tôi hy vọng Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam và Tổng cục Thể dục-Thể thao có kế hoạch và chiến lược tập trung sâu vào các tỉnh có thành tích thi đấu bóng bàn nổi bật, nhằm phát hiện và đào tạo trẻ từ tuyến phong trào lên chuyên nghiệp, tránh để lãng phí tài năng. Một số tỉnh như Vĩnh Long, Tiền Giang... sở hữu các tuyến vận động viên quốc gia vốn rất mạnh, nhưng nhiều năm nay không còn duy trì được chất lượng, không ươm trồng thêm được tài năng trẻ.

Xu hướng của bóng bàn quốc tế đòi hỏi các vận động viên mài giũa kỹ năng liên tục với cường độ lớn, bóng bàn Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Các tay vợt trẻ cần được ra nước ngoài thi đấu nhiều hơn thay vì tập luyện trong nước suốt thời gian dài và chỉ tham dự một giải quốc tế mỗi năm. Ngoài ra, chúng ta có thể lựa chọn một số tay vợt trẻ 12-13 tuổi thật sự có tố chất để đưa đi tập huấn dài hạn.

Đầu tư cho bóng bàn cần chiến lược dài hơi. Việc này phải trông cậy vào nguồn lực xã hội hóa. Nếu chúng ta có tâm huyết ươm trồng các vận động viên từ gốc rễ, tôi tin thành tích trong tương lai sẽ có những vượt trội đáng kể.

- Trân trọng cảm ơn ông!