Để các bạn trẻ khởi nghiệp thành công và bền vững cần rất nhiều yếu tố. Trong đó, bốn vấn đề quan trọng nhất cần đặc biệt được quan tâm đó là: cơ chế chính sách, công nghệ, nguồn vốn và nguồn nhân lực.
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã liên tục có nhiều đổi mới, nhanh gọn, đơn giản về thủ tục hành chính giúp các doanh nghiệp có môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp và phát triển. Đặc biệt, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã có rất nhiều điều chỉnh nhằm hỗ trợ và thúc đẩy các startup được ban hành. Chẳng hạn như, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ nêu rõ: Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ về thông tin, truyền thông, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo và kinh phí. Với hơn 40 tổ chức hỗ trợ, vườn ươm của Chính phủ được hình thành, có thể khẳng định chúng ta có đầy đủ cơ chế chính sách, cũng như tạo được hành lang pháp lý thông thoáng, đúng đắn và phù hợp để mở đường cho các startup phát triển.
Tuy nhiên, các đơn vị khởi nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ thị trường và lựa chọn hướng đi một cách hợp lý. Chúng ta cần có cơ chế chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ tiên tiến có tính chất đi trước đón đầu. Xét về tầm nhìn lâu dài, đây là yếu tố quan trọng giúp tạo ra thế hệ nhân lực có trình độ cao, song song cải thiện nền tảng hạ tầng tốt, nhằm bắt kịp trình độ phát triển của thế giới. Muốn thực hiện được, rất cần sự định hướng rõ ràng từ Chính phủ, cần quan điểm nhất quán nhằm hạn chế nhập khẩu các công nghệ cũ, lạc hậu, dẫn đến nguy cơ biến nước ta trở thành bãi rác công nghệ.
Không những vậy, với hơn 3.000 startup trẻ sáng tạo, sở hữu nhiều bước tiến và hướng phát triển khác biệt, việc tạo cơ chế cấp bản quyền hay vấn đề bảo hộ bản quyền cho các doanh nghiệp cần được quan tâm hơn nữa. Thông thường một startup mất từ ba đến 5 năm cho một phương thức riêng, một sản phẩm sáng tạo, nhưng để sao chép ý tưởng đôi khi chỉ cần vài tháng. Căn bệnh này khiến các dự án sớm phá sản khi chưa kịp hoàn vốn.
Bên cạnh các vấn đề về cơ chế chính sách, việc thiếu hụt hoặc không tiếp cận được các nguồn tài chính là nguyên nhân chính khiến hơn một nửa số doanh nghiệp startup thất bại. Đại dịch Covid-19 kéo theo sự suy thoái toàn cầu khiến việc đầu tư vào Việt Nam chững lại trong năm 2020. Tuy nhiên, số thương vụ đầu tư trong chín tháng năm 2021 đã nhanh chóng hồi phục và đạt con số cao kỷ lục (hơn 1,368 tỷ USD) của thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam. Dẫu vậy, số tiền trên chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tập đoàn lớn, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh và nhà đầu tư cá nhân quốc tế, dẫn tới nguy cơ "chảy máu chất xám" hiện hữu.
Dù Chính phủ có rất nhiều hoạt động thúc đẩy, nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp hầu như rất hạn chế. Chúng ta cần nhiều hơn nữa các cơ chế hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp như: bảo lãnh Chính phủ với ngân hàng dựa trên tính khả thi của dự án, các chính sách lãi suất ưu đãi linh hoạt, hay tổ chức hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn từ nước ngoài…
Cuối cùng, có thể nói chưa bao giờ nước ta có một nguồn nhân lực lao động chất xám nhiều về số lượng như thời điểm hiện tại. Theo thống kê của Chính phủ, chúng ta có hơn 24.000 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ và hàng trăm nghìn thợ lành nghề. Mỗi năm cũng có hơn 100.000 kỹ sư tốt nghiệp và khoảng 200.000 cử nhân ra trường. Vấn đề nằm ở chỗ chất lượng của nguồn nhân lực này thế nào?
Về khả năng thực hành, hệ thống đào tạo trong nước nặng về lý thuyết, thiếu thực tế nên hầu hết các kỹ sư, cử nhân ra trường đều không thể làm việc ngay được mà gần như phải đào tạo lại. Bên cạnh đó, nền tảng xã hội và giáo dục đã tạo nên các thế hệ làm việc thiếu chuyên nghiệp, tính kỷ luật thấp, khiến hiệu quả công việc chưa cao. Ngoài ra, khả năng tự học hỏi để nâng cao năng lực cá nhân chưa được đánh giá cao nếu nhìn vào tỷ lệ đọc sách của người Việt. Chúng ta sở hữu mức rất thấp với trung bình một cuốn sách mỗi năm. Con số này là 14 cuốn mỗi năm tại Singapore, với Nhật Bản là khoảng 40 cuốn hay thậm chí người Do Thái đọc trung bình tới 60 quyển sách.
Xét một cách khách quan, với sự thống trị của các công ty nội địa cùng sự cạnh tranh ngày một tăng từ các đối thủ nước ngoài, nhiều thế hệ startup Việt đã hình thành tư tưởng phát triển công ty ở quy mô toàn cầu từ rất sớm. Bên cạnh đó, họ cũng tập trung vào việc xây dựng nền tảng công nghệ lõi vững chắc để có được những lợi thế cạnh tranh nhất định. Bởi vậy, với mục tiêu xây dựng môi trường lành mạnh giúp phát triển hệ sinh thái startup, chúng ta rất cần có thêm nhiều cơ chế linh hoạt và cụ thể hơn nữa, nhằm tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trẻ phát triển một cách bền vững và lành mạnh.